Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 14:56 (GMT +7)
Bác sĩ chia sẻ thông tin hữu ích chống virus Corona trên Facebook
Chủ nhật, 02/02/2020 | 13:35:53 [GMT +7] A A
Trên Facebook các bác sĩ chia sẻ rất nhiều thông tin và nhận định chuyên môn về virus corona, góp phần dập tắt các nguồn tin "fake news" về dịch bệnh.
Trên mạng xã hội những ngày qua xuất hiện và lan truyền chóng mặt nhiều "fake news" về tình hình dịch bệnh do virus corona, khiến cộng đồng mạng hoang mang, lo sợ. Là những người dùng Facebook có uy tín, các bác sĩ cũng đã có nhiều bài đăng về virus corona để giúp cộng đồng mạng hiểu rõ hơn về dịch bệnh và góp phần "dập tắt" các nguồn "fake news".
Chia sẻ trên Facebook, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, dịch SARS, trong 9 tháng từ 11/2002 - 7/2003, đã có 8.096 người nhiễm và 774 người tử vong trên toàn cầu (9.6%). Còn virus corona mới (nCoV), trong gần 2 tháng từ 12/2019 đến 31/1/2020, đã có gần 10.000 người nhiễm và tử vong 213 người (2.2%). Tất cả các ca tử vong đều ở Trung Quốc. Tốc độ lây lan của nCoV nhanh hơn SARS nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: FBNV) |
Theo bác sĩ Hùng, có nhiều giả thiết về việc virus nCoV lây từ người sang người đã làm virus yếu dần hoặc do khí hậu Trung Quốc thuận lợi hơn cho virus phát triển... và giả thiết nào cũng là tia hy vọng tốt cho Việt Nam ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh đó, theo dự báo, đỉnh dịch ở Trung Quốc sẽ vào 1-2 ngày tới sau đó tốc độ lây giảm dần. Hơn nữa, thời tiết ấm dần lên ở Việt Nam là yếu tố thuận lợi. Từ những nhận định trên, cộng đồng mạng nên bình tĩnh nghe các khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Theo dõi tình diễn biến dịch bệnh, bác sĩ Hùng đánh giá: "Người nhiễm virus nCoV tử vong hầu hết là người cao tuổi có nhiều bệnh lý kết hợp. Họ tử vong do bội nhiễm vi khuẩn và nấm. Ở Việt Nam, các ca nhiễm toàn người trẻ tuổi, triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ, triệu chứng khác kèm theo chỉ thoáng qua. Chưa có trường hợp nào nặng và đang hồi phục rất tốt. Qua đây có thể thấy, việc nâng cao thể trạng bằng ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý là rất quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi có bệnh lý nền có sẵn".
Bác sĩ cũng cho rằng, khẩu trang không phải là yếu tố quyết định việc phòng chống lây nhiễm mà chỉ là công cụ hỗ trợ có tác dụng giảm phát tán virus ở người nhiễm bệnh và không có tác dụng ngăn ngừa cho người khỏe mạnh. Người dân nên đeo khẩu trang để bảo vệ cho người xung quanh và không nên để những kẻ đầu cơ ép giá.
Bác sĩ Hùng nhấn mạnh khuyến cáo: "Rửa tay sạch để tránh sự tiếp tục với đồ vật dính các hạt nước/dịch có virus vào miệng/mũi/mắt mới quan trọng. Nước rửa tay xếp sau nước sạch và xà phòng. Nếu ở nhà/nơi làm việc có đủ nước sạch và xà phòng thì bạn hãy ưu tiên nó".
Lấy kinh nghiệm từ ứng phó dịch SARS trước đây bác sĩ Hùng cho rằng, việc mở rộng cửa để thông thoáng nhà cửa sẽ làm nồng độ virus thấp xuống. Virus tồn tại trong không khí thời gian khá ngắn. Dịch SARS trước đây các bác sĩ cũng chỉ làm một việc đơn giản này và giúp giảm hẳn nguy cơ lây nhiễm.
Bác sĩ Hùng cũng khẳng định, mình và các đồng nghiệp đã sẵn sàng chiến đấu với mặt trận tin giả và sẵn sàng trả lời câu hỏi, các thắc mắc của cộng đồng mạng.
"Bạn nào thấy thông tin trên mạng xã hội cần kiểm chứng, hãy chụp màn hình lại và gửi cho các bác sĩ, hoặc là tôi, bác sĩ "Hung Ngo" để có câu trả lời chính xác nhất", bác sĩ Hùng viết trên Facebook./.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()