Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 01:16 (GMT +7)
Xuân về, nhớ Bác
Chủ nhật, 23/01/2022 | 06:15:36 [GMT +7] A A
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân Việt Nam nói chung, người Quảng Ninh nói riêng lại bồi hồi nhớ Bác Hồ, không chỉ bởi có mùa xuân, có cuộc sống như hôm nay là nhờ có Đảng, có Bác, mà còn bởi những tình cảm Bác đã dành cho quân và dân Vùng mỏ.
Cụ Nguyễn Văn Thành, ở khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, xuân này là 88 tuổi nhưng vẫn còn khá mạnh khoẻ và rất minh mẫn. Ngày 22/1/1962, khi Bác Hồ và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô German Titov về thăm khu Hồng Quảng và thăm Vịnh Hạ Long, cụ Thành lúc đó đang là Phó Thị đoàn Hòn Gai đã may mắn được tháp tùng Bác ra vịnh.
Cụ Thành khẳng định mình đã nhiều lần được đón Bác về thăm Quảng Ninh và có lẽ chưa lần nào thấy Bác vui nhiều như chuyến về thăm cùng Titov năm ấy. Khi tàu đưa Bác và Titov đi qua một hòn đảo, Titov chú ý và nói gì đó với Bác bằng tiếng Nga. Tàu dừng lại và mọi người lên đảo. Bên bờ cát, Bác hỏi ông Nguyễn Sĩ Bính, khi đó là Trưởng ban Ngoại vụ (tương đương Giám đốc Sở Ngoại vụ bây giờ) khu Hồng Quảng đảo này gọi là gì? Ông Bính thưa với Bác đảo chưa có tên, chỉ đánh số 47. Bác liền nói vậy thì từ nay ta đặt tên đảo là Titov. Mọi người vỗ tay, đồng tình.
Không riêng cụ Thành, trong quá trình làm phim tư liệu, sách ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh, tôi đã gặp, trao đổi với những người đã từng vinh dự được phục vụ, đón Bác Hồ trong những chuyến Người về thăm Quảng Ninh, thăm Vịnh Hạ Long đều có một tình cảm đặc biệt với Bác và vẫn vẹn nguyên theo suốt cuộc đời họ. Đó là các cụ Ngô Ngọc Khuông, nguyên thượng sĩ hải quân trên tàu Hải Lâm từng đưa Bác và Titov thăm Vịnh Hạ Long; Bùi Thị Tỉnh, Đội trưởng Đội thiếu nhi danh dự vinh dự được tặng hoa Bác và Titov; Bùi Thị Nghĩa, đội viên được tặng hoa Bác khi Người về thăm khu Hồng Quảng ngày 3/10/1957; Vi Xuân Đắc, chiến sĩ công an bảo vệ Bác tại buổi Người nói chuyện với cán bộ tỉnh Hải Ninh tại Trà Cổ ngày 8/5/1960 và nhiều người khác nữa. Nay dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng họ vẫn nhớ như in những lời Bác dạy tại những buổi Người nói chuyện trước đồng bào Vùng mỏ.
Cụ Thành khẳng định rất nhiều người đã trưởng thành, trở thành những anh hùng, chiến sĩ thi đua trên các mặt trận từ học và làm theo lời dạy của Bác từ những buổi nói chuyện ấy. Bản thân cụ đã từng 10 năm dành danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, trong đó có 4 lần được tuyên dương xuất sắc trong phong trào thi đua dành “Danh hiệu Titov” những năm 60 của thế kỷ trước cũng là bởi thấm nhuần những lời dạy của Bác.
Chuyến thăm của Bác và Anh hùng German Titov năm 1962 diễn ra vào ngày 16 và 17 tháng chạp - tức chỉ trước Tết Nguyên đán ít ngày. Bởi vậy, đã mang đến một niềm vui, một khí thế mới, một động lực rất lớn cho quân và dân Vùng mỏ trong thực hiện Kế hoạch nhà nước 5 năm (1961-1965). Phong trào thi đua dành “Danh hiệu Titov” diễn ra sôi nổi khắp các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị, trường học, thôn, xóm.
Năm 1962 cũng là năm Quảng Ninh đón Bác Hồ về thăm hai lần. Sau chuyến Bác về cùng Titov ngày 22/1/1962, Người còn có chuyến về thăm quân và dân đảo Ngọc Vừng, thăm cán bộ, chiến sĩ cảng Vạn Hoa ngày 13/11/1962. Ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ (1965), Bác về thăm, chúc Tết quân và dân Quảng Ninh, tặng cờ thi đua luân lưu khá nhất cho ngành Than, biểu dương nhiều nỗ lực, cố gắng của quân và dân Vùng mỏ trong thi đua sản xuất, thực hiện kế hoạch 5 năm của Nhà nước.
60 năm sau chuyến thăm của Bác Hồ và German Titov, Quảng Ninh đã đổi thay vượt bậc, là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. 60 năm kể từ khi Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích, danh thắng quốc gia đợt I năm 1962 đã 2 lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, trở thành một trong các trọng điểm của du lịch Việt Nam. Học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang là nền tảng để Quảng Ninh xây dựng con người mới năng động, sáng tạo, giàu lòng yêu nước, vì một Quảng Ninh phát triển hơn nữa.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()