Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:55 (GMT +7)
Cảng biển Quảng Ninh: Dự báo khởi sắc trong những tháng cuối năm
Thứ 4, 21/07/2021 | 09:15:11 [GMT +7] A A
Những tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh đối diện với nhiều khó khăn khi liên tiếp xảy ra 2 đợt dịch bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, hoạt động vận tải ngắt quãng... Điều này, đã khiến số lượng tàu biển, hàng hóa thông qua các cảng giảm so với cùng kỳ. Để cảng biển trở thành động lực tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, các giải pháp đồng bộ đang được Quảng Ninh tập trung triển khai.
Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại (Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg) thuộc nhóm I, là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế... Hiện tuyến đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế, quy định thắt chặt trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh được triển khai... Vì thế, 6 tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh chỉ đón được 51.619 lượt tàu biển, sản lượng hàng hóa đạt gần 46 triệu tấn, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, lượng hành khách gần như không đáng kể.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, cho biết: Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số quốc gia đã thực hiện việc cấm di chuyển qua lại giữa các khu vực, tạm dừng các tuyến hàng hải quốc tế để giảm sự lây lan. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm là thời điểm hàng hóa kém sôi động, ngành Than gặp khó khăn, dẫn đến sản lượng hàng hóa bị ảnh hưởng là điều khó tránh. Tuy nhiên, giai đoạn những tháng cuối năm, thời điểm các chuỗi sản xuất được đẩy mạnh, Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp kích cầu, chống dịch hiệu quả, sẽ khiến sản lượng hàng hóa sớm tăng trở lại.
Cụ thể theo ông Thành, các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao sẽ là Hòn Gai và Cẩm Phả, đặc biệt trong đó là mặt hàng container. Lý do là bởi, tại Quảng Ninh các KCN đang hình thành và phát triển rất mạnh, trong đó nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tính chất toàn cầu như Foxconn, TCL, Vĩ Trọng, Huyndai Thành Công,... sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ vào Quảng Ninh dẫn đến nhu cầu vận chuyển, nhập và xuất thiết bị cao vào dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, do triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, Quảng Ninh vẫn là địa bàn an toàn; dự báo thời điểm cuối năm 2021, nền kinh tế thế giới, khu vực có sự phục hồi trở lại khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Vì thế, các cảng của Quảng Ninh sẽ là lựa chọn hàng đầu để các chủ tàu đưa tàu chuyên chở hàng rời, như nông sản, nguyên liệu thô phục vụ cho các ngành nông nghiệp, vật liệu xây dựng đến.
Để cảng biển thực sự là mũi nhọn của nền kinh tế, động lực tăng trưởng, hiện Quảng Ninh đang đẩy mạnh các hoạt động kích cầu thông qua việc đổi mới cơ chế, chính sách cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đó là tăng cường quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa cầu bến, hỗ trợ cho các hoạt động cảng từ vùng neo. Các cảng đã chuẩn hóa quy trình khai thác, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, áp dụng phần mềm, tăng năng suất khai thác và chất lượng dịch vụ; triển khai nhiều giải pháp chống dịch hiệu quả, đón được nhiều tàu trọng tải lớn.
Theo hướng dẫn của Cơ quan Cảng vụ Hàng hải, tại các cảng biển, giải pháp tăng cường thu hút nguồn hàng, tạo tăng trưởng cũng đã được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Công tác phòng dịch luôn được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt đối với tàu nước ngoài đến cảng, đều tuân thủ nghiêm chỉnh quy định, kế hoạch về phòng dịch. Cụ thể, những người trên tàu không được lên bờ trừ những trường hợp được cho phép như kết thúc hợp đồng làm việc, cần điều trị bệnh... Và tất cả đều phải được thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh (cách ly tập trung, xét nghiệm Covid-19...).
Song song với đó, quy định bắt buộc đối với tất cả cán bộ, nhân viên làm việc tại các cảng phải đeo khẩu trang, trang bị nước sát khuẩn, lập các chốt kiểm soát thân nhiệt, khử trùng toàn khu vực và tổng hợp báo cáo theo ngày. Đối với lái xe chuyển tải hàng hóa từ bên ngoài vào khu vực cảng, chỉ có 1 lái xe được phép vào, lái xe không được phép xuống xe khi vào cảng...
Cơ quan Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cũng đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam thiết lập khu neo đậu tạm thời tại đảo Hòn Miều và khu vực hòn Soi Đèn đối với các tàu đang chờ làm hàng. Điều này đã tạo thuận tiện cho cán bộ kiểm dịch thực hiện nhiệm vụ, hạn chế việc tàu, thuyền phải chờ đợi kiểm dịch quá lâu tại khu vực trạm hoa tiêu, tránh phải tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên trên tàu biển trong mùa dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Như vậy dù giai đoạn những tháng đầu năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua các cảng ở Quảng Ninh giảm, nhưng với kế hoạch tăng trưởng bài bản, công tác phòng, chống dịch được triển khai hiệu quả... Tin tưởng rằng, những tháng cuối năm, sản lượng hàng hóa sẽ tăng cao, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cảng biển, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Đỗ Phương
- UBND tỉnh họp bàn giải pháp thúc đẩy hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn tỉnh
- Quy hoạch cảng biển đi trước một bước
- Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh: Góp phần thúc đẩy hoạt động cảng biển phát triển
- Tăng trưởng cảng biển Quảng Ninh
- Gia tăng đầu tư vào KCN Cảng biển Hải Hà
- Huy động vốn xã hội hóa phát triển cảng biển
- Hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối cảng biển
Liên kết website
Ý kiến ()