Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 18:57 (GMT +7)
Dạy trẻ nói cảm ơn, xin lỗi thành thói quen
Thứ 6, 12/07/2024 | 13:49:59 [GMT +7] A A
Việc dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi rất quan trọng trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, để giáo dục trẻ biến điều đó thành thói quen thì không hề đơn giản. Cha mẹ cần kiên nhẫn với con.
Biến hành vi xấu thành thời điểm giáo dục trẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên ép trẻ nói “xin lỗi” khi chúng làm sai điều gì đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trẻ em có thể “nhởn nhơ” nếu có hành vi xấu. Người lớn nên tận dụng cơ hội để dạy trẻ về lý do tại sao hành vi của chúng là sai, về cách cư xử tốt.
Ví dụ, khi bị cha mẹ ép buộc, trẻ có thể nói lời xin lỗi sau khi cắn hoặc đánh bạn cùng lứa. Song, lời xin lỗi đó không thành thật. Trẻ vẫn có thể sẽ lặp lại hành vi xấu tương tự. Vậy, cha mẹ và người chăm sóc nên làm gì trong những tình huống này?
Các chuyên gia cho rằng, việc để trẻ suy nghĩ về những gì chúng đã làm sai, tại sao lại sai và tác động của hành vi đó đối với đứa trẻ khác là cách tốt nhất để tiếp cận tình huống. Sau khi cho trẻ thời gian để suy nghĩ về hành động của mình, cha mẹ hãy hỏi xem con có thể làm gì để giải quyết tình huống đó?
Ví dụ, trẻ có thể đề nghị trả lại đồ chơi mà chúng đã lấy của bạn. Nếu con nói muốn xin lỗi hoặc ôm người bạn kia, cha mẹ hãy cho phép trẻ thực hiện những hành động đó. Sẽ ý nghĩa và chân thành hơn bởi đó là ý tưởng của chính trẻ.
Ngược lại, bắt trẻ nói những từ mà chúng không hiểu ý nghĩa hoặc không biết cách khắc phục vấn đề sẽ chỉ khiến mọi chuyện không được giải quyết.
Dán nhãn hành vi là sai
Cha mẹ nên giải thích rõ ràng cho trẻ rằng, hành vi của con là sai. Khi làm như vậy, phụ huynh đang dạy con bài học rằng, cắn, đánh và trộm đồ chơi là hành vi không phù hợp và không được chấp nhận. Nếu phớt lờ hành vi đó, phụ huynh đang khiến con mình hiểu rằng, hành vi xấu không thực sự quan trọng và sẽ không nhất thiết gây ra bất kỳ hậu quả tiêu cực nào.
Đôi khi trẻ không biết cách làm cho tình huống trở nên tốt hơn. Do đó, với tư cách là cha mẹ, phụ huynh cần cho thấy phản ứng tốt hơn. Điều quan trọng là cha mẹ phải làm gương cho những hành vi tốt và dạy trẻ cách đối phó với những tình huống khó khăn.
Phụ huynh muốn giúp con thấy mình là một người rộng lượng, có thể sẵn sàng tha thứ khi trẻ làm điều gì sai trái hoặc gây tổn thương. Nhiều trẻ nhỏ sẽ không thể tìm được từ thích hợp cho đến khi tình huống này xảy ra nhiều lần và được cha mẹ hướng dẫn cách tiếp cận.
Nói về cảm xúc
Ở lứa tuổi mầm non, trẻ bắt đầu học về sự đồng cảm. Khi một đứa trẻ biết rằng hành động của mình khiến bạn bè cảm thấy buồn hoặc tức giận, điều đó có thể có tác động lớn hơn là trẻ sợ “gặp rắc rối”. Vai trò của người lớn trước tiên là giúp trẻ hiểu rằng, hành động của mình đã khiến một đứa trẻ khác bị tổn thương (về thể chất hoặc tinh thần). Sau đó, bắt đầu quá trình để trẻ nhận trách nhiệm và cảm thấy có trách nhiệm về hành động của chính mình.
Điều quan trọng là cha mẹ và người xung quanh đều nhất quán về lý do trẻ cần nói “xin lỗi”. Kỷ luật nhất quán giúp trẻ hiểu rõ hơn rằng, luôn có các quy tắc. Khi trẻ vi phạm quy tắc, sẽ có những hậu quả được đưa ra. Nếu sống cùng ông bà hoặc những người lớn khác, phụ huynh hãy cùng mọi người quyết định phương pháp kỷ luật trong trường hợp trẻ vi phạm.
Nếu trẻ đang ở tuổi đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo, hãy hỏi xem cách tiếp cận của giáo viên là gì khi trẻ cư xử theo cách không thể chấp nhận được. Cha mẹ và giáo viên trẻ nên truyền đạt cùng một thông điệp tới trẻ về hành vi của bé.
Không quên thể hiện tình yêu
Đừng bao giờ để trẻ cảm thấy không được yêu thương khi làm điều gì đó sai trái. Khi trẻ thực hiện một hành vi không phù hợp, phụ huynh hãy nói những điều như: Mẹ không thích việc con lấy ô tô đồ chơi khi anh trai con đang chơi. Chúng ta không lấy đồ chơi của người khác mà không xin phép. Anh con buồn. Chúng ta hãy làm gì để giúp anh ấy cảm thấy dễ chịu hơn nhé?”.
Lời xin lỗi gượng ép không thực sự làm thay đổi hành vi (ở trẻ em hay người lớn) mà chỉ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và tức giận. Điều tốt nhất nên làm là giúp con thừa nhận những gì chúng đã làm sai và tìm cách thay đổi.
Thực tế, việc dạy cho trẻ những điều cơ bản về cách cư xử tốt có thể là một công việc khó khăn. Không ít phụ huynh có cảm giác là, dù khuyến khích trẻ bao nhiêu lần đi chăng nữa thì điều đó cũng không thành công.
Các chuyên gia nhấn mạnh, bên cạnh lời xin lỗi, việc dạy trẻ nói “làm ơn” và “cảm ơn” cũng vô cùng quan trọng. Bởi, những lời nói đó cho thấy sự tôn trọng và đánh giá cao mà trẻ dành cho người khác.
Ngoài ra, cần phải có sự nhất quán và làm gương cho những hành vi tốt để biến những lời này trở thành bản năng thứ hai đối với trẻ. Bởi, về lâu dài, điều đó rất có giá trị với cuộc sống của trẻ. Song, không ít phụ huynh đặt câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta áp dụng những từ lịch sự như vậy vào vốn từ vựng hằng ngày của con mình? Các chuyên gia đã chia sẻ một số “mẹo” có thể áp dụng với trẻ nhỏ.
Trước hết, cha mẹ hãy nói “làm ơn” và “cảm ơn” thường xuyên. Một trong những cách tốt nhất để khuyến khích con mình nói “làm ơn” và “cảm ơn” là chính phụ huynh hãy thực hiện điều đó.
Phụ huynh nên sử dụng những từ này trong giao tiếp hằng ngày để trẻ có thể biết cách thức và thời điểm sử dụng lời “cảm ơn”, “xin lỗi” cũng như “làm ơn”. Khi chia sẻ đồ chơi, đi nhà hàng, ném bóng trên sân chơi hoặc tập yoga, phụ huynh đều nên nói để khuyến khích con mình trở nên tử tế và lịch sự. Trẻ sẽ học được những điều tốt nhất từ việc theo dõi và lắng nghe cha mẹ.
Ngoài ra, các chuyên gia gợi ý, phụ huynh có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hằng tuần. Qua đó, dạy con mình một cách khác để thể hiện bản thân khi trẻ đang học cách nói.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ngôn ngữ ký hiệu giúp giảm đáng kể mức độ thất vọng ở trẻ. Bởi, ngôn ngữ ký hiệu vẫn có cách hiệu quả để truyền đạt cảm xúc hoặc điều trẻ cần. Khuyến khích trẻ ra dấu “làm ơn” và “cảm ơn” là hai trong số những ngôn ngữ ký hiệu phổ biến nhất được dạy cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Khi đó, cha mẹ cần khuyến khích trẻ ra hiệu “làm ơn” bất cứ khi nào muốn thứ gì đó và ra hiệu “cảm ơn” khi đạt được điều mình muốn.
Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là phải kiên nhẫn. Rất có thể, trẻ sẽ không làm được điều đó trong lần thử đầu tiên hoặc thậm chí là lần thử thứ năm. Cần phải có sự kiên nhẫn và thực hành, nhưng cuối cùng, trẻ sẽ học được và cảm thấy dễ dàng hơn.
Lưu ý rằng, trẻ thường quên phép lịch sự trong những lúc căng thẳng hoặc phấn khích. Khi một đứa trẻ quên nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi, hay yêu cầu một cách thô lỗ điều gì đó từ người khác, cha mẹ hãy yêu cầu con “thử lại” bằng cách sử dụng những từ ngữ lịch sự. Thông thường, đây là tất cả những gì trẻ cần nhớ. Sau một thời gian áp dụng phương pháp này, trẻ sẽ tự nhớ và có thói quen nói những lời lịch sự mà không cần cha mẹ nhắc lại.
Khi trưởng thành, chúng ta có thói quen sử dụng từ lời cảm ơn, xin lỗi trong vốn từ vựng hằng ngày. Để phát triển những thói quen tương tự, trẻ cần được nghe những lời này ở nhà, tại trường, nhà trẻ và thậm chí cả trên sân chơi. Đôi khi trẻ sẽ kiên trì ứng dụng cách cư xử lịch sự của mình, rồi “quên” khi bước sang một giai đoạn phát triển mới. Một lần nữa, điều quan trọng là cha mẹ phải kiên nhẫn và khuyến khích hành vi mà mình muốn ở trẻ.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()