Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 14:22 (GMT +7)
Giữ an toàn, văn minh tại các điểm du lịch tâm linh
Chủ nhật, 17/03/2024 | 00:48:33 [GMT +7] A A
Với hơn 600 di tích, Quảng Ninh là địa phương thu hút lượng lớn người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái, lễ hội đầu xuân. Để các lễ hội diễn ra thành công, công tác đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh lễ hội được đặt lên hàng đầu.
Quần thể Khu Di tích lịch sử nhà Trần tại TX Đông Triều những ngày đầu xuân, lượng người và phương tiện tăng đột biến so với ngày thường. Nhiều nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian đặc sắc được tái hiện. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội được TX Đông Triều hết sức chú trọng.
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Đông Triều, cho biết: Lễ hội truyền thống được thị xã tổ chức hằng năm nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần, cũng như để nhân dân, du khách về tỏ lòng thành kính tri ân các bậc tiền nhân và các vua Trần. Tại tất cả các điểm này, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đều được thị xã chú trọng đảm bảo công tác ANTT, vệ sinh môi trường, ATTP và văn minh lễ hội.
Đông Triều hiện có 48 lễ hội đầu xuân. Suốt thời gian diễn ra lễ hội, Công an thị xã bố trí lực lượng thường trực tại tất cả các điểm, nơi tập trung đông người, bởi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật, nhất là móc túi, cướp giật tài sản; hoặc lợi dụng truyền bá các văn hóa, tôn giáo trái phép. Trong các ngày diễn ra lễ hội đầu xuân, khoảng 50 CBCS công an được huy động để đảm bảo an ninh, an toàn.
Thượng tá Nguyễn Đức Hán, Phó trưởng Công an TX Đông Triều, nhận định: Chúng tôi tập trung phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản, hoạt động cờ bạc, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng lễ hội để hoạt động tôn giáo trái phép. Đồng thời tăng cường các mặt công tác đảm bảo ATGT, PCCC, để làm sao cho các đại biểu, nhân dân và du khách về với lễ hội được an toàn tuyệt đối.
Lần đầu tiên đến chùa Ngọa Vân, bà Hoàng Thị Hiệp (du khách Hải Dương) cho biết: Gia đình tôi có thói quen đi du xuân đầu năm, thường đến một số đền, chùa thuộc các tỉnh phía Bắc. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới đây là không gian rất sạch, đẹp, không có tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách. Mặc dù ngày chúng tôi đến không phải là chính hội, nhưng công tác an ninh rất chặt chẽ, không chỉ có nhân viên bảo vệ của di tích, mà còn có lực lượng công an thường trực từ cổng, khu vực lên xuống cáp treo, khu vực chùa phía trên, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, nhiều lễ hội tiếp tục được tổ chức ở khắp các địa phương trong tỉnh, khơi dậy nhiều nét đẹp sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương. Tại Quảng Ninh, các lễ hội được tổ chức và quản lý theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, bám sát các quy định của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, của tỉnh, đảm bảo ANTT, thuận tiện cho nhân dân, du khách khi tham gia lễ hội, hành hương, chiêm bái, vãn cảnh.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, cho biết: Các lễ hội trên địa bàn tỉnh nói chung được đánh giá rất tốt về công tác bảo đảm ANTT, vệ sinh môi trường, bảo đảm vừa đúng với nguyên gốc của lễ hội, vừa văn minh, phù hợp với cuộc sống văn hóa mới, được nhân dân trong tỉnh khen ngợi, tăng ni, phật tử, du khách thập phương đánh giá rất cao.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()