Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:47 (GMT +7)
Đảm bảo nguồn cây giống cho phát triển lâm nghiệp
Thứ 6, 25/03/2022 | 15:26:48 [GMT +7] A A
Bám sát mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác trồng rừng, thay thế giống cây rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn lâu năm. Để đạt mục tiêu này, giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là các giống cây trồng rừng lâu năm là yếu tố quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu.
Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, để triển khai đề án, ngày 10/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND "Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025". Qua đó, Quảng Ninh đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ rà soát, xác định quỹ đất rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn... để chuẩn bị giống trồng rừng phù hợp theo đúng mục tiêu đề ra.
Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng; ưu tiên trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chuyển hóa trên 10.000ha rừng keo gỗ nhỏ trên địa bàn các địa phương: Ba Chẽ, Cẩm Phả, Hải Hà, Hạ Long, Tiên Yên. Trên cơ sở này, ước tính trong 5 năm, toàn tỉnh sẽ trồng trên 12,4 triệu cây, tương đương diện tích 7.092ha. Cụ thể, gồm gần 4,3 triệu cây phân tán và trên 8,1 triệu cây trồng rừng tập trung. Do đó, để triển khai đảm bảo nguồn giống trồng rừng, tỉnh đã tập trung khai thác nguồn giống từ nhiều nguồn chất lượng cao để cung cấp cho người dân.
Hiện nay, Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm, nông nghiệp (Sở NN&PTNT) là đơn vị duy nhất trong tỉnh nghiên cứu và sản xuất giống cây lâm nghiệp. Từ nhiều năm nay, Công ty đã áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô phục vụ cho việc phát triển các dòng bạch đàn và keo mô, cung cấp hàng triệu cây giống chất lượng cho người dân các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Thái Duy, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Nắm bắt yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp bền vững với hướng trồng rừng gỗ lớn, Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu các giống cây bản địa như lim, giổi, lát... để sản xuất, cung ứng giống cây phục vụ cho yêu cầu trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn, riêng năm 2021, trung tâm sẽ sản xuất, tiêu thụ trên 3,2 triệu cây mầm.
Nhằm chủ động cung ứng giống cho người dân trên địa bàn, thời gian qua, một số địa phương có diện tích rừng lớn cũng chủ động nguồn giống lâm nghiệp để đảm bảo cho kế hoạch trồng rừng của địa phương. Điển hình, như huyện Ba Chẽ đã triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân chủ động sản xuất giống cây lâm nghiệp, nhất là những loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Theo ông Vi Thành Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, để chủ động nguồn giống cây trồng, chất lượng cao, huyện đã phối hợp cùng 15 đơn vị doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung và trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn toàn huyện.
Mặt khác, để chuẩn bị nguồn giống tại chỗ, trên địa bàn huyện có 2 đơn vị là Công ty CP Phát triển rừng bền vững (xã Thanh Sơn) và HTX Lâm nghiệp Ba Chẽ thực hiện việc cung ứng tại chỗ cây giống cho người dân. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị này đã ươm thành công 650.000 cây lim xanh, giổi xanh bản địa bằng cả phương pháp gieo hạt truyền thống và ghép, nhằm phục vụ trồng 650ha rừng.
Tuy nhiên, không nhiều địa phương trong tỉnh làm chủ được nguồn cung ứng cây giống như Ba Chẽ. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, mỗi năm toàn tỉnh cần khoảng 4 triệu cây giống trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; 20 triệu cây giống trồng rừng sản xuất; 3.000 cây phân tán tạo cảnh quan đô thị. Trong khi, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 cơ sở sản xuất, nuôi cấy mô và 15 đơn vị có vườn ươm. Cơ cấu giống cây chủ yếu là keo, bạch đàn, các nguồn giống cây bản địa, cây lâu năm, cây giá trị kinh tế cao rất hạn chế.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây giống trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh trong việc tăng cường công tác bảo tồn các nguồn gen cây trồng trên địa bàn, phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã đề xuất với tỉnh xây dựng chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng đến các giống cây bản địa mang tính đặc sản, có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh tốt, tiến tới xuất khẩu một số giống cây trồng rừng là thế mạnh của địa phương như: Giổi, sở, trà hoa vàng, sa mộc...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()