4
18
/
1062583
Họ đã giữ trọn lời thề Y đức
longform
Họ đã giữ trọn lời thề Y đức

 

 

Khoác lên người chiếc áo blouse trắng và được mọi người gọi bằng hai từ tôn kính “thầy thuốc”, họ đã không phụ lòng tin tưởng của người bệnh và nhân dân khi đã dành rất nhiều tâm huyết, nỗ lực để làm tốt nhất công việc của mình. Với họ, giữ trọn lời thề Y đức, dành trọn tâm sức vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là niềm hạnh phúc lớn lao.

Những năm bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng còn công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tôi thường nhận được những cuộc gọi của bác sĩ, chỉ với mấy câu ngắn gọn: “Bệnh viện có bệnh nhân nặng mà hoàn cảnh khó khăn quá, nhờ các em kêu gọi cộng đồng giúp đỡ”. Đó là những bệnh nhân ung thư, bị tai nạn, chạy thận lọc máu… và có điểm chung là nhà nghèo, bệnh trọng.

Không chỉ mang hết chuyên môn y học, nỗ lực cứu chữa cho họ, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng còn luôn đồng cảm, nghĩ đến sự khó khăn của bệnh nhân. Bên cạnh nhờ đến tiếng nói của cơ quan báo chí, huy động sự đóng góp của các đơn vị, nhà hảo tâm, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng và gia đình còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Năm 2013, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh - một đơn vị y tế chuyên ngành Sản - Nhi mới được thành lập.

Đứng mũi chịu sào ở một đơn vị y tế mới xây dựng và đi vào hoạt động, bác sĩ Hùng đã sớm đưa ra mục tiêu phát triển bệnh viện, đó là: Gắn phát triển các kỹ thuật chuyên khoa sâu với đội ngũ cán bộ có trình độ cao, hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại để đưa Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trở thành bệnh viện thông minh, chuyên nghiệp, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu trở thành mô hình kiểu mẫu của tỉnh và toàn miền Bắc.

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, đến nay Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã phát triển mạnh mẽ, với thương hiệu mạnh về y đức, chuyên môn, kỹ thuật cao, chuyên sâu, công nghệ thông tin hiện đại…, tạo được uy tín, niềm tin đối với người bệnh và nhân dân.

Không chỉ là một nhà quản lý, một bác sĩ có tài, có tâm, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng còn đặc biệt quan tâm, có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Bác sĩ đã chủ trì và đồng chủ trì rất nhiều nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh, như: Nghiên cứu phẫu thuật nội soi lồng ngực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị các bệnh lý Ngoại khoa và Sản khoa; Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng và nội soi buồng tử cung trong chẩn đoán và điều trị vô sinh tại tỉnh Quảng Ninh; Ứng dụng kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) điều trị vô sinh tại tỉnh Quảng Ninh; Ứng dụng kỹ thuật di truyền trong chẩn đoán trước sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh…

Bên cạnh nỗ lực xây dựng đơn vị do mình phụ trách, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng còn rất tâm huyết trong công tác hỗ trợ tuyến dưới. Nhận chỉ đạo của Sở Y tế, năm 2016, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ toàn diện Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Những năm qua, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng đã rất nhiều lần vượt sóng đến Cô Tô, khi thì chuyển giao kỹ thuật, khi là khám, chữa bệnh, phát thuốc...

Đặc biệt, có lần nửa đêm, bác sĩ Hùng đã vượt sóng ra đảo Cô Tô, mang theo cả máu dự trữ để mổ cấp cứu cho người bệnh. Chuyến đi, về chỉ trong vài tiếng đồng hồ ban đêm một ngày sóng cả ấy để lại cho bác sĩ Hùng nhiều cảm xúc, để rồi bác sĩ càng quyết tâm phải hỗ trợ Y tế Cô Tô nhiều hơn. Với sự nỗ lực của cả “người cho” và “người nhận” theo cách “cầm tay chỉ việc”, đến nay, Trung tâm Y tế Cô Tô đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, khó, như: Phẫu thuật nội soi; phẫu thuật sản phụ khoa; khám và điều trị nhi khoa và cấp cứu nhi khoa; gây mê hồi sức…

Hơn một năm qua, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng đảm nhận “2 vai”, làm Giám đốc của 2 bệnh viện: Sản Nhi Quảng Ninh và Bệnh viện số 2 - Bệnh viện được thành lập để thu dung, điều trị cho những người mắc Covid-19. Dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến vô cùng phức tạp trong hơn một năm qua cũng là khoảng thời gian rất nhiều lực lượng vất vả đêm ngày để phòng, chống dịch bệnh, trong đó đội ngũ nhân viên y tế là lực lượng tuyến đầu. Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng càng vất vả hơn bởi những nhiệm vụ nặng nề hơn: Đón người dân, du khách, chuyên gia… từ vùng dịch trở về qua Sân bay Vân Đồn; điều trị cho những bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2; theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho những người thuộc diện F1…

Nhiệm vụ, trọng trách nặng nề và chứa đựng nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhưng hơn một năm qua, người dân, bệnh nhân đều thấy rõ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế, mà ở đó bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng là một trong những người “anh cả” vững tay chèo lái.

Giữa diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng nỗ lực làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời còn luôn động viên, giúp đỡ, là chỗ dựa tinh thần không chỉ của đồng nghiệp, mà còn của cả các bệnh nhân. Nhiều ngày không thể về nhà, thậm chí ngày lễ, ngày Tết Nguyên đán cũng không được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, bác sĩ Hùng không coi đó là những thiệt thòi, hy sinh, mà ông càng cảm thấy tự hào, hạnh phúc vì luôn được cống hiến, phục vụ người bệnh, nhân dân.

