Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 06:03 (GMT +7)
“Kế thừa truyền thống cách mạng của báo Than, hội nhập với tư duy của báo chí hiện đại"
Chủ nhật, 31/12/2023 | 10:44:26 [GMT +7] A A
Là người nhiều năm gắn bó với Báo Quảng Ninh, nguyên Tổng Biên tập Lê Toán để lại dấu ấn với nhiều sự đổi mới, cách tân, đặc biệt ở phương diện cách thức làm báo. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày ra số báo Quảng Ninh đầu tiên 2/1 (1964-2024), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Toán về những kỷ niệm với nghề.
- Thưa nhà báo Lê Toán, làm báo có phải là đam mê, là con đường ông đã chọn để đi từ niên thiếu?
+ Nói là đam mê thì đúng mà đam mê từ bé, tôi đã yêu văn chương, thích sáng tác. Tôi cứ nghĩ báo là nơi có thể đăng thơ, đăng truyện. Ngay từ hồi học lớp 10, tôi đã có thơ in trên Báo Quảng Ninh rồi. Từ việc đăng thơ rồi tôi viết tin cho báo. Sau dần đam mê công việc làm báo. Người đầu tiên ở Báo Quảng Ninh mà tôi được gặp là nhà báo Đàm Minh Đường. Tôi gửi thơ cho ông nhờ đăng báo. Ông lắc đầu bảo không phải mảng của ông, ông không hiểu về thơ...
Nhưng rồi tôi lại đi làm giáo viên chứ không phải theo báo ngay từ đầu. Nhưng công việc bên giáo dục không phải là thứ tôi theo đuổi. Tôi quyết thi vào trường để học báo. Khóa đó cả tỉnh có 3 người thi đỗ. Khóa báo chí này học mất 5 năm rưỡi, mãi đến năm 1984, tôi mới ra trường để về Báo Quảng Ninh.
- Ông có thể chia sẻ thêm về những năm tháng đặc biệt đó?
+ Thời chúng tôi đi học, vất vả, đói kém. Bụng chúng tôi lúc nào cũng sôi lên vì đói. Tôi viết thư cho Bí thư Tỉnh ủy Lê Đại rằng đi học ở Trường Đảng đói quá. Nhận được thư, bác Đại gửi thư lên nói những đề nghị của chúng tôi là chính đáng, cấp cho mỗi người mỗi tháng nửa tháng lương. Chúng tôi được 20 đồng mỗi tháng đi học. Ai cũng tâm nguyện là học cho tỉnh phải cố gắng hết mình.
Cơ chế đó của Quảng Ninh đã làm xao động cả đội ngũ sinh viên cùng thời. Sau đó, tỉnh Long An học tập kinh nghiệm của Quảng Ninh cũng hỗ trợ cho sinh viên 20 đồng mỗi tháng. Theo chỗ tôi biết thì tất cả những người học báo chí thời ấy đều trưởng thành là cán bộ, đảng viên tốt, có sự phấn đấu, cống hiến.
- Thưa ông, những năm ông mới về Báo Quảng Ninh chắc hẳn điều kiện làm việc còn rất khó khăn?
+ Thời kỳ đầu, chúng tôi làm việc với cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Anh em chỉ có tâm huyết và vô cùng tâm huyết. Chúng tôi viết báo trên loại giấy chỉ có 1 mặt nhẵn. Báo làm thủ công từ viết bài, làm ảnh đến khâu in báo. Làm xong phải mang sang nhà in đánh máy. Có người đeo kính soát từng con chữ. Nhìn vào bản thảo sửa nhằng nhịt xanh đỏ tím vàng rồi xếp chữ chì.
Báo đã xây dựng được đội ngũ có bề dày về làm báo Đảng với những nhà báo như: Công Vượng, Viết Khai, Như Mai, Lữ Thức... Chúng tôi làm báo bằng nhiệt huyết, lăn lộn ở cơ sở, rất hiếm khi gặp nhau ở Tòa soạn. Chính nhiệt huyết tạo ra thương hiệu của Báo Quảng Ninh. Mỗi nhà báo thời đó đều có những bài viết được ghi nhận gắn với tên tuổi của họ. Có những bài báo được giải thưởng làm thay đổi nhận thức và cơ chế chính sách, quyết sách của các sở, ngành, địa phương.
