Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 14:15 (GMT +7)
Hạ Long: Tổng ra quân 30 ngày đêm hỗ trợ người dân kiểm đếm, thu dọn, vệ sinh rừng
Thứ 2, 28/10/2024 | 16:25:52 [GMT +7] A A
Trước biến động khắc nghiệt của thời tiết và nguy cơ cháy rừng trên diện rộng do ảnh hưởng sau cơn bão số 3 (Yagi), chiều 28/10, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long tổ chức hội nghị nghe báo cáo về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và bàn giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng.
Theo kết quả rà soát, thống kê thiệt hại sau bão số 3, trên địa bàn toàn thành phố có trên 25.000ha rừng thiệt hại khó có khả năng phục hồi (gãy, đổ, bật gốc). Trong đó có trên 4.100 hộ dân bị thiệt hại với gần 15.500ha. Tuy nhiên đến nay mới đo đạc, xác định thiệt hại của gần 1.500 hộ với diện tích trên 2.600ha và mới có 21 hồ sơ được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 260 triệu đồng.
Đáng chú ý là từ ngày 4/10 đến ngày 27/10 trên địa bàn thành phố xảy ra 12 vụ việc cháy thực bì, cây rừng bị gãy đổ do bão số 3, tổng diện tích bị ảnh hưởng lên tới trên 62ha.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đánh giá, làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng, trong đó phần lớn là do thời tiết nắng nóng, hanh khô, kết hợp với lượng vật liệu cháy rất lớn do cây rừng bị gãy, đổ và sự thiếu ý thức của người dân trong quá trình đốt dọn thực bì. Đồng thời nêu những khó khăn trong quá trình triển khai công tác chữa cháy cũng như khó khăn trong công tác tổ chức thống kê, phân loại diện tích, mức độ rừng bị thiệt hại, thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân…
Thống nhất các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định, với một địa phương có diện tích rừng lớn nhất toàn tỉnh nếu thành phố không nhanh chóng có giải pháp khắc phục, việc gia tăng các vụ cháy thực bì sẽ ngày càng tác động xấu đến môi trường, an toàn của nhân dân và các lực lượng tham gia chữa cháy, kéo theo nhiều hệ lụy khác, tác động trực tiếp đến an ninh nguồn nước, hệ sinh thái rừng, đời sống xã hội, phát triển kinh tế của nhân dân trên địa bàn.
Do đó, UBND các xã, phường phải triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và thành phố từ trước, trong và sau bão liên quan đến công tác quản lý rừng, bảo vệ đất rừng; tăng cường công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân là chủ rừng và giám sát việc ký cam kết của các chủ rừng về thực hiện công tác PCCCR; hướng dẫn vận động các chủ rừng không tiến hành đốt thực bì sau khi thu dọn cây bị gãy đổ trong những ngày hanh khô, gió lớn. Đồng thời phát huy kinh nghiệm, thành công từ chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả do bão số 3, toàn thành phố sẽ tổ chức huy động lực lượng chức năng tại chỗ (quân đội, công an, dân quân tự vệ, chủ rừng) để hỗ trợ người dân kiểm đếm, thu dọn cây rừng bị thiệt hại. Thời gian triển khai trong vòng một tháng, trong đó cần ưu tiên ở những khu vực nhạy cảm như rừng cảnh quan dọc tuyến QL18, đường cao tốc, giáp Vịnh Hạ Long, rừng gần các khu vực đông dân cư, nhà xưởng của nhân dân, doanh nghiệp, cây xăng…
UBND thành phố thực hiện tốt phương án phân vùng nguy cơ cháy và phương án PCCCR sau bão số 3 và sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại chỗ để ứng cứu chữa cháy rừng nhanh nhất và hiệu quả nhất; tổ chức trực ban, bám sát địa bàn 24/24 giờ trong tất cả các ngày kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, đặc biệt trong thời điểm mùa hanh khô, các ngày trời nắng nóng, gió mùa; tập trung vận động các chủ rừng tham gia trồng rừng thay thế, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa và các loài cây lâm nghiệp có hoa để tạo điểm nhấn, cảnh quan trên địa bàn quản lý và thực hiện Đề án “Hạ Long - thành phố của hoa”...
Hoàng Nga
- Lữ đoàn 147 tham gia chữa cháy rừng Đại Yên
- Cảnh báo cao cháy rừng
- Chủ động phòng, chống cháy rừng
- Quyết liệt triển khai các giải pháp bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng
- Nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống cháy rừng
- Dập tắt đám cháy rừng tại TP Hạ Long
- Huy động nhiều lực lượng chữa cháy rừng tại TP Hạ Long
- Quán triệt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống cháy rừng và VSMT rừng
Liên kết website
Ý kiến ()