Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 12:37 (GMT +7)
Đông Triều: Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích nhà Trần
Thứ 4, 30/10/2013 | 04:37:21 [GMT +7] A A
Với những giá trị lịch sử - văn hoá nổi bật, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều vừa qua đã được Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia thông qua hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Sớm nhận thức được giá trị khu di tích, những năm qua, Đông Triều đã nỗ lực tuyên truyền, quảng bá cũng như có sự đóng góp tích cực để bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong đời sống hôm nay.
Giá trị đặc sắc, nổi bật
Nhà Trần là một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Những thành tựu rực rỡ của nhà Trần còn để lại dấu tích ở một số nơi như Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá), Tức Mặc (Nam Định), Tam Đường (Thái Bình), Yên Tử, Bạch Đằng, Đông Triều và Thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). Nhưng không ở đâu, các di tích Trần lại phong phú, đậm đặc và còn nhiều dấu tích dưới lòng đất như ở Đông Triều.
Theo đánh giá của PGS-TS Tống Trung Tín, Viện Trưởng Viện Khảo cổ học thì khu di tích nhà Trần tại đây có 3 giá trị nổi bật. Trước hết, đây là nơi có các dấu tích chùa tháp độc đáo qua suốt các thời kỳ Lý - Trần - Lê với đóng góp to lớn vào việc hình thành và phát triển tông phái Trúc Lâm, tông phái Phật giáo thuần Việt duy nhất, phát triển thành công nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Từ thời Lý, chùa Quỳnh đã là ngôi chùa hoàng gia to lớn, nổi tiếng với tượng Phật Di lặc - một trong “An Nam tứ đại khí”. Vào thời Trần, chùa đã trở thành một trung tâm truyền bá lớn của Thiền phái Trúc Lâm. Vào thời Lê Trung hưng, chùa được đại trùng tu, đến nay dấu tích ngôi chùa đó đã được tìm thấy với những chân tảng đá hoa sen lớn nhất trong lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Đáng chú ý là, Đông Triều có hai cụm di tích liên quan trực tiếp đến sự phát triển của tông phái Trúc Lâm là chùa Ngoạ Vân và chùa Hồ Thiên. Đặc biệt, chùa Ngoạ Vân có am Ngoạ Vân chính là nơi Trần Nhân Tông hoá Phật, cũng là vị vua Phật, Tổ Phật đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Ngọc cốt thu được sau khi hoả thiêu ngài lên tới hơn 3.000 viên, được phân phát về 8 tháp ở 7 địa điểm, trong đó riêng Đông Triều có 2 tháp là Phật Hoàng tháp (chùa Ngoạ Vân) và tháp đá chùa Quỳnh. Cùng với đó, Hồ Thiên (cõi Tiên an lạc) như một sự tiếp nối và biểu trưng cho kết quả khổ luyện, tu hành, cho cõi Niết bàn đối với những người đi theo con đường của Trúc Lâm Tam tổ. Yên Tử - Ngoạ Vân - Hồ Thiên như vậy có thể xem như “cõi Phật trời Nam” hết sức độc đáo ở nước ta.
Bên cạnh đó, Đông Triều cũng là nơi có hệ thống đền miếu thờ tổ tiên và là nơi lưu giữ được nhiều dấu tích nhất về Tiên miếu nhà Trần. Việc nghiên cứu đền Thái đã chỉ ra rằng, đây là Tiên miếu thời Trần vào loại sớm nhất, là khu lăng miếu có mặt bằng hình chữ Vương khá nguyên vẹn và duy nhất trong lịch sử các dấu tích Tiên miếu thời Lý, Trần, Lê. Đặc biệt, Đông Triều hiện lưu giữ được nhiều nhất các di tích lăng mộ của vua và hoàng hậu nhà Trần. Khác với Tam Đường (Thái Bình) là quần thể lăng mộ lớn, hoành tráng, trang trí lộng lẫy, biểu hiện cho giai đoạn cực thịnh của thời Trần giai đoạn sớm, ở Đông Triều nay đã tìm được 5 lăng. Trong đó, Thái Lăng có mặt bằng tổng thể nguyên vẹn nhất, cấu trúc độc đáo với các dấu tích kiến trúc có mái che, trang trí rồng là chủ đạo, biểu trưng cho vương quyền kết hợp chặt chẽ với thần quyền.
Để các di tích toả sáng
An Sinh là quê gốc của nhà Trần, với nhiều dấu tích độc đáo như vậy nhưng trải qua thời gian, những thăng trầm của lịch sử nay phần lớn đều đã trở thành phế tích nên có giai đoạn các di tích gần như bị lãng quên. Vì vậy, để đánh thức vùng đất cổ này, công tác quảng bá cho di tích đã được đẩy mạnh đến tất cả các thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn những năm gần đây. Cũng vì nhiều điểm di tích đã bị đổ nát hoàn toàn nên Đông Triều đã phối hợp để khai quật khảo cổ các di tích, tạo tiền đề cho việc trùng tu, phục dựng di tích như: Thái lăng, đền Thái, mộ cổ Nghĩa Hưng, lăng Tư Phúc, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng và một số điểm của cụm di tích Ngoạ Vân, Hồ Thiên v.v.
Chủ động trong việc tôn tạo di tích, Đông Triều đã tiến hành phục dựng đền An Sinh, lăng vua Trần Hiến Tông từ nhiều năm trước đây; gần đây nhất đã huy động xã hội hoá phục dựng thành công 2 tháp cổ (Phụng Phật tháp và Viên Mãn Chân giác thiền sư tháp) tại khu vực Thông đàn, được đánh giá cao trong việc tôn tạo di tích cổ. Triển khai quy hoạch tổng thể khu di tích, Đông Triều đã tích cực phối hợp với Tỉnh hội Phật giáo huy động xã hội hoá để đầu tư các điểm di tích lớn, trong đó năm nay dự kiến sẽ khởi công tu bổ chùa Ngoạ Vân và đền Thái. Cùng với đó, Đông Triều đã tích cực huy động xã hội hoá để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vào các điểm di tích. Đặc biệt, con đường từ hồ Trại Lốc vào cụm di tích Ngoạ Vân đã được các doanh nghiệp trên địa bàn san gạt mở rộng, bê tông hoá khang trang tạo thuận lợi cho việc hành hương của du khách sau này…
Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều hiện nằm trong quần thể di sản văn hoá và danh thắng Yên Tử đang được tỉnh đề nghị lập hồ sơ công nhận Di sản văn hoá thế giới. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của huyện, nơi đây đã có thêm những cơ hội để toả sáng, tương xứng với giá trị vùng đất cổ gắn với một triều đại huy hoàng năm xưa.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()