- Ông có thể dẫn ra một ví dụ, thưa nhà báo Lê Toán?
+ Mặc dù cơ sở nghèo nàn nhưng có những tác phẩm báo chí nổi tiếng, chấn động cả nước, như bài báo của nhà báo Vũ Điều về ngành Than, công nhân mỏ nghỉ luân phiên. Báo đã nhận ra nguyên nhân do trình độ quản lý hạn chế của ngành Than nên Báo tập trung viết về ngành Than, về đời sống công nhân từ việc giãn thợ. Báo in được công nhân truyền tay đọc. Nhiều người không có báo thì đi phô tô về đọc. Các bài báo đi trước cơ chế quản lý, dự báo, phân tích đúng tình hình và quan trọng là đúng với nguyện vọng, khát vọng của công nhân. Sau này, Báo Quảng Ninh đã tập hợp những bài viết đó để in thành một cuốn sách.
- Ngoài vấn đề nội dung ra, muốn hấp dẫn bạn đọc đương nhiên phải thay đổi hình thức tờ báo. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
+ Chúng tôi nhận thức rõ điều đó nên quyết tâm đổi mới, từ ý chí đến hiện thực đột phá, đổi mới cách làm báo Quảng Ninh từ thủ công sang vi tính hoá. Từ những năm 2000, lãnh đạo và các nhà báo chủ chốt của Báo Quảng Ninh đang ở lứa tuổi 40 và 30. Tuổi trẻ, người nào cũng trăn trở muốn đổi mới. Trước hết là về quy trình nghiệp vụ toà soạn. Từ trước đến thời điểm ấy, Thư ký toà soạn cứ phải mang bản thảo viết tay và ảnh sang nhà in để làm công việc chế bản. Việc tách ảnh màu, nhà in phải mang lên Hà Nội thuê làm. Thông tin trên báo chậm.
Cũng vào những năm này, tin học mới được ứng dụng vào cuộc sống. Báo Quảng Ninh mới biết sử dụng máy vi tính thay cho máy chữ. Tôi cùng một số anh em kỹ thuật trong toà soạn đến Nhà in Tiến Bộ (Hà Nội) lặng lẽ học kỹ thuật chế bản. Rồi việc chế bản ảnh đen trắng và tách ảnh màu đã làm thành công tại Toà soạn. Đây là cơ sở rất quan trọng để từ ngày 1 tháng 1 năm 2001, Báo Quảng Ninh xuất bản 4 số báo trong tuần (thứ 2, thứ 4, thứ 6 và số Cuối tuần).
Muốn tiếp tục tăng kỳ xuất bản, phải chuyển toàn bộ công nghệ làm báo tại Tòa soạn sang tin học hoá. Thời điểm đầu năm 2001, số máy vi tính của Ban Thư ký chỉ có 4 cái. Với cương vị là Tổng Biên tập Báo, đầu tháng 6/2001, tôi trực tiếp soạn văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho phép Báo Quảng Ninh chế bản điện tử tất cả các số báo tại Tòa soạn. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Bí thư Tỉnh uỷ, đến toà soạn lắng nghe, rồi kê văn bản trên mặt bàn uống nước trà, ký duyệt tại chỗ.
Sau một tuần lễ, mọi việc thành công như ý. Số báo Quảng Ninh xuất bản ngày 20 tháng 6 năm 2001, kỷ niệm 76 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ghi dấu một bước ngoặt: Báo Quảng Ninh là cơ quan báo Đảng đầu tiên trong toàn quốc thực hiện chế bản điện tử tại Tòa soạn.
- Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của Báo Quảng Ninh, thưa ông?
