Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:17 (GMT +7)
Xuất khẩu gạo cao nhất 34 năm
Thứ 4, 08/11/2023 | 08:14:43 [GMT +7] A A
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Ngày 7/11, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam điều chỉnh giảm nhẹ so với cuối tuần trước. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 653 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn.
Tuy giảm nhẹ, nhưng hiện giá gạo Việt Nam vẫn đang ở mức cao và bỏ xa gạo Thái Lan tới 91 USD/tấn. Nhìn về mặt giá gạo Việt Nam đang xác lập một mặt bằng giá mới.
Giá gạo tiếp tục phá đỉnh cao nhất 15 năm qua. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong tháng 10 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với tháng cùng kỳ.
Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới
Nếu đặt trong bối cảnh 34 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam, những con số trên là biết nói. Ngành gạo từ việc xuất khẩu chú trọng sản lượng, nay gạo Việt Nam đã có giá cao nhất thế giới, chất lượng cũng ngày càng chinh phục được các thị trường khó tính. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia lâu lăm của ngành gạo, gạo Việt Nam đang dần thiết lập được chỗ đứng mới trên thị trường thế giới.
Dự báo xu thế giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp khẳng định gạo Việt Nam đã xác lập được vùng giá mới và ngắn hạn vẫn duy trì mức cao. Chính các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, nhờ sản lượng xuất khẩu đều đặn mỗi năm khoảng 7 triệu tấn, chính sách xuất khẩu cũng ổn định, nên vị thế của những nhà sản xuất gạo Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực trên thị trường gạo thế giới.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Chúng ta đã bán được giá gạo cao hơn các quốc gia. Đã đến lúc chuyển quyền thương lượng, quyền thương lượng nó nằm ở người sản xuất, người bán. Đây là một bước rất lớn, một thay đổi cực kỳ quan trọng vì nếu thay đổi một chút trong tổ chức lại sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị một cách chủ động theo kế hoạch thì hoàn toàn sẽ chấm dứt được cảnh được mùa mất giá".
Với sản lượng lúa ổn định khoảng 43 triệu tấn mỗi năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn đóng góp chung an ninh lương thực thế giới.
Ông Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn đánh giá: "Các nước mà đang đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng đều là những nước mà luôn luôn trông đợi sự ổn định của họ về mặt an ninh lương thực, một phần quan trọng ở các nước xuất khẩu như Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể thấy trong một khía cạnh nào đó việc Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới chính là đảm bảo cho vị thế của mình chính là củng cố cho vai trò của đất nước mình trên trường quốc tế".
Thời gian tới đây, nếu Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, được Chính phủ thông qua thì quá trình xanh hoá hạt gạo của Việt Nam cũng chính thức được bắt đầu.
Theo các chuyên gia, một ngày không xa, Việt Nam còn có thể bán ra thế giới những hạt gạo được dán nhãn sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Rủi ro đằng sau giá lúa cao kỷ lục
Giá gạo xuất khẩu tăng cao, kéo theo giá lúa cũng tăng theo. Với nông dân, ai cũng mong sẽ bán được lúa với giá cao khi vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, chưa bao giờ bà con lại chứng kiến giá lúa tăng từng ngày và hiện đã vượt mốc 9.000 đồng/kg. Thậm chí ở một số nơi, giá được chốt đến 9.400 đồng/kg. Phấn khởi là điều đương nhiên, nhưng đi kèm cũng có cả nỗi lo.
Vụ Thu Đông này, ông Võ Minh Tài (xã Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp) xuống giống 4,5 ha. Lúa dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Những ngày qua, giá lúa liên tục tăng.
Giá lúa tăng cao cũng khiến lượng thương lái đổ dồn về các khu vực đang có lúa chuẩn bị thu hoạch. Tại khu ô bao này, đã có khoảng 70 - 80% nông dân chốt giá. Theo đại diện Hợp tác xã việc giá lúa tăng cao đang đe doạ mối liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, vì trong bối cảnh nguồn cung đang co hẹp do đã vào cuối vụ hè thu, khó tránh tránh cảnh tranh mua, tranh bán.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Phú Xuân, Đồng Tháp nói: "Giá lên quá thì liên kết cũng dễ gãy đổ, công ty không theo kịp".
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá lúa, gạo tăng cao dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.
Giá tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá phải hủy hợp đồng. Số khác để giữ chữ tín bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng.
Có thể thấy, đằng sau việc giá lúa tăng lên mức kỷ lục, vẫn còn đó những nỗi lo mà bất cứ ai trong ngành lúa gạo cũng không thể đứng ngoài. Câu chuyện liên kết, chia sẻ lợi nhuận một cách hài hòa lại được nhắc đến.
Doanh nghiệp cẩn thận trong ký hợp đồng giao xa
Xung quanh vấn đề giá gạo Việt tăng "nóng" tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam" mới đây, đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam thừa nhận, một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. Trường hợp doanh nghiệp lớn đang giao hàng, để giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua gạo giá cao gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương luôn khuyến cáo rõ ràng tới các doanh nghiệp, phải hết sức thận trọng khi ký hợp đồng. Bởi ký hợp đồng nhưng không lường được nguồn cung, không chủ động nguồn cung thì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Trần Quốc Khánh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Đối với hợp đồng xuất khẩu, tôi nghĩ với những hợp đồng mới nên thận trọng, không phải ký kết rồi hồ hởi trong giai đoạn này. Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao thì chúng ta sẽ vướng phải tình trạng ký trước, tức bán trước sau đó mới quay vào trong nội địa để mua sẽ không loại trừ khả năng chúng ta ký trước thì giá nó thấp và sau đó quay vào nội địa để mua không mua nổi vì giá nội địa cũng tăng rất cao".
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo: "Chúng ta luôn luôn tính đến phương án có thể xảy ra trong việc chúng ta dự trữ cũng như ký kết hợp đồng và áp dụng điều khoản phù hợp, để phòng tránh rủi ro. Còn việc đảm bảo dự trữ lưu thông cũng như yêu cầu đáp ứng yêu cầu của Nghị định 107 vẫn là yêu cầu hàng đầu mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đảm bảo tuân thủ".
Hiện nay, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, bà con đã xuống giống vụ Đông Xuân, vụ chính của năm, dự kiến diện tích là 1,5 triệu ha. Tháng 2 năm sau sẽ cho thu hoạch. Như vậy từ nay đến cuối tháng 2 nguồn cung gạo trên thị trường sẽ hạn chế và theo các chuyên gia giá gạo xuất khẩu sẽ khó giảm sâu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục cẩn trọng, tránh những rủi ro trong giao dịch ký kết hợp đồng, để lợi ích được chia sẻ hài hoà giữa các bên.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()