Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 10/09/2024 01:10 (GMT +7)
8 dấu hiệu cảnh báo nên ngừng uống trà ngay lập tức kẻo nguy hiểm
Thứ 6, 09/08/2024 | 22:07:57 [GMT +7] A A
Trà là thức uống quen thuộc của nhiều người Việt. Trà xuất hiện ở mọi nơi, từ nhà hàng sang trọng tới hàng quán vỉa hè. Uống trà đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên, loại đồ uống này cũng có thể đem tới một số rủi ro nhất định nếu uống không đúng cách.
Các loại trà được sử dụng phổ biến hiện nay chủ yếu là trà đen, trà xanh, trà ô long - tất cả đều có nguồn gốc từ lá cây Camellia sinensis. Trà chứa nhiều chất chống oxy hóa gọi là flavan-3-ols, ít caffeine hơn cà phê có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa - yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường type 2, bệnh ung thư hay bảo vệ xương và tăng cường miễn dịch.
Tuy nhiên, uống trà quá nhiều lại có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe. Theo Healthline, dưới đây là 8 dấu hiệu cho thấy bạn nên ngừng uống trà và xem xét tới việc giảm lượng trà uống mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe cũng như tránh các tác dụng phụ không mong muốn:
1. Cảm thấy lo lắng, căng thẳng và bồn chồn hơn
Uống trà một mặt có thể giảm cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc bồn chồn nhưng nếu uống quá nhiều lại có thể khiến các triệu chứng sức khỏe tâm thần này tăng lên.
Nguyên nhân được giải thích là do lá trà tự nhiên có chứa caffeine (chẳng hạn như trà xanh và trà đen). Tiêu thụ quá nhiều caffeine từ trà hoặc bất cứ nguồn nào khác đã được chứng minh là có thể gây ra cảm giác lo lắng, căng thẳng và bồn chồn.
Lưu ý là, trà đen có thể chứa nhiều caffeine hơn so với trà xanh và bạch trà; ngâm trà càng lâu thì hàm lượng caffeine lại càng cao.
2. Ngủ kém, khó ngủ hơn là dấu hiệu uống trà quá nhiều
Như đã nói, một số loại trà chứa caffeine tự nhiên nên uống trà quá nhiều có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của một số người, đặc biệt là khi uống trà gần sát giờ đi ngủ.
Cụ thể, melatonin là hormone báo hiệu cho não biết đã tới giờ đi ngủ nhưng caffeine trong trà lại có thể ức chế cơ thể sản xuất hormone này - kết quả là người uống trà sẽ khó ngủ hơn và chất lượng giấc ngủ kém hơn.
Thiếu ngủ có liên quan tới nhiều vấn đề về tinh thần bao gồm mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và giảm khả năng tập trung. Hơn nữa, tình trạng thiếu ngủ mãn tính có thể làm tăng nguy cơ béo phì và kém kiểm soát lượng đường trong máu.
3. Buồn nôn
Một số hợp chất trong trà có thể gây buồn nôn, đặc biệt là khi uống trà với lượng lớn hoặc khi bụng đang đói. Tiêu biểu có thể kể đến hợp chất tannin. Tannin là hợp chất hóa học nằm trong một nhóm các hợp chất lớn hơn được gọi là polyphenol giúp trà có các đặc tính tương tự như các polyphenol khác. Điều đó có nghĩa là các hợp chất tannin trong trà có khả năng giúp ngăn ngừa bệnh mãn tính nhờ khả năng chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Tannin cũng giúp cho trà có vị đắng chát tự nhiên, được tìm thấy nhiều nhất trong trà đen. Nhưng khi tiêu thụ với một lượng lớn thì tannin có thể tăng axit dạ dày gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa và tăng nguy cơ gặp phải các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, táo bón và đau dạ dày.
Tùy từng người mà lượng trà để kích hoạt triệu chứng buồn nôn sẽ khác nhau, với người nhạy cảm, chỉ 1 - 2 cốc (khoảng 240 - 480ml) là có thể cảm thấy buồn nôn và đau bụng. Nếu bị đau bụng sau khi uống trà, hãy thử nhai một ít bánh mì nướng hoặc phô mai. Tannin liên kết với protein và carbohydrate trong thực phẩm sẽ giúp giảm buồn nôn hoặc các triệu chứng đau bụng.
4. Ợ nóng
Caffeine trong trà có thể gây ợ nóng hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit dạ dày đang có. Điều này được giải thích là do caffeine làm giãn cơ thắt ngăn cách thực quản với dạ dày, từ đó khiến dịch vị (có tính axit) trong dạ dày chảy ngược vào thực quản và gây ợ nóng.
