Nguồn lực đầu tư thấp, dàn trải, không đủ mạnh, hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo còn thiếu tính bền vững và tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận người dân… chính là những điểm nghẽn khiến cho hầu hết xã, thôn, bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của Quảng Ninh qua nhiều năm vẫn loay hoay thoát nghèo rồi lại tái nghèo.
Nhận diện rõ thực tế, với quyết tâm đến năm 2020, toàn tỉnh không còn thôn, xã ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, bố trí nguồn lực đủ lớn để tạo sức bật cho các xã diện 135 là một trong những quyết định mạnh dạn, sáng tạo của tỉnh, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Dù đã là gần cuối ngày nhưng bà Chíu Mằn Dính, khu Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, vẫn miệt mài phân loại hoa hồi khô thành từng bao để sáng sớm hôm sau thương lái tới thu mua. Bà Dính hồ hởi nói: “Từ ngày Nhà nước làm cho con đường mới, hồi, quế thu hoạch về được nhà buôn lên đến tận nơi thu mua, nông sản làm ra cũng dễ bán hơn, được giá hơn, nên bà con rất phấn khởi. Kinh tế đi lên nên năm ngoái gia đình tôi cũng vừa xây dựng lại căn nhà mới rộng rãi, to đẹp hơn…
Bà Chíu Mằn Dính, khu Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. |
Niềm vui của bà Dính cũng là niềm vui chung của gần 50 hộ dân đồng bào dân tộc Dao khu Khe Bốc, thị trấn Bình Liêu (trước đây là thôn Khe Bốc, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu) từ khi con đường hơn 4,2km từ trung tâm xã vào thôn đã được cứng hóa, bằng phẳng, sạch đẹp. Chị Dường Tài Múi, Phó khu Khe Bốc chia sẻ: Nhiều năm trước, giao thông, đi lại luôn khiến bà con lo lắng. Hồi, quế được mùa phải vác từng bao, cuốc bộ đi bán; con lợn, con gà nuôi lớn cũng không có thương lái nào chịu mất công vào mua. 3 năm nay, có đường mới, trẻ con đi học cũng thuận lợi hơn, người lớn trồng trọt, chăn nuôi cũng không còn vất vả như trước kia nữa. Đời sống của người dân đang khá lên từng ngày. Có gia đình đã mua được ô tô để kinh doanh vận tải.
Không chỉ riêng ở khu Khe Bốc, mà ở những thôn, bản khác thuộc diện 135 trên địa bàn tỉnh cũng được thụ hưởng những lợi ích thiết thực, sát sườn từ sự quan tâm kịp thời, đúng chỗ của cấp ủy Đảng, chính quyền. Nhất là khi Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành chương trình 135 được ban hành và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Anh Đoàn Văn Vi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương - một trong những thôn ĐBKK của xã khó khăn Kỳ Thượng, TP Hạ Long, cho biết: “Nếu không có nguồn lực đầu tư lớn của tỉnh, không biết đến khi nào người dân Khe Phương mới có được con đường như bây giờ. Trước đây, việc đi lại, giao thương của người dân trong thôn rất khó khăn. Nông sản làm ra không thể tiêu thụ; hầu hết là tự cung tự cấp. Lúc ốm đau bà con phải lấy võng khiêng người bệnh đi cả nửa ngày mới đến trạm y tế xã. Con đường mới này chính là động lực để người dân Khe Phương tập trung sản xuất, vươn lên xóa nghèo”.
Mô hình trồng chè hoa vàng ở Ba Chẽ mang lại kinh tế ổn định cho người dân địa phương. |
Ông Chíu Chăn Thống, một trong hơn 100 hộ dân thôn Lồng Coọc, bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn (Hải Hà) được thụ hưởng lợi ích từ công trình điện, nước sinh hoạt theo nguồn vốn đầu tư Chương trình 135, chia sẻ: “Có điện, có nước người dân chúng tôi rất vui mừng, không phải lo lắng nữa mà chỉ tập trung nuôi lợn, chăn gà và lên rừng chăm keo để kiếm tiền thôi”.
Đó là những câu chuyện, những con người cụ thể minh chứng rõ nét cho hiệu quả thực tiễn của các quyết sách khi đi vào cuộc sống. Nhìn lại khoảng thời gian trước đó, công tác chăm lo cho đồng bào vùng DTTS, miền núi, vùng ĐBKK vẫn luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, thông qua các cơ chế, chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh. Dù vậy trên thực tế, việc bố trí vốn đầu tư để đưa các xã, thôn thoát khỏi diện ĐBKK vẫn còn khá khiêm tốn, dàn trải khiến các địa phương vùng khó không có được sức bật mạnh mẽ. Nhiều nơi chưa có đường ô tô vào được đến thôn, bản, bị chia cắt khi trời mưa, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hệ thống thủy lợi còn hạn chế, cơ sở vật chất một số điểm trường, nhất là trường mầm non nhiều nơi chưa được kiên cố, hệ thống lưới điện nông thôn còn chưa đảm bảo, một số hộ dân ở phân tán, xa trung tâm thôn chưa có điện lưới… Cùng với đó, nhiều người dân cũng còn tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn, chủ động vươn lên trong phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Nhận diện rõ thực tế, để cụ thể hóa mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020 cũng như rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa đô thị và miền núi, biên giới, hải đảo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xã, thôn vùng 135, ngày 7/12/2016, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã quyết định thông qua Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.
Tại Kỳ họp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh: “Trong khi ngân sách Trung ương còn hạn hẹp, tỉnh sẽ chủ động dồn lực để thực hiện mục tiêu này, tuy nhiên, đây là một việc khó, cần có quyết tâm chính trị từ tỉnh đến các thôn, bản. Do đó, các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặt quyết tâm cao nhất”. Nghị quyết được 100% đại biểu HĐND tỉnh tán thành, thông qua.
HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND về bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK. |
Theo đó, tỉnh bố trí 1.342,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và các nguồn lồng ghép để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, các công trình thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Từ Nghị quyết này, ngày 16/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Đề án 196). Đây là một Đề án đặc biệt, là cách làm riêng có của tỉnh Quảng Ninh để thực hiện mục tiêu xóa thôn, bản ĐBKK.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Với mức hỗ trợ gấp 7 lần so với bình quân chung theo cơ chế Chương trình 135 của Trung ương, nguồn lực từ Đề án 196 là “đòn bẩy” lớn cho chính quyền và người dân các xã 135 thoát khỏi diện ĐBKK. Trên tinh thần chung của Nghị quyết 50 và Đề án 196, các địa phương cũng đã chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt nguồn lực cũng như huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị để triển khai thực hiện. Vai trò giám sát của các cơ quan dân cử cũng được phát huy mạnh mẽ thông qua các chương trình giám sát chặt chẽ, thường xuyên. Qua đó, đảm bảo nguồn lực được triển khai đúng, đủ, kịp thời, hiệu quả.
Phòng học khang trang của Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Quảng Sơn, huyện Hải Hà. |
Bà Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hải Hà, cho biết: Thực hiện mục tiêu đưa 2 xã, 7 thôn của Hải Hà ra khỏi diện ĐBKK, HĐND huyện cũng đã ban hành một nghị quyết riêng thông qua Đề án 371 đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp riêng của huyện để cùng với các nguồn lực của tỉnh hỗ trợ các xã, thôn trong diện ĐBKK đầu tư hạ tầng, thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo. Cùng với đó, HĐND huyện cũng đã chỉ đạo đến các ban, tổ và đại biểu HĐND giám sát ngay từ khâu triển khai đầu tiên. Qua đó, kịp thời nắm bắt những tâm tư, bất cập và kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Sau 3 năm triển khai Đề án 196 của UBND tỉnh và Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, công tác giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực; diện mạo nông thôn ở khu vực ĐBKK ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Cuối năm 2019, toàn bộ các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh đã ra khỏi diện 135, về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra. Một số xã, thôn vừa thoát khỏi diện ĐBKK vừa hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Gần 700 công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Đề án 196 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.
Diện mạo khởi sắc, tươi sáng của huyện vùng cao Bình Liêu. |
Hơn 2 năm kể từ khi dãy phòng học mới của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Quảng Sơn (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) được đưa vào sử dụng, thầy Đàm Văn Long, Phó Hiệu trưởng Nhà trường vẫn không giấu nổi vui mừng khi nói về ý nghĩa lớn lao của công trình: Trước đây, trường có 6 phòng học cho 8 lớp học ở các cấp nên phải chia làm 2 ca giảng dạy. Các phòng học chức năng cũng chưa có nên chất lượng dạy và học của nhà trường còn nhiều hạn chế. Từ khi nhà trường được đầu tư nâng cấp các phòng học mới, phòng chức năng theo Chương trình 135, Đề án 196 thì các em học tập hứng thú hơn, tiếp thu nhanh hơn. Do vậy, 2 năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Nhà trường đã được cải thiện rõ rệt. Năm 2020, Nhà trường đã được công nhận là Trường chuẩn quốc gia.
Không chỉ quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, Nghị quyết 50/2016/HĐND của HĐND tỉnh cũng ưu tiên hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Theo đó, trong 3 năm, đã có 250 dự án phát triển sản xuất với kinh phí trên 119 tỷ đồng được triển khai, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Chị Chíu Thị Hai, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) nói: “Đầu năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng để phát triển kinh tế; từ nguồn đó, cộng thêm vay mượn từ người thân, bạn bè, hai vợ chồng bàn bạc, mở rộng quy mô trồng cây giống trà hoa vàng. Đến nay, các cây giống đang phát triển tốt, bước đầu đã mang lại thu nhập khá cho gia đình”.
Ông Nình Ngọc Chắn, Bí thư Chi bộ thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, cho biết: “Những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng cách của tỉnh trong những năm gần đây, đặc biệt là từ Chương trình 135, Đề án 196, xây dựng nông thôn mới đã và đang thúc đẩy người dân vươn lên cùng thi đua phát triển sản xuất, không còn trông chờ, ỷ lại như trước kia nữa. Niềm tin của người dân với những quyết sách của Đảng, chính quyền cũng từng ngày được nhân lên”.
Học sinh điểm trường Phai Lầu, Trường Mầm non Đồng Văn (huyện Bình Liêu) vui chơi trong khuôn viên trường. |
Quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, vùng khó khăn vẫn đang là nhiệm vụ của tỉnh trong giai đoạn mới. Trên tinh thần đó, tỉnh cũng đang nghiên cứu, xây dựng những nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với thực tiễn khu vực này. Tiêu biểu như là Đề án Hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên.
Tâm thế mới, diện mạo mới của các xã vùng cao, biên giới, đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Ninh đã và đang tạo niềm tin, động lực cho toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh về những chương trình, quyết sách dài hơi hơn nhằm vươn tới những mục tiêu xa hơn, cao hơn. Từ đó, từng bước xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại trong tương lai không xa.
Thực hiện: Nguyên Ngọc
Trình bày: Vũ Đức
>> Tạo dựng niềm tin, sẻ chia lợi ích
>> Quy hoạch chiến lược - Cam kết về môi trường đầu tư ổn định
Ý kiến ()