Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:25 (GMT +7)
"Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số cần song hành với phát triển kinh tế bền vững"
Chủ nhật, 16/01/2022 | 07:43:23 [GMT +7] A A
Với vai trò tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện, triển khai hiệu quả nhiều chính sách nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng đang được Ban tích cực triển khai. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Kiên Cường (ảnh), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, về nội dung này.
- Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nhấn mạnh quan điểm “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc”. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về nội dung này? Nghị quyết số 06-NQ/TU được đánh giá là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh trong tương lai. |
Với mục tiêu nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, mà cụ thể là đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tiến tới thực hiện thành công khâu đột phá “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền” được quyết định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Được biết, Ban Dân tộc tỉnh đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng một số làng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng chí cho biết mục tiêu, ý nghĩa của nhiệm vụ này?
+ Đây là nội dung chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh từ nhiệm kỳ trước về việc xây dựng một số làng dân tộc thiểu số Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay… để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Quá trình nghiên cứu, xây dựng, đề án này đã được tích hợp với Đề án tổng thể về “Phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và đã được phê duyệt, chỉ đạo bởi Nghị quyết số 06-NQ/TU.
UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 4594/CTr-UBND ngày 19/7/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU. Trong đó, đã hoạch định xây dựng 4 làng dân tộc là: Làng người Dao Thanh Y ở Hải Sơn (Móng Cái), Làng người Sán Dìu ở Bình Dân (Vân Đồn), Làng người Tày ở Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở xã Húc Động (Bình Liêu). Đây là các làng đặc trưng của 4 dân tộc thiểu số có số lượng nhân khẩu đông nhất trên địa bàn tỉnh với những nét văn hóa đặc sắc, rất thuận lợi cho việc gắn kết giữa bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển du lịch.
Nhiệm vụ đặt ra về xây dựng 4 làng trên là nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào sinh sống từ lâu đời, thành cộng đồng làng bản; phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc đó thông qua nhiều hình thức, trong đó có hoạt động du lịch cộng đồng để đạt mục tiêu kép là bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, lan tỏa, lưu truyền văn hóa dân tộc và xây dựng mô hình làm kinh tế du lịch.
- Đến nay, việc thực hiện xây dựng các làng dân tộc thiểu số đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
+ Vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 “Về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 50/2021/NQ-HĐND, ngày 13/11/2021 “Về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ chế, bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án tổng thể gắn với việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trên toàn vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, tỉnh dành một phần nguồn lực cho việc xây dựng 4 làng dân tộc nói trên.
Ban Dân tộc tỉnh đang tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn lực cụ thể; ban hành kế hoạch triển khai cụ thể và hướng dẫn các huyện Bình Liêu, Vân Đồn và TP Móng Cái có mô hình làng dân tộc thiểu số, việc xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ cần thiết trong năm 2022. Với nguồn lực từ ngân sách còn hạn hẹp, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ huy động nguồn lực ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và của chính người dân để cộng hưởng trách nhiệm và đạt hiệu quả cao trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
- Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình, đề án gì nhằm góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
+ Ngoài việc thực hiện tốt những nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phân công theo Chương trình hành động số 4594/CTr-UBND và các kế hoạch liên quan, Ban Dân tộc đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu - Tiên Yên giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025” theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu xây dựng Đề án “Phát triển Trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh”...
Bên cạnh đó, năm 2020, Ban Dân tộc đã nghiệm thu đề tài cấp cơ sở về “Vận dụng luật tục người Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào quản lý và xây dựng cộng đồng tự quản thôn, bản vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập”. Năm 2021, đã tổ chức ứng dụng chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu khoa học từ Đề tài là 800 cuốn sách viết về văn hóa, luật tục của người Dao, Sán Chỉ, 3 bộ phụ lục Quy ước thôn bản được định dạng về nội dung từ kết quả nghiên cứu đề tài để các thôn bản có đông người Dao, Sán Chỉ sinh sống tham khảo, vận dụng, sửa đổi, bổ sung những luật tục còn giá trị vào tự quản và xây dựng cộng đồng phát triển bền vững. Trong năm 2022, Ban sẽ lồng ghép để tiếp tục tuyên truyền, vận động việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học theo đề tài này để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, của 4 dân tộc có dân số đông, sinh sống lâu đời và thành cộng đồng làng bản ở tỉnh Quảng Ninh.
Tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm nhất là không ngừng khơi dậy ý thức tự tôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số song hành với các hoạt động phát triển bền vững kinh tế, xóa nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Dung
- Ba Chẽ bảo tồn văn hóa dân tộc từ phong trào văn nghệ quần chúng
- Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
- Chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc
- Du lịch vùng dân tộc thiểu số – cần thêm những “cú hích”
- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số
- Ưu tiên nguồn lực cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()