Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:46 (GMT +7)
Khơi thông tăng trưởng tín dụng
Thứ 5, 15/10/2020 | 08:09:31 [GMT +7] A A
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Các ngân hàng đã tiết giảm tối đa chi phí để giảm sâu hơn mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện khơi thông tăng trưởng tín dụng.
Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn để đầu tư. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Ninh |
Hiện các ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tối đa 4,25%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 4,4-6,4%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6-7,3%/năm. Đây không phải mức lãi suất huy động cao, tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán... chững lại, thì người dân, doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh đầu tư từ ngân hàng bởi tính an toàn, ít biến động.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, huy động vốn tại Quảng Ninh đến 30/9/2020 đạt 143.500 tỷ đồng, tăng 6% so với 31/12/2019. Trong đó, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đạt 29.300 tỷ đồng, tăng 23,6% so với 31/12/2019; tiền gửi tiết kiệm đạt 115.300 tỷ đồng, tăng 5,7% so với 31/12/2019; phát hành giấy tờ có giá đạt 7.400 tỷ đồng, tăng 41,3% so với 31/12/2019; vốn, tiền gửi khác đạt 1.500 tỷ đồng, giảm 8% so với 31/12/2019.
Huy động vốn tiếp tục tăng trưởng cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tiếp tục đảm bảo cung ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế. Cụ thể, đến 30/9/2020, dư nợ đầu tư cho vay các ngành dịch vụ đạt 63.495 tỷ đồng, tăng 3,8% so với 31/12/2019, chiếm 49,8% tổng dư nợ; cho vay lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đạt 46.538 tỷ đồng, tăng 7,1% so với 31/12/2019, chiếm 36,5% tổng dư nợ; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 17.468 tỷ đồng, tăng 0,04% so với 31/12/2019, chiếm 13,7% tổng dư nợ.
Nguồn vốn ngân hàng đã tạo điều kiện hỗ trợ các thành phần kinh tế mở rộng, nâng cao chất lượng và phát triển dịch vụ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, tính đến hết tháng 9/2020, đối với cho vay các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có vốn chi phối đạt 28.178 tỷ đồng, tăng 4% so với 31/12/2019, chiếm 21,1% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 99.322 tỷ đồng, tăng 4,5% so với 31/12/2019, chiếm 78,9% tổng dư nợ.
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành chính quyền địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng cường tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh về triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ chỉ đạo của NHNN Việt Nam; thực hiện giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cũng đã yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với UBND cấp huyện, các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chỉ đạo các Phòng giao dịch triển khai thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách.
Theo đó, đến 31/8/2020 trên địa bàn có 10.677 khách hàng được các ngân hàng hỗ trợ, cho vay mới với dư nợ 30.699 tỷ đồng. Trong đó: Có 4.302 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ 9.800 tỷ đồng; 6.375 khách hàng được vay mới với tổng doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt 20.899 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, ngày 12/10. Ảnh: Thu Chung |
Thời điểm cuối năm 2020, trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong nước, theo các chuyên gia kinh tế đánh giá có thể là thời gian tốt để các doanh nghiệp phục hồi, dần lấy lại được đà tăng trưởng. Được biết, các ngân hàng đang áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 5%/năm, còn lại phổ biến ở mức 6-9%/năm; đối với cho vay trung, dài hạn từ 9-11%/năm. Mức lãi suất được cho là tương đối ổn định trong giai đoạn này.
Đáng chú ý, từ tháng 9/2020, một số ngân hàng tiếp tục áp dụng một số ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Đơn cử, SHB triển khai chương trình “Tiếp sức kinh doanh, thành công vượt trội”. Với gói tài trợ vay không tài sản bảo đảm, doanh nghiệp siêu nhỏ đang phát sinh vay vốn tại SHB sẽ được vay lên tới 3 tỷ đồng, không cần cầm cố/thế chấp tài sản bảo đảm với thời hạn vay lên tới 12 tháng. Hay HDBank cũng vừa triển khai gói vay ưu đãi “Kinh doanh tại gia, thả ga ưu đãi” với lãi suất chỉ từ 8,6%/năm, hạn mức lên đến 2 tỷ đồng, có nhiều lợi ích lớn khi người vay sở hữu địa điểm/mặt bằng sản xuất kinh doanh, thời hạn hợp đồng hạn mức tín dụng tới 60 tháng.
Để khơi thông dòng vốn tín dụng hiệu quả, NHNN Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam về hoạt động tín dụng trên địa bàn. Theo đó, việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ. Đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn hợp pháp, chính đáng của các thành phần kinh tế phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các tổ chức tín dụng cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN Việt Nam trong cho vay tiêu dùng; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp làm tốt công tác kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()