+ Thành công này khiến cả Toà soạn phấn khởi, ngất ngây. Số báo Quảng Ninh xuân Nhâm Ngọ 2002 phát hành 13.350 tờ - lần đầu tiên phát hành hơn một vạn tờ báo/số. Tiếp đó, ngày 21/6/2002, sau một năm thực hiện chế bản điện tử tại Tòa soạn, Báo Quảng Ninh tiếp tục xuất bản tăng thêm 2 kỳ/tuần (thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 và số Cuối tuần). Đây là sự kiện phát triển của Báo Quảng Ninh, cũng là sự kiện của hệ thống Báo Đảng toàn quốc. Như vậy, sau 13.680 ngày kể từ số báo đầu tiên, Báo Quảng Ninh đã xuất bản báo hằng ngày và số Cuối tuần. Những bước ngoặt hôm qua là tiền đề quan trọng để hôm nay có thêm cơ hội phát triển mới.
Kế tục và phát huy truyền thống từ báo Than, Báo Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới, phát triển. Năm 2003, Báo Quảng Ninh chính thức phát hành 7 kỳ/tuần, trở thành nhật báo; rồi từ nhật báo, năm 2011 tờ báo tăng 4 trang lên 8 trang. Trong sự đổi mới và phát triển đó có sự đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ những người làm báo tâm huyết với nghề.
- Là người đi trước, ông đánh giá như thế nào về các ấn phẩm Báo Quảng Ninh hôm nay?
+ Báo in nay vẫn kế thừa được tinh hoa của thế hệ đi trước, ngày càng tiếp cận được công nghệ làm báo mới, cập nhật thông tin nhanh chóng, phù hợp với thời đại 4.0. Báo đưa được thông tin của khu vực Đông Bắc, Việt Nam và của thế giới. Báo đã kết nối, truyền tải thông tin từ Quảng Ninh ra toàn quốc, ra toàn cầu và chuyển tải những thông tin hữu ích trong nước và toàn cầu phục vụ người Quảng Ninh. Nhìn lại những gì đã làm được, chúng tôi tự hào về thế hệ trẻ.
- Ông mong mỏi điều gì ở thế hệ làm báo trẻ hôm nay?
+ Người làm báo ngoài nhiệt huyết phải tiếp cận được với công nghệ mới để không lạc hậu thông tin; bạn đọc sẽ tiếp cận với những sản phẩm khác mới hơn, nhanh hơn. Tôi mong muốn các nhà báo hội nhập được với tư duy của báo chí hiện đại, nhất là những thông tin nhạy bén về kinh tế, du lịch được đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Để làm được điều đó, Báo cần phải đẩy mạnh xây dựng đội ngũ, không ngừng học tập kinh nghiệm từ các báo bạn để đội ngũ người làm báo phát huy được năng lực, sở trường hơn nữa. Tôi mong tỉnh ta hằng năm cử một số phóng viên, nhà báo có tâm huyết với nghề, có tài năng đi nước ngoài để đào tạo thêm.
Tôi nói mang tính trải nghiệm vì năm 2002, được Bộ Văn hoá - Thông tin cử đi Thuỵ Điển đào tạo nâng cao trình độ làm báo. Chúng tôi mang về nội dung làm báo có chủ đề mỗi tờ. Nay báo Quảng Ninh, nhất là báo Quảng Ninh Cuối tuần vẫn đảm bảo được nội dung đó. Mỗi năm, cần có độ 5 người đến các tờ báo lớn, nơi có trình độ báo chí cao trên thế giới để học tập. Điều đó có lợi vô cùng cho tờ báo, cho Trung tâm trên lộ trình xây dựng mô hình Tập đoàn Báo chí Truyền thông hiện đại mang tầm khu vực.
- Cám ơn nhà báo về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
- Nhà báo Nguyễn Viết Khai với những dấu mốc của báo chí Quảng Ninh
- Chấm Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh năm 2022
- Báo chí Quảng Ninh song hành cùng sự phát triển của tỉnh
- Những hiện vật “biết nói” về báo chí Quảng Ninh
- Báo chí Quảng Ninh xung kích, chung tay phòng, chống dịch Covid-19
- Báo chí Quảng Ninh góp phần vào công tác xây dựng Đảng
- Khai mạc Liên hoan nghiệp vụ báo chí Quảng Ninh lần thứ IV năm 2022
Liên kết website
Ý kiến ()