Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:48 (GMT +7)
Góp sức quảng bá nét đẹp địa phương
Chủ nhật, 20/10/2024 | 08:05:20 [GMT +7] A A
Phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, ngày càng có nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh mạnh dạn, năng động tham gia phát triển các mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ). Qua đó, không chỉ khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của phụ nữ mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa sâu rộng nét đẹp văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh.
Xã Thượng Yên Công nằm ngay dưới chân núi Yên Tử, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên có nhiều ưu đãi với cảnh quan đẹp. Nơi đây cũng có đông đồng bào dân tộc Dao Thanh Y sinh sống, vẫn giữ được nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, như: Hội làng, lễ cấp sắc, tục cưới hỏi, ma chay, may thêu trang phục dân tộc, hát đối đáp giao duyên, trò chơi dân gian.
Nắm bắt những lợi thế phát triển du lịch của địa phương cùng sự nhạy bén, tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Trương Thị Thanh Hương (thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công) là người Dao Thanh Y tiên phong phát triển DLCĐ tại địa phương. Chị đã đầu tư xây dựng Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú 2 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2024. Tại đây, phục vụ các món ăn đặc sản của địa phương và dịch vụ trải nghiệm cho du khách, như: Trải nghiệm làm bánh dân tộc; dịch vụ tắm và ngâm chân thảo dược theo bài thuốc của người Dao; tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt của người Dao Thanh Y…
Chị Hương chia sẻ: Tôi đang dự định xây dựng thêm khu homestay, mở rộng khu trưng bày nghề thêu và may trang phục truyền thống, đưa thêm các tiết mục biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân gian vào phục vụ, kéo dài thêm thời gian tham quan, trải nghiệm của du khách. Với mô hình DLCĐ của mình, tôi hy vọng sẽ góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng nơi đây trở thành không gian bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc, tạo nhiều trải nghiệm hấp dẫn, mới lạ cho du khách khi về với non thiêng Yên Tử.
Là người con của Tiên Yên song có cơ hội được đi nhiều, hiểu biết, đam mê du lịch, năm 2021, chị Lê Thị Bích Hạnh (SN 1985) CEO Trà hoa vàng Tiên Yên đã quyết tâm phát triển mô hình DLCĐ, xây dựng homestay Pạc Sủi (xã Yên Than) với mong muốn giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp quê hương đến bạn bè bốn phương. Đến nay, sau 3 năm hoạt động, homestay Pạc Sủi đã trở thành điểm dừng chân yêu thích của du khách khi đến với Tiên Yên.
Đến với homestay Pạc Sủi, du khách sẽ được hòa mình vào không gian xanh tươi, khoáng đạt của núi rừng, đắm mình dưới làn nước thác Pạc Sủi mát lạnh vào những ngày hè bỏng nắng, cảm nhận những giây phút yên bình, an nhiên, gác lại mọi bộn bề, lo toan của cuộc sống. Đồng thời, được thưởng thức ẩm thực độc đáo từ chính nông sản địa phương như gà Tiên Yên, khau nhục, bánh gật gù, trà hoa vàng…; ngâm chân bằng lá thuốc của người Dao; đốt lửa trại, thuê trang phục truyền thống chụp ảnh check-in, tìm hiểu văn hóa dân tộc với người bản địa…
Phát triển DLCĐ thông qua các mô hình homestay là điều dễ nhận thấy ở Bình Liêu từ nhiều năm nay. Hầu hết các homestay đều được định hướng phát triển theo hướng để du khách được cùng ăn, cùng nghỉ, cùng sinh hoạt và trải nghiệm như một người dân bản địa thực thụ. Bám sát định hướng này, từ năm 2023, homestay Hồng Đông (xã Hoành Mô) do chị Vi Thị Hồng làm chủ đã đi vào hoạt động, được nhiều du khách lựa chọn nghỉ dưỡng khi đến với Bình Liêu. Được xây dựng trên nền ngôi nhà gạch đất truyền thống của người Tày Bình Liêu, bao quanh là vườn cây xanh mát, homestay Hồng Đông được gia chủ giữ nguyên khung nhà và lớp gạch đất đã có hàng chục năm tuổi còn bên trong được cải tạo, thiết kế thành những phòng nghỉ khép kín theo phong cách sinh hoạt hiện đại.
Chị Vi Thị Hồng, chủ homestay Hồng Đông, chia sẻ: Du khách đến Bình Liêu bởi vì yêu nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây. Vì vậy, tôi muốn homestay của mình mời du khách đến thăm phải mang dấu ấn, thật sự như ngôi nhà truyền thống ấm cúng của đồng bào, tạo không gian cho du khách trải nghiệm văn hóa bản địa từ bữa cơm với các món ăn làm từ thực phẩm do chính người dân nuôi trồng cho đến nếp sinh hoạt, các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian... Nhân viên tại homestay hầu hết là hội viên, phụ nữ trong thôn, vì vậy tôi chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh, kiến thức văn hóa địa phương để chị em tự tin trở thành những hướng dẫn viên của bản làng.
Chị Hương, chị Hạnh hay chị Hồng tuy mỗi người một địa phương, một cách làm khác nhau song đã từng bước khai thác hiệu quả những tiềm năng văn hóa của địa phương trong phát triển DLCĐ. Không chỉ thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén, năng động đón đầu xu thế phát triển du lịch hiện nay mà thông qua các mô hình DLCĐ của mình, các chị đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho hội viên, phụ nữ địa phương. Đồng thời, phát huy thế mạnh của chính hội viên, phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa ẩm thực, văn nghệ dân gian, nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần giới thiệu, quảng bá sâu rộng văn hóa bản địa, hấp dẫn du khách.
Duy Khoa
- Phụ nữ Quảng Ninh với khát vọng xây dựng tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh
- Người phụ nữ Dao lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống tới cộng đồng
- Trợ lực cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
- Phụ nữ Quảng Ninh tích cực xây dựng thương hiệu nông sản địa phương
- Móng Cái: Gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống phụ nữ Dao Thanh Y
Liên kết website
Ý kiến ()