Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:43 (GMT +7)
Làm gì khi mắc chứng không dung nạp sữa?
Thứ 4, 30/06/2021 | 07:54:05 [GMT +7] A A
Dù sữa là thực phẩm bổ dưỡng cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe, thế nhưng tình trạng không dung nạp sữa lại khá phổ biến. Tùy theo nghiên cứu, tỷ lệ người không dung nạp sữa chiếm khoảng từ 65-75%. Tuy nhiên, không phải tất cả người mắc đều phải kiêng sữa 100%. May hơn nữa là vẫn có cách để ứng phó với tình trạng này.
Không dung nạp sữa thực chất là không dung nạp lactose (đường trong sữa). Tình trạng này xảy ra khi ruột non của người bệnh không sản xuất đủ enzyme (lactase) để tiêu hóa lactose thành đường đơn (glucose và galactose) sau đó được hấp thụ vào máu thông qua niêm mạc ruột. Khi thiếu lactase, lactose có trong thức ăn sẽ di chuyển vào đại tràng thay vì được chuyển hóa và hấp thu. Tại đại tràng, vi khuẩn sẽ kết hợp với lactose, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng không dung nạp lactose.
Triệu chứng không dung nạp lactose
Tùy thuộc vào lượng lactase có trong cơ thể từng người, các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng ở mỗi cá nhân. Sau khi ăn các sản phẩm sữa từ 30 phút - 2 giờ, triệu chứng có thể xuất hiện.
Triệu chứng phổ biến nhất là đầy hơi, trướng bụng, sôi ruột, co thắt hoặc đau quặn bụng dưới, nôn mửa và đi ngoài phân lỏng. Trẻ sơ sinh cũng có thể không dung nạp đường sữa, và bé có thể có các triệu chứng như tiêu chảy sủi bọt, hăm tã, nôn, mất nước, tăng cân chậm, hay quấy khóc.
Nên làm gì nếu không dung nạp lactose?
Khi xác định bản thân không dung nạp đường sữa lactose, bạn phải thận trọng với chế độ ăn uống của mình. Điều quan trọng là phải chú ý đến phản ứng của cơ thể với các loại thực phẩm khác nhau có chứa lactose. Nếu các triệu chứng không dung nạp lactose là nghiêm trọng, thì cần phải tránh hoàn toàn các sản phẩm sữa. Nhưng với đa số, các triệu chứng không dung nạp lactose thường không nghiêm trọng và có thể kiểm soát. Dưới đây là những gì bạn có thể làm khi mắc chứng không dung nạp lactose.
Hạn chế tiêu thụ sản phẩm sữa: Hạn chế chứ không phải loại bỏ hoàn toàn. Bạn vẫn có thể thưởng thức một số sản phẩm chứa đường sữa. Bằng cách dần dần đưa các sản phẩm sữa vào chế độ ăn uống trong khi theo dõi phản ứng của cơ thể, từ đó bạn sẽ tìm ra lượng đường sữa có thể tiêu thụ an toàn.
Thực tế, một số người vẫn có thể dung nạp được phô mai, sữa tươi và các sản phẩm từ sữa nguyên kem. Vì thế quan trọng là phải thử nghiệm để biết những gì phù hợp với bạn. Cách phù hợp là bắt đầu với một lượng nhỏ, sau tăng dần để tránh các vấn đề về tiêu hóa. Kết hợp uống sữa khi ăn các thực phẩm khác. Điều này giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng không dung nạp lactose. Thử nghiệm với các sản phẩm sữa khác nhau như phomai, sữa chua, kefi, sữa tươi...
Chọn và dùng sản phẩm không có lactose: Lựa chọn các sản phẩm không có lactose. Bạn có thể tìm thấy nhiều sản phẩm không có đường sữa hoặc ít đường sữa. Hãy thử ăn loại này để tránh các triệu chứng khó chịu.
Bổ sung lactase: Có thể bổ sung men lactase để tiêu hóa đường sữa.Tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài và bền vững, cũng không nên là lựa chọn đầu tiên.
Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin K: Canxi là một khoáng chất quan trọng và giúp cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn. Nó cũng đóng vai trò trong quản lý cân nặng và giảm nguy cơ ung thư ruột kết và trực tràng. Để bổ sung canxi cho cơ thể khi bản thân mắc chứng không dung nạp sữa, một loại thực phẩm giàu canxi, bạn có thể lấy canxi từ các thực phẩm giàu canxi khác như cải xoăn, bông cải xanh, đậu bắp, cá mòi, hạt hạnh nhân, hạt chia. Một số bệnh nhân có thể ăn sữa chua, sữa tươi, phô mai mà không gặp các triệu chứng đáng kể thì vẫn nên ăn.
Bạn có thể bị thiếu vitamin K khi không dung nạp lactose. Không có đủ vitamin K, cơ thể không thể hấp thụ canxi. Vitamin K cũng rất quan trọng đối với sự trao đổi chất, chức năng não và cân bằng nội tiết tố. Vì vậy cần bổ sung vitamin K từ thực phẩm như rau lá xanh, dưa chuột, bắp cải, quả kiwi, quả bơ, táo...
Tăng cường nước dùng xương: Nước dùng xương có thể giúp chữa lành ruột và ngăn ngừa các triệu chứng không dung nạp lactose. Nó cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe khớp và giảm hiện tượng da sần vỏ cam. Nước dùng gà và xương bò cung cấp magiê, canxi, lưu huỳnh, phốt pho và các khoáng chất khác. Gelatin và collagen tự nhiên có trong nước dùng xương là nguyên nhân nước dùng xương có thể giúp giảm bớt sự nhạy cảm và dị ứng thực phẩm.
Lựa chọn thực phẩm probiotic: Tăng số lượng vi khuẩn tốt trong ruột là một cách chắc chắn để cải thiện hệ thống tiêu hóa, từ đó sẽ ngăn ngừa các triệu chứng không dung nạp đường sữa. Probiotic có thể giúp cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng, hỗ trợ giảm cân và tăng cường hệ thống miễn dịch. Thực phẩm probiotic có thể lựa chọn như các loại dưa muối, kimchi, đồ uống lên men. Kefir, sữa chua cũng là một lựa chọn tốt.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()