4
18
/
1100327
Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”
longform
Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”

 

Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” 

Với tư duy sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Quảng Ninh đã có những bước đột phá, vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những tâm điểm, cực tăng trưởng phát triển của cả nước. Có được điều đó là do Quảng Ninh sớm nhận diện đúng hướng đi, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” theo cách riêng có, cơ cấu nền kinh tế phát triển theo hướng nhanh, bền vững.

Quyết tâm đổi mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm

Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trong nước được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều nguồn tài nguyên phong phú. Ước tính, sản lượng khai thác một năm các loại khoáng sản như than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m3, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn... Cùng với đó, Quảng Ninh cũng sở hữu những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, kỳ vĩ, hiếm có, bậc nhất Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, cùng nhiều hòn đảo, bãi biển đẹp...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh dần nhận ra những mâu thuẫn, thách thức: Giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra...

Ảnh với chú thích

Từ việc nhận diễn rõ những thách thức, mâu thuẫn, Quảng Ninh từng bước chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “xanh” từ năm 2011.

Thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012,  Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; gắn nhiệm vụ thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh, cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tập trung thực hiện.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá: Nhờ nhận diện rõ những thách thức trong quá trình phát triển của mình, cùng với quyết tâm đổi mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã xây dựng được nền tảng xanh bằng những giải pháp hoàn toàn mới, nhiều giải pháp là tiên phong của quốc gia. Trong đó, phải kể đến việc mạnh dạn đề xuất Trung ương được thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài cùng nghiên cứu, xây dựng các quy hoạch chiến lược tầm nhìn dài hạn. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện được việc thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới (McKinsey, BCG, Nikken Sekkei, Nippon Koie) lập 7 bản quy hoạch chiến lược; huy động được nguồn lực lớn, trong thời gian ngắn, để đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hệ thống cao tốc nối cao tốc, cảng biển, sân bay quốc tế; xây dựng các chính sách định hình cho nền kinh tế xanh;... Những thành tựu của Quảng Ninh trong thực hiện 3 đột phá chiến lược về: Phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế và cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực, rất đáng hoan nghênh, là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong cả nước.

Ảnh với chú thích

Tăng tỷ trọng dịch vụ

Ảnh với chú thích

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, nhìn vào sự phát triển của Quảng Ninh trong 1 thập kỷ qua, có thể thấy quan điểm phát triển kinh tế xanh, bền vững của tỉnh không dừng lại ở 1 nhiệm kỳ mà là xuyên suốt, nhưng luôn có cách làm mới, phù hợp với thực tiễn địa phương, đón bắt được xu thế phát triển. Đơn cử, tỉnh đã có chiến lược rất rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh về: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp xanh; du lịch, dịch vụ theo hướng quy mô, đẳng cấp; làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hỗ trợ nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên,… Cùng với đó, tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng, là Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 02-NQ/TU (ngày 5/2/2016) về phát triển dịch vụ. Qua đó, đã tạo những bước tiến lớn trong phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Tháng 5/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ở cương vị là Thủ tướng Chính phủ, đã lựa chọn đến Quảng Ninh để khởi động lại nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới khi dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát. Đồng chí đã nhấn mạnh, dù là địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng Quảng Ninh đã giữ được đà phát triển. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của tỉnh gần đây cũng cho thấy có sự đóng góp lớn không chỉ của "vàng đen" là các ngành công nghiệp khai khoáng mà đặc biệt là "vàng xanh"chính là phát triển dịch vụ, du lịch. Từ một địa phương chỉ được biết đến với thế mạnh về than, khoáng sản, đến nay, Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn về du lịch với nhiều sản phẩm đặc sắc, đẳng cấp. Tỉnh cũng là “sếu đầu đàn” của cả nước trong thu hút đầu tư, trên nhiều lĩnh vực, với những dự án quy mô lớn.

Ảnh với chú thích

Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV từ việc nhận diện rõ những thách thức và thời cơ, Quảng Ninh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại. Hiện thực hoá mục tiêu đó, Quảng Ninh đã chú trọng phát triển mạnh hạ tầng, trong đó rõ nét nhất chính là việc đầu tư đưa vào hoạt động các công trình giao thông chiến lược, như: Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Tuần Châu...

Từ phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã tập trung mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang đậm “chất” riêng, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long; Công viên Đại Dương, Quần thể nghỉ dưỡng và sân Golf FLC; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên tử, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Công viên hoa Hạ Long... Cùng với đó là việc tăng cường mở rộng, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu, có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ như: Sun Group, VinGroup, FLC... với nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế đã giúp nâng tầm du lịch Quảng Ninh.

Đặc biệt, thời gian gần đây việc xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn cả 4 mùa trong năm với việc phát triển các sản phẩm du lịch mới như: Festival Áo dài, Yên Tử về miền đất Phật mùa thu - Tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Carnaval mùa đông... cũng đang là những định hướng phát triển du lịch hợp lý và mang lại được nhiều hiệu quả.

Không gian du lịch của Quảng Ninh cũng được mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, đảm bảo tính bền vững, gắn với các sản phẩm đặc thù và nổi trội, bao gồm: Vùng du lịch trung tâm tại TP Hạ Long và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên; vùng du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, Cô Tô và vùng du lịch biên giới tại khu vực Móng Cái và vùng lân cận. Đồng thời, phát triển không gian du lịch mới ở các địa bàn tiềm năng như: Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu... Qua đó, từng bước khai thác được thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” tiếp tục được Quảng Ninh khẳng định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Trọng tâm là: Lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Cùng với đó, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trên cơ sở đó, đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.

Thuỳ Linh

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu