Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:58 (GMT +7)
Đòn bẩy cho phát triển kinh tế tập thể
Thứ 2, 16/11/2020 | 08:42:18 [GMT +7] A A
Xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, trên cơ sở các quy định của Trung ương, nhất là từ khi Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 được ban hành, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Qua đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Đại biểu tham quan các sản phẩm OCOP do các HTX của tỉnh sản xuất tại Chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP của các HTX, Liên hiệp HTX tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, ngày 29/10/2020, tại TP Hạ Long. Ảnh: Dương Hương |
Hỗ trợ tối đa cho các HTX, tổ hợp tác
Theo đánh giá của Trung ương, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm được sản xuất bởi các HTX, tổ hợp tác của tỉnh. Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp với các địa phương lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp có sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu các sản phẩm tại các hội chợ, Hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh. Riêng năm 2020 có 8 HTX được hỗ trợ với kinh phí 400 triệu đồng. Một số địa phương hỗ trợ kinh phí theo chính sách của tỉnh cho các HTX thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, in bao bì cho một số sản phẩm như: Na dai, Cam, Vải, Gạo nếp cái hoa vàng, trà hoa vàng, ba kích, miến dong, hàu, chả mực, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, và một số sản phẩm khác;… Các sản phẩm, hàng hóa đã được xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng, phát huy được hiệu quả, tạo sự liên kêt chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn và trở thành hàng hóa bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý, giá bán và sản lượng sản xuất các sản phẩm đều tăng từ 20 - 30% so với trước.
Sản xuất cá giống tại HTX Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Bắc Việt (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà). Ảnh: Hoàng Giang |
Cùng với việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, các chính sách về tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng đã được tỉnh chú trọng. Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố triển khai hỗ trợ vốn cho các HTX, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư vào các dự án khả thi và được cơ quan chức năng thẩm định. Từ đầu năm 2020 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân cho 2 HTX với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng qua đó đã hỗ trợ nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho các HTX.
Các đơn vị HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng KHKT trong chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đưa các giống lúa, rau màu có năng suất cao chất lượng tốt vào sản xuất. Cụ thể, giai đoạn 2015-2019, có 10 HTX được hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị, công nghệ mới, tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng; 10 HTX được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, in bao bì cho một số sản phẩm, tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng; 2 HTX được hỗ trợ mua con giống phục vụ dự án phát triển sản xuất, tổng kinh phí 161,5 triệu đồng; 1 HTX được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh phí 10 triệu đồng. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh có 5 HTX được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Đây là sự hỗ trợ vô cùng cần thiết đối với các HTX trong giai đoạn phát triển, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã, đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung.
Tiếp tục tạo cơ chế, chính sách phù hợp
Để tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển nhanh, đúng hướng, kịp thời hỗ trợ HTX bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh và cấp huyện của 13 huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&ĐT, Liên minh HTX phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cụ thể hóa các văn bản, Nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương và của Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế tập thể; đồng thời góp ý xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các HTX, củng cố và kiện toàn bộ máy nhà nước các cấp về kinh tế tập thể; kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của HTX, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
Người dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng của HTX Tiêu thụ nông sản đồng bào dân tộc (phường Cao Xanh, TP Hạ Long). Ảnh: Hoàng Quỳnh |
Với những hỗ trợ thiết thực từ tỉnh, đã đóng góp phần quan trọng để các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cả về chất lượng và số lượng. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, so với năm 2019, hiện trên địa bàn tỉnh có 200 tổ hợp tác (THT) tăng 4,8%; 579 hợp tác xã (HTX), tăng 5,8% so. Cùng với đó, toàn tỉnh phát triển 3 liên hiệp HTX, trong đó có 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1 Liên hiệp phi HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân 1 tổ hợp tác ước đạt 270 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của 1 người lao động trong tổ hợp tác đạt 3,3 triệu đồng/tháng; doanh thu bình quân 1 HTX đạt 600 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong HTX khoảng 5,7 triệu đồng/tháng. Hiện tổng số cán bộ quản lý HTX toàn tỉnh khoảng 5.100 người, trong đó, cán bộ trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 3.900 người, trình độ cao đẳng, đại học 1.200 người.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2021: Khu vực kinh tế tập thể đóng góp GDP của tỉnh từ 1,2-1,4%; số thành viên tham gia tổ hợp tác, HTX tăng từ 3%/năm; lãi bình quân 1 HTX trên 300 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX là 72 triệu đồng/năm, tổ hợp tác là 45 triệu đồng/năm;… |
Mặc dù vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh, trong phát triển kinh tế tập thể tại tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền về các chủ trương phát triển kinh tế tập thể, Luật HTX và các văn bản liên quan; nhiều HTX vẫn không hiểu rõ về giá trị, nguyên tắc, bản chất hoạt động của tổ chức HTX; vấn đề HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại khó khăn do không đủ điều kiện thế chất tài sản; mức vay hỗ trợ chính sách còn hạn hẹp;…
Được biết, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021, với mục tiêu tổng quát là thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Từng bước đưa khu vực kinh tế tập thể của tỉnh phát triển nhanh, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong thời kỳ mới. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX 2012; tuyên truyền, tập huấn Luật HTX 2012 và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi, phát triển HTX theo chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020;…
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()