Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 22:05 (GMT +7)
2 loại đồ uống làm giảm các triệu chứng khó chịu khi bạn bị cảm lạnh
Thứ 2, 15/08/2022 | 23:10:04 [GMT +7] A A
Những cơn mưa do ảnh hưởng của bão và thời tiết giao mùa là nguyên nhân khiến nhiều người bị cảm lạnh. Khi cơ thể nhiễm lạnh, uống một tách trà nóng là một cách tuyệt vời để giữ cho cơ thể đủ nước và cải thiện các triệu chứng khó chịu.
1. Ai dễ mắc cảm lạnh?
Cảm lạnh dễ gặp vào lúc giao mùa, khi thời tiết mưa lạnh. Vì cảm lạnh do virus xâm nhập vào cơ thể gây nên vì thế nó có thể lây lan qua các giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi hoặc ho không che miệng. Virus cũng có khả năng lây khi dùng chung đồ vật với người bị bệnh.
Những đối tượng dễ bị cảm lạnh là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có miễn dịch kém, người mắc bệnh mạn tính, người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá…
2. Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí
Khi bị cảm lạnh, người bệnh thường có biểu hiện: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; Đau họng; Ho; Đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu, đau xoang; Hắt xì hơi liên tục; Sốt; Người mệt mỏi…
Cảm lạnh thông thường sẽ làm ảnh hưởng tới xoang, mũi hoặc họng, với các triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi chỉ sau vài ngày đến một tuần.
Tình trạng ho có kèm theo hắt hơi liên tục, nếu có sốt thì chỉ là sốt nhẹ. Các biểu hiện của cảm lạnh chỉ kéo dài trong vòng 5-7 ngày nhưng làm cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi. Người bệnh ho nhiều thường có đờm, đờm loãng, màu trắng và dễ khạc nhổ.
Theo các chuyên gia y tế, cảm lạnh thường lành tính, nếu người bệnh được nghỉ ngơi, điều trị đúng cách, chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ sẽ sớm khỏe mạnh trở lại. Nếu không được chăm sóc điều trị đúng, một số trường hợp sẽ có những biến chứng như: viêm họng, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, có thể làm tái phát cơn hen ở những bệnh nhân có tiền sử bị hen suyễn…
Theo BS. Trần Thị Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, khi bị cảm lạnh, ngoài việc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm bớt các triệu chứng như sốt, ho, nghẹt mũi… người bệnh cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Cần lưu ý cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng các loại nước lọc, nước trái cây, nước canh ấm.
Đặc biệt, uống trà thảo mộc như trà gừng, trà mật ong ấm có thể giúp cung cấp nước, làm ấm cơ thể, làm loãng dịch đường hô hấp, chống tắc nghẽn và làm dịu cổ họng, cải thiện các triệu chứng của cảm lạnh.
2. Đồ uống tốt nhất nên dùng khi bạn bị cảm lạnh
2.1. Trà gừng
Khi cơ thể nhiễm lạnh, uống một tách trà nóng là cách tuyệt vời để giữ cho cơ thể đủ nước và cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh. Uống trà gừng sẽ giúp giảm các triệu chứng như buồn nôn, ho và đau họng…
Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale Rosc. Trong củ gừng có 2 - 3% tinh dầu, ngoài ra còn có chất nhựa (5%), chất béo (3,7%), tinh bột và chất cay. Các chất trong gừng có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau và giảm ho, chống viêm, chống co thắt, chống nôn, tăng cường miễn dịch.
Gừng có tác dụng kháng virus và kháng khuẩn tuyệt vời. Nó kích thích hệ thống miễn dịch tự bảo vệ tốt hơn để chống lại các virus gây bệnh cúm và cảm lạnh.
Trong y học cổ truyền phương Đông, gừng là một vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Gừng tươi là vị thuốc có vị cay, tính ấm, có công dụng phát tán phong hàn, ấm vị, chỉ nôn, hóa đờm, chỉ ho, lợi niệu, giải độc. Thường dùng để trị cảm lạnh, đau đầu, rét, tắc ngạt mũi, đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, không tiêu, trị ho, đờm nhiều, ho do viêm phế quản…
Ngoài ra, gừng tươi còn được sử dụng như một phụ liệu quý trong chế biến thuốc, làm giảm tác dụng phụ, tăng tính ấm, tăng tác dụng chữa ho của một số loại thuốc Đông y.
Cách sử dụng trà gừng rất đơn giản: Dùng gừng tươi 10g, rửa sạch, đập giập, thêm nước đun sôi hoặc cho vào ấm pha trà, đổ nước sôi pha hãm trong 10 phút, thêm đường uống nóng. Dùng tốt để làm ấm cơ thể khi bị cảm lạnh, buồn nôn, tiêu chảy…
2.2. Trà mật ong
Mật ong là một nguồn giàu chất dinh dưỡng, bao gồm các enzym, vitamin và khoáng chất. Mật ong nguyên chất chứa một loạt các hóa chất thực vật hoạt động như chất chống ôxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn thương tế bào do các gốc tự do và tăng cường miễn dịch.
Được coi là nguồn kháng sinh tự nhiên, sử dụng trà mật ong giúp kháng khuẩn, giúp làm dịu kích ứng họng, giảm ho hiệu quả trong hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh.
Người bệnh có thể sử dụng mật ong pha với chanh đào ngâm đường phèn và nước ấm. Hoặc pha mật ong với nước và vài lát gừng uống ấm giúp giảm cảm giác đau rát, ngứa cổ, loãng đờm.
Uống trà mật ong ấm cũng rất hiệu quả để ngăn chặn cơn ho trước khi đi ngủ, giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()