Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 07:02 (GMT +7)
Phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thứ 4, 01/02/2023 | 12:29:31 [GMT +7] A A
Ngành Y tế đã và đang có những bước phát triển nhanh chóng nhờ vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào công tác khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Theo phân công của Sở Y tế và Sở KH&CN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh là: “Ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học có sự trợ giúp của phần mềm RAPID trong điều trị đột quỵ nhồi máu não”. Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là bệnh viện thứ 3 ở miền Bắc tiên phong triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong cấp cứu, điều trị đột quỵ nhồi máu não.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford của Mỹ và được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho sử dụng tại Mỹ. Đến nay đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới sử dụng vào việc chỉ định can thiệp tái thông mạch máu cho bệnh nhân đột quỵ.
Bà Đàm Thị Ninh (76 tuổi, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng liệt nửa người bên phải, không nói được, lơ mơ. Tính từ thời điểm khởi phát dấu hiệu đột quỵ đến khi tới bệnh viện, bà Ninh đã trải qua giờ thứ 7. Nếu như trước đây với những ca đột quỵ đã lỡ mất giờ vàng như bà Ninh, các bác sĩ thường không can thiệp lấy huyết khối trong não nữa, mà chỉ điều trị nội khoa hồi phục được phần nào hay phần đấy.
Tuy nhiên, nhờ ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã xác định rõ vùng não tổn thương, vùng não còn có thể cứu sống, để chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học cho bà Ninh. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi chỉ sau 1 ngày, bệnh nhân hết liệt và nói được. Bà Đàm Thị Ninh chia sẻ: Tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ đã kịp thời cấp cứu, điều trị cho tôi. Hiện tôi đã phục hồi hoàn toàn, có thể đi lại, sinh hoạt bình thường, tinh thần minh mẫn.
Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Theo phân công, thời gian thực hiện đề tài “Ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học có sự trợ giúp của phần mềm RAPID trong điều trị đột quỵ nhồi máu não” diễn ra trong 24 tháng. Nhưng chỉ trong 18 tháng, nhóm nghiên cứu cùng đơn vị chủ quản đã tích cực triển khai, hoàn thiện quy trình kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điều đó cho thấy cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại bệnh viện đủ điều kiện thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu. Đồng thời khẳng định đề tài có tính ứng dụng hiệu quả rất cao, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não.
Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh vẫn dành nguồn lực thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng những kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Năm 2022, toàn ngành chủ trì thực hiện 6 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 3 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, tiếp tục đặt hàng thực hiện 5 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2023. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tiếp tục triển khai 37 nhiệm vụ từ năm 2021 và đăng ký thực hiện 445 nhiệm vụ trong năm 2022, được Hội đồng khoa học ngành y tế quyết định phê duyệt danh mục.
Đặc biệt, trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2020-2021), riêng ngành y tế có15/33 đề tài, giải pháp đoạt giải (3 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba, 5 giải khuyến khích); có 8 cá nhân được vinh danh Trí thức KH&CN tiêu biểu.
Nhờ phát triển, ứng dụng KH&CN, toàn ngành đã triển khai được hàng trăm kỹ thuật mới của tuyến trung ương. Điển hình như: Kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO); kỹ thuật xạ hình tưới máu cơ tim (SPECT tim); kỹ thuật sàng lọc 3 bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh bằng máu gót chân; kỹ thuật vi sóng trong điều trị bệnh lý u gan và u tuyến giáp; phẫu thuật ghép xương nhân tạo…
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện, ngành đã xây dựng lộ trình triển khai ghép tạng tại Quảng Ninh. Ghép tạng là một ngành khoa học kỹ thuật cao, phức tạp, là lựa chọn cuối cùng của người bệnh bị suy tạng. Trong năm 2022, Sở Y tế đã giao nhiệm vụ cho 5 đơn vị (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả) thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não. Các đơn vị dự kiến sẽ đưa nội dung chẩn đoán chết não vào hoạt động thường quy đánh giá đối với tất cả người bệnh nặng xin về hoặc xuất viện. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương đào tạo nhân lực và mời các chuyên gia giỏi về chuyên môn ghép tạng để hỗ trợ trong thời gian tới.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()