Một nghiên cứu năm 2017 trên NCBI cũng chỉ ra rằng, tiêu thụ caffeine cũng góp phần làm tăng tổng lượng axit dạ dày.
Hơn nữa, uống trà khi còn nóng cũng có thể tăng nhiệt độ dạ dày, làm tăng nguy cơ ợ nóng do niêm mạc dạ dày bị kích thích. Nhiều người cũng có thói quen uống trà khi đói bụng dẫn tới tăng tiết axit dạ dày làm tổn thương hệ tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng với triệu chứng điển hình là đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị, ợ chua, buồn nôn,...
5. Đau đầu thường xuyên
Trong khi một số loại trà, chẳng hạn như trà bạc hà, có thể giúp làm dịu cơn đau và căng thẳng thần kinh liên quan tới chứng đau nhức đầu hoặc đau nửa đầu thì tiêu thụ quá nhiều caffeine trong trà có thể khiến người uống bị đau đầu.
Ngoài ra, nếu đã quen với việc uống nhiều caffeine và đột ngột giảm lượng caffeine tiêu thụ xuống có thể sẽ sinh ra phản ứng bằng cách phát triển triệu chứng đau đầu.
Uống trà quá nhiều cũng dễ bị mất nước hơn do trà là thức uống lợi tiểu, nó khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn và việc đi tiểu thường xuyên nếu không được bổ sung bằng cách uống nước đầy đủ, có thể dẫn đến mất nước. Mất nước trong thời gian dài có thể dẫn tới đau đầu với các mức độ nghiêm trọng khác nhau.
6. Chóng mặt
Mặc dù ít phổ biến nhưng ở một số trường hợp, uống trà quá nhiều có thể bị chóng mặt - tương tự như bị say trà phê.
Nếu cảm thấy chóng mặt khi uống trà, ngay cả khi dù uống một lượng nhỏ, bạn nên lựa chọn những loại trà đã được khử caffeine để an toàn hơn.
7. Cảm thấy bị phụ thuộc
Caffeine trong trà là một chất kích thích nếu thường xuyên sử dụng có thể gây nghiện dẫn tới sự phụ thuộc. Người phụ thuộc vào caffeine sẽ cảm thấy khó tập trung, dễ cầu gắt, mệt mỏi, nhức đầu, nhịp tim tăng nhanh khi không được uống thêm (hay còn gọi là các triệu chứng cai caffeine).
Bên cạnh đó, bạn sẽ nhận thấy lượng trà tiêu thụ theo thời gian nhiều hơn hẳn so với mức mong muốn của bản thân.
8. Đi tiểu thường xuyên hơn
Như đã nói, caffeine trong trà là một chất lợi tiểu và khiến người uống đi tiểu thường xuyên hơn bình thường. Nếu bạn thường xuyên thức dậy vào giữa đêm để đi tiểu hoặc số lần đi tiểu trong ngày đang cản trở sinh hoạt, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên xem xét lại số lượng trà mình đang uống mỗi ngày.
Ngoài những dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều trà kể trên thì người uống trà quá mức có thể bị thiếu sắt hoặc tăng nặng triệu chứng thiếu sắt sẵn có - do tannin trong trà có khả năng liên kết với sắt trong một số loại thực phẩm và khiến sắt không được hấp thụ trong đường tiêu hóa. Đặc biệt, nếu bạn đang theo đuổi chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay nghiêm ngặt, hãy chú ý tới lượng trà tiêu thụ hàng ngày bởi đa phần sắt được tìm thấy nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Vậy uống bao nhiêu trà mỗi ngày là đủ?
Theo Healthline, người trưởng thành có thể uống tối đa 4 cốc trà mỗi ngày tương đương với 6 - 8 gam trà, khoảng 600ml khi pha với nước. Tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm với caffeine trong trà mà lượng trà có thể uống mỗi ngày ở từng người có thể có sự khác biệt. Nhưng nhìn chung, uống quá 710 - 950ml trà mỗi ngày được coi là uống trà quá nhiều.
Tất nhiên là không phải mọi người đều gặp phải tất cả các triệu chứng kể trên khi uống trà nhưng nếu bạn thường xuyên uống trà và cơ thể phát triển một hoặc một vài bất thường này thì hãy cân nhắc tới việc giảm lượng trà uống vào hàng ngày và xem các triệu chứng đó có được cải thiện hay không. Nếu không, bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra là gì.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()