7 năm trước, có một lần tôi được theo dõi ca mổ khá đặc biệt do bác sĩ Lê Ngọc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy (khi đó là Phó Giám đốc bệnh viện) là trưởng ca, đồng thời là bác sĩ phẫu thuật chính. Bệnh nhân là bà Chíu Nhì Múi (thôn Sam Quang, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), có khối u nặng cả chục kg bên sườn. Đây được xác định là ca mổ khó bởi khối u quá lớn, có nhiều mô, mạch thần kinh, mạch máu phức tạp. Trước ca mổ, bác sĩ Lê Ngọc Dũng đã tổ chức hội chẩn, bàn bạc kỹ, đồng thời chuẩn bị tốt các khâu gây mê, hồi sức, truyền máu... Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã bóc tách thành công khối u nặng tới 17,5kg trên người bà Múi.

Trong hơn 3 giờ phẫu thuật, điều tôi nhận thấy là sự tập trung cao độ cùng kỹ thuật chuyên môn chuẩn xác của bác sĩ Lê Ngọc Dũng. Không chỉ tập trung để hoàn thành tốt một ca mổ khó, bác sĩ Dũng còn chia sẻ, hướng dẫn các đồng nghiệp trẻ những kỹ thuật, những thao tác để tránh làm mất nhiều máu của bệnh nhân, tránh động chạm đến những mạch thần kinh, mạch máu gây nguy hiểm đến người bệnh.

Đó chỉ là một trong hàng nghìn ca phẫu thuật mà bác sĩ Lê Ngọc Dũng thực hiện, trong đó 80% là những ca phẫu thuật kỹ thuật cao, chuyên sâu, phức tạp như phẫu thuật sọ não, cột sống, các khớp, mạch máu, tuyến giáp… Có những ca mổ phức tạp kéo dài nhiều giờ đồng hồ, đòi hỏi bác sĩ vừa phải có chuyên môn cao, vừa phải có tinh thần vững, sức khoẻ tốt để tập trung cứu người bệnh.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 1993 bác sĩ Lê Ngọc Dũng về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cát Bà (TP Hải Phòng); đến năm 1998 chuyển về làm việc tại Bệnh viện Bãi Cháy. Trong thời gian công tác, từ một bác sĩ đa khoa, bác sĩ Lê Ngọc Dũng chọn học Chuyên khoa I về hệ Ngoại, học Chuyện khoa II ngành Phẫu thuật thần kinh.

Đầu những năm 2000, phẫu thuật thần kinh là kỹ thuật khó, là thách thức lớn đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, có rất ít nơi làm được. Sau 2 năm học, năm 2007, bác sĩ Lê Ngọc Dũng triển khai thành công phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Bãi Cháy với ca đầu tiên là mổ lấy máu tụ dưới màng cứng cấp tính.

Bác sĩ Lê Ngọc Dũng chia sẻ: Những ca tai biến mạch máu não hay tai nạn khiến người bệnh bị chấn thương sọ não, nếu không cấp cứu, phẫu thuật kịp thời thì tỷ lệ người bệnh tử vong rất cao. Trong khi đó, nếu chuyển lên tuyến trên sẽ mất rất nhiều thời gian, bệnh nhân sẽ mất đi “cơ hội vàng” để được cứu sống. Vì vậy, khi bệnh viện tuyến dưới làm chủ được những kỹ thuật khó của tuyến Trung ương không chỉ cứu được bệnh nhân, mà bản thân bệnh nhân và gia đình, xã hội còn tiết giảm được thời gian và nhiều chi phí khác…

Mỗi mặt bệnh, mỗi bệnh nhân là một thách thức đối với người thầy thuốc. Để chinh phục được những kỹ thuật khó hơn, chuyên sâu hơn, bác sĩ Lê Ngọc Dũng đã không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, tích cực nghiên cứu khoa học, mạnh dạn ứng dụng các kỹ thuật mới. Trong nhiều năm liền, bác sĩ Lê Ngọc Dũng đã nghiên cứu nhiều đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh mang tính ứng dụng cao trong công tác khám, chữa bệnh. Điển hình như: Là thư ký Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng sản phẩm cacbon y sinh trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh sọ não, chữa bỏng và các loại vết thương tại Bệnh viện Bãi Cháy”; là Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phẫu thuật kết hợp xương đùi bằng đinh nội tủy có chốt ngang tại Bệnh viện Bãi Cháy” và “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp đo áp lực nội sọ trong theo dõi và điều trị chấn thương sọ não nặng tại Quảng Ninh”.

Tình yêu nghề, lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc không thể thờ ơ trước tính mạng của người bệnh chính là động lực để bác sĩ Lê Ngọc Dũng tiếp tục chinh phục những kỹ thuật mới, chuyên sâu hơn. Tất cả đều vì một mục tiêu cao nhất là cứu sống, chữa lành vết thương cho người bệnh với chi phí và thời gian thấp nhất có thể. Với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy - một trong những bệnh viện đa khoa lớn của tỉnh, bác sĩ Lê Ngọc Dũng chính là “người truyền lửa” cho các đồng nghiệp, y, bác sĩ trẻ về y đức, tâm huyết và năng lực chuyên môn.

Thực hiện: Hoàng Quý

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu