Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:38 (GMT +7)
Ký ức khó quên
Thứ 6, 12/01/2024 | 08:37:30 [GMT +7] A A
Trong ký ức của những người làm báo lão thành, chặng đường xây dựng và phát triển của Đài PT-TH Quảng Ninh luôn là một hành trình đầy ắp đam mê, đoàn kết, tinh thần làm việc với nhiệt huyết bừng bừng sức trẻ. Tinh thần cầu thị, nỗ lực đổi mới mà thế hệ trước luôn đặt lên hàng đầu, đến nay vẫn là giá trị cốt lõi, trở thành động lực phấn đấu của những phóng viên, nhà báo trẻ trên mỗi cung đường tác nghiệp.
Luôn sáng tạo, đổi mới
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thung (SN 1933) nguyên là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhận nhiệm vụ Giám đốc Đài PT-TH tỉnh từ năm 1988, đến năm 1994 thì về hưu. Từ thời điểm ấy đến nay đã gần 3 thập kỷ, ông Thung vẫn luôn ghi nhớ mãi những kỷ niệm đẹp về “gia đình” Đài PT-TH tỉnh luôn đoàn kết trong lao động, gắn bó trong đời sống, không ngừng thi đua để ngày càng tiến bộ.
Suốt thời gian giữ cương vị Giám đốc Đài, nhà báo Nguyễn Ngọc Thung luôn trăn trở với tâm niệm phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để các chương trình của Đài PT-TH Quảng Ninh được nâng tầm. Dù điều kiện khó khăn chung của thời kì xã hội đổi mới, ông Thung tin rằng chỉ cần giữ được yếu tố cốt lõi là con người đóng vai trò quyết định thì thử thách nào cũng sẽ vượt qua. Tinh thần ấy cũng đã nhận được sự đồng tình cao trong tập thể cán bộ, phóng viên của Đài, cụ thể hóa vào trong những sáng kiến, sáng tạo trên các lĩnh vực chuyên môn. Đó là khi tín hiệu sóng Truyền hình Việt Nam đến khu vực Hòn Gai khá hạn chế, không đảm bảo chất lượng hình ảnh, âm thanh chuẩn để phục vụ nhân dân. Để khắc phục vấn đề này, Đài PT-TH Quảng Ninh đã chủ động kết nối với Đài Trung ương, xin băng ghi hình, chuyển xe khách về tỉnh để phát sóng lại. Nhờ đó giúp cho các chương trình “Những bông hoa nhỏ”, “Thời sự trong nước, quốc tế”, ca nhạc, thể thao, thế giới động vật... với hình ảnh màu sắc đẹp, âm thanh rõ nét được phát sóng tới toàn địa bàn Quảng Ninh.
Từng chương trình bản tin thời sự do Đài PT-TH Quảng Ninh tự sản xuất cũng không ngừng được đổi mới. Có thể kể đến việc xây dựng hình hiệu, nhạc hiệu truyền hình Quảng Ninh dần trở nên quen thuộc với hàng ngàn người dân trong tỉnh lúc bấy giờ. Hay như việc các phóng viên, biên tập viên dù không được đào tạo bài bản, nhưng luôn chủ động học hỏi cầu thị để đổi mới cách thức đưa tin ngày càng chuyên nghiệp. Tin họp hội nghị của tỉnh khi phát sóng cũng dần được lồng ghép khéo léo các hình ảnh thực tiễn tại các địa phương để thêm sinh động. Đội ngũ biên tập viên của Đài cũng khai thác có hiệu quả hệ thống tư liệu lưu trữ để nâng cao chất lượng cho từng bản tin, từ âm thanh, hiệu ứng, hình ảnh...
“Sau mỗi một chương trình hay, được nghe phản ánh tốt từ khán giả là điều quý giá vô cùng với anh chị em cán bộ, phóng viên nhà Đài. Tôi còn nhớ mãi những cảm xúc sung sướng đến khó tả ấy, như khi được đón một đoàn công tác từ Đông Triều ghé thăm để cảm ơn về bản tin nông nghiệp được xây dựng công phu. Hoặc lần được đọc thư của nhân dân Hòn Gai đề nghị được biết lịch phát sóng lại chương trình văn nghệ rất hấp dẫn của ngày hôm trước... Yêu cầu của công chúng ngày càng cao đã tạo thêm động lực để chúng tôi càng thêm nỗ lực thi đua, đổi mới” - ông Thung chia sẻ thêm.
Đến nay đã tròn 90 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, nhà báo Nguyễn Ngọc Thung vẫn giữ thói quen cập nhật thông tin thời sự qua các chương trình truyền hình, ấn phẩm báo chí của tỉnh nhà. Ông tâm sự rằng luôn tìm thấy niềm vui từ những bản tin, những trang báo được xem mỗi ngày. Trước hết là niềm phấn khởi trước sự đổi mới vượt bậc, toàn diện của quê hương Vùng mỏ. Đồng thời còn là niềm vui khi thấy các sản phẩm báo chí Quảng Ninh ngày càng đổi mới về hình thức, nâng cao về chất lượng, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh nhà. Ông tâm đắc chia sẻ với chúng tôi về những tờ báo Quảng Ninh ông sưu tầm lại, có những bài viết phân tích, phản biện, bình luận chuyên sâu, chứa đựng nhiều chi tiết phát hiện đắt giá. Bởi ông nhìn ra phía sau mỗi bài báo đó là một phóng viên đam mê với nghề, nắm bắt hơi thở cuộc sống, dùng “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để góp tiếng nói tích cực cho xã hội phát triển đi lên.
Niềm vui từ trong gian khó
Nhà báo Trương Quang Vinh về công tác tại Đài phát thanh Quảng Ninh từ năm 1974, sau này đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh từ năm 1993 đến năm 2006 thì về hưu. Ông là một trong những người tham gia đặt những “viên gạch” đầu tiên cho ngành truyền hình của tỉnh, tạo nền móng vững chắc cho các thế hệ phóng viên trẻ của Quảng Ninh hôm nay. Đối với ông - một nhà báo lão thành của vùng Mỏ, những cống hiến, trải nghiệm suốt thời thanh xuân đã trở thành những kỉ niệm khắc cốt ghi tâm. Niềm vui có được từ trong gian khó, nay trở thành niềm tự hào lớn lao mà không phải ai cũng có được. Trong suốt quá trình công tác tại Đài PT-TH tỉnh, ông Vinh đã cùng đồng nghiệp đảm bảo cho hệ thống phát thanh của tỉnh hoạt động thông suốt, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Dù đường đi cách trở, điều kiện thiếu thốn trăm bề, ông vẫn liên tục tham gia các chuyến công tác miền Đông, tới tận cửa khẩu Móng Cái bằng đường thủy, thậm chí là bằng... xe đạp để lắp đặt, kiểm tra, sửa chữa thiết bị cho các trạm đài phát sóng FM. |
Thời điểm Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc phát sóng truyền hình vào năm 1983, nhà báo Trương Quang Vinh là một trong 5 người đầu tiên được cử vào TP Hồ Chí Minh học làm truyền hình chuyên nghiệp. Những kiến thức mới này đã góp phần giúp cho việc sản xuất tin, bài truyền hình của nhà Đài nhanh chóng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật dù không được đào tạo bài bản về mảng truyền hình, nhưng vẫn nỗ lực hết mình để đáp ứng được chỉ đạo của tỉnh và cũng là nguyện vọng của nhân dân.
Trong những năm sau đó, Đài PT-TH Quảng Ninh liên tục có những bước tiến mạnh về kỹ thuật, giúp cho cánh sóng tin tức ngày càng bay xa, đến với mọi vùng miền trong tỉnh, từ vùng cao biên giới như Bình Liêu, Hải Hà cho đến hải đảo. Có thể kể đến công trình Trạm chuyển tiếp sóng Sông Khoai (TX Quảng Yên) được hoàn thành lắp đặt năm 1988, giúp cho sóng truyền hình Trung ương phủ sóng rộng khắp trong điều kiện chưa có vệ tinh. Đây là công trình ghi dấu ấn của đội ngũ kỹ thuật viên của nhà Đài Quảng Ninh tự lắp đặt thành công trạm phát sóng ở băng tần siêu cao kênh 60 (gần 800 MHZ) trong thời gian gian eo hẹp chỉ 10 ngày. Hay như sự kiện Đài PT-TH Quảng Ninh lắp đặt thành công hệ thống ăng ten phát hình 2 KW NEC trên cột cao 74m tại trạm Cột 5; góp phần đảm bảo tiến độ nâng cấp phát sóng truyền hình lên 2KW, mở rộng phủ sóng truyền hình Quảng Ninh vào cuối năm 1994...
Với cương vị là Phó Giám đốc từ năm 1993 đến năm 2006, nhà báo Trương Quang Vinh cùng với tập thể Đài PT-TH Quảng Ninh tiếp tục mở ra từng trang mới cho các chương trình phát sóng truyền hình. Mỗi một chương trình mới ra đời đánh dấu một bước tiến mới trong tư duy và tầm vóc của QTV, bắt kịp với hơi thở cuộc sống, nói lên tiếng nói của các tầng lớp nhân dân mọi vùng miền trong tỉnh, phục vụ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Nhớ mãi mốc son lịch sử
Nhà báo Nguyễn Tuấn Phương (SN 1953) là Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh từ năm 2007 đến 2013. Với hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông đã được trải qua nhiều mốc son lịch sử phát triển của sự nghiệp truyền hình tỉnh nhà. Ông tâm sự rằng ngay sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý, chuyên ngành Vô tuyến của Đại học Tổng hợp Hà Nội thì đã được nhận đề nghị ở lại trường làm cán bộ. Tuy nhiên, lựa chọn hàng đầu của ông khi đó luôn là được trở về quê hương Vùng mỏ để lao động, cống hiến. Vậy là năm 1981, ông nộp hồ sơ và chính thức trở thành kỹ sư của Đài Phát thanh Quảng Ninh. Những kiến thức chuyên ngành học ở trường, cùng với vốn tiếng Nga thông thạo và bản lĩnh vững vàng của một người lính tham gia giải phóng miền Nam... là những yếu tố quan trọng giúp ông hoàn thành tốt mọi công việc chuyên môn cơ quan giao. Tập thể phòng Kỹ thuật cũng đã trở thành hậu phương vững vàng, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các chương trình được thực hiện hằng ngày. Chứng minh được năng lực, lại có được tín nhiệm cao của tập thể nên đến năm 1983, ông Phương đã được đề bạt vị trí Phó phòng, rồi Trưởng phòng Kỹ thuật của Đài. Đặc biệt, thời điểm đầu những năm 80 cũng là giai đoạn quan trọng bậc nhất khi Đài Phát thanh Quảng Ninh phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên, chính thức mang tên gọi mới: Đài PT-TH Quảng Ninh. Cũng từ sau bản tin 19h ngày 2/9/1983, tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên của toàn miền Bắc có đài cấp tỉnh phát được sóng truyền hình. Để có được mốc son lịch sử ấy, tập thể cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài đã thực sự vượt lên chính mình bằng những nỗ lực phi thường. Với trách nhiệm của mình, ông Phương cùng các đồng nghiệp phòng Kỹ thuật đã miệt mài nghiên cứu, tìm tòi để nhanh chóng làm chủ các trang thiết bị hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ, như: Máy phát hình 1kw hãng ThomSon của Pháp trị giá gần 60.000 USD, hệ thống máy dựng Umatic của Nhật tương đương với hệ thống của Đài PT-TH Việt Nam, 3 máy camera DXC 1200, 1600 và 1800... Câu chuyện về những ngày đầu thực hiện đồng thời cả nhiệm vụ phát thanh và truyền hình cũng là những ký ức không thể nào quên của ông Phương. Trong điều kiện làm việc còn thiếu thốn trăm bề, nhưng bộ phận nào, vị trí công việc nào cũng đều lao động với niềm say mê khó tả. Hằng ngày, nhân viên của Đài phải trực tiếp mang băng chương trình chuyển đến trạm tại đồi Cột 5 để phát sóng, mà phương tiện chỉ có xe đạp, xe máy, thậm chí là chạy bộ. Đội ngũ kỹ sư của Đài từng được tham khảo kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng, sau đó qua chuyến học tập nghiệp vụ tại TP Hồ Chí Minh, cũng đã tự tin đảm nhiệm tốt những phần việc khó. Nhờ đó, những chương trình tự sản xuất dù chỉ có 2-3 tin hình, còn lại là tin đọc và tin ảnh, nhưng vẫn gieo được vào lòng khán giả những ấn tượng sâu sắc, trở thành món ăn tinh thần quý giá trong thời điểm xã hội còn khó khăn. Thông qua màn ảnh nhỏ, những vẻ đẹp chân thực, sống động của thiên nhiên, con người Quảng Ninh được lan tỏa; các hoạt động của xí nghiệp, nhà máy, cơ quan, trường học... hiện lên phong phú. Từ những bước đi đầu tiên ấy, Đài PT-TH Quảng Ninh dần trưởng thành, ghi thêm những dấu ấn phát triển quan trọng trong hành trình phát triển đến ngày nay. Như tháng 5/2001, truyền hình Quảng Ninh chính thức tách lập thành một kênh riêng biệt, thời lượng tăng dần từ 1 tiếng/ngày, 8 tiếng/ngày, 17 tiếng/ngày... Tháng 12/2008, chương trình truyền hình Quảng Ninh được đưa vào mạng cáp của Truyền hình cáp Việt Nam. Năm 2009, kênh QTV đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố rồi vươn tới một số quốc gia trong khu vực nhờ vệ tinh Vinasat-1; thời lượng được tăng lên 24/24 giờ. Kênh QTV1 và QTV3 được phát triển song song, mở rộng diện bao phủ nhờ vệ tinh Vinasat-1 và truyền hình kỹ thuật số VTC... Nhà báo Nguyễn Tuấn Phương đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ninh từ năm 2007 đến 2013, trực tiếp phụ trách mảng phát triển kỹ thuật của cơ quan xuyên suốt giai đoạn phát triển quan trọng này. Trao đổi về nghề, ông cho rằng ngành truyền hình đang làm nên một trang sử mới nhờ có công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại và chuyển đổi số toàn diện. Đây là thách thức không nhỏ, nhưng cũng sẽ là động lực để những người làm báo càng thêm trưởng thành. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()