Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:07 (GMT +7)
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản: Những kết quả đáng khích lệ
Chủ nhật, 04/06/2023 | 12:08:19 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, giai đoạn 2018-2022, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong 5 năm vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học và đã được xếp hạng 25 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử đền Cửa Ông - Cặp Tiên, Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô), 7 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, Quảng Ninh đã tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình và được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 Bảo vật Quốc gia (các giai đoạn trước không có).
Cùng với đó, tổ chức kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh có 637 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, gồm 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (đứng thứ hai toàn quốc, chỉ sau Hà Nội), 57 di tích cấp quốc gia, 89 di tích cấp tỉnh, 483 di tích kiểm kê, phân loại.
Mục tiêu giai đoạn 2022-2025 của tỉnh là tổ chức lập 15 hồ sơ khoa học xếp hạng di tích các cấp và 15 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Hiện Quảng Ninh đang triển khai hoàn thiện hồ sơ khoa học các di tích lịch sử Thương cảng cổ Vân Đồn (huyện Vân Đồn), đình Trà Cổ (TP Móng Cái), Thiên Long Uyển (TX Đông Triều) đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tích cực phối hợp với tỉnh Hải Dương và Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào cuối năm nay.
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc địa phương, trong 5 năm qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh và các địa phương, công tác xã hội hóa được triển khai hiệu quả đã giúp cho 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh trên 1.683 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 210 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 1.400 tỷ đồng.
Triển khai 3 quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các khu di tích lớn trên địa bàn, những năm qua, nhiều dự án lớn đã được triển khai. Trong đó, tại khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều là các công trình: Chùa Trung Tiết, Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngọa Vân, Thái Miếu và một số lăng mộ các vua Trần, tuyến cáp treo Ngọa Vân - Hồ Thiên…
Đối với Yên Tử tiếp tục triển khai dự án đầu tư khu trung tâm lễ hội và dịch vụ dưới chân núi, hoàn thành dự án nâng công suất cáp treo giai đoạn 2; cải tạo, chỉnh trang khu vực tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và khu vực An Kỳ Sinh... Đối với Khu di tích lịch sử Bạch Đằng đã triển khai thi công các hạng mục giai đoạn 1, như: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu trung tâm di tích, các công trình kiến trúc, khu tái định cư...
Việc bảo tồn một số loại hình DSVHPVT được quan tâm, giúp cho nhiều di sản thoát khỏi nguy cơ mai một, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Quảng Ninh hiện có 362 DSVHPVT thuộc 7 loại hình, trong đó có 7 di sản nằm trong Danh mục DSVHPVT quốc gia. Di sản Then của người Tày ở Quảng Ninh là một trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Công tác tôn vinh công lao của các nghệ nhân, những “di sản sống” được quan tâm, khích lệ. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 36 Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực DSVHPVT, trong đó giai đoạn triển khai nghị quyết tăng gấp đôi số nghệ nhân so với trước.
Nhiều bản làng đông đồng bào dân tộc thiểu số được lựa chọn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước trở thành những “bảo tàng sống” trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phục vụ cho đời sống tinh thần cộng đồng dân cư và phát triển du lịch trên địa bàn. Các địa phương như Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn đã xây dựng nhiều đề án để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các bản làng trên địa bàn, từng bước đi vào hiện thực.
Quảng Ninh có 118 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống. Các lễ hội văn hoá, lịch sử truyền thống được các địa phương phục dựng mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc và huy động nguồn lực tổ chức hiệu quả, một số lễ hội mới trở thành sản phẩm văn hóa thường niên, góp phần tích cực vào việc giữ gìn gắn với khai thác giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Phan Hằng
- Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch
- Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở
- Kinh tế, văn hoá Quảng Ninh trong thế kỷ XVIII
- Bình Liêu: Giáo dục nét đẹp văn hóa truyền thống trong trường học
- Lan tỏa giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo trong đời sống xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()