Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:02 (GMT +7)
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Thứ 6, 05/07/2024 | 14:22:29 [GMT +7] A A
Thực hiện bình đẳng giới là quyền và trách nhiệm của mỗi thành viên, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Trong đó, nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái, khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm công việc gia đình là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy công tác bình đẳng giới.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã có các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng DTTS, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bệnh dịch. Các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng DTTS về bình đẳng giới.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 4/6/2018 về thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 31/10/2022 về triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn I (2021-2025).
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các ngành chức năng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai công tác bình đẳng giới. Để triển khai Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã khảo sát nhu cầu, đánh giá nhận thức của người dân về khuôn mẫu giới, bạo lực gia đình, các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cần được quan tâm, giải quyết tại 39 xã thuộc 8 địa phương thực hiện dự án, gồm: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu và Vân Đồn.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 590 học viên là cán bộ hội các cấp, tổ truyền thông cộng đồng về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân các vụ bạo lực gia đình, nạn nhân các vụ xâm hại, mua bán người; kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường, tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.
Năm 2023, Hội LHPN tỉnh thành lập được 12 tổ truyền thông cộng đồng tại 12 thôn, bản ở 2 huyện Hải Hà, Bình Liêu; phối hợp với ngành GD&ĐT thành lập 10 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường TH-THCS thuộc các xã đã hoàn thành Chương trình 135. Đây là những mô hình đặc thù nhằm huy động sự tham gia tích cực của trẻ em vào hoạt động thúc đẩy quyền trẻ em và bình đẳng giới tại các xã vùng đồng bào DTTS.
Các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để từng bước ổn định tỷ số giới tính khi sinh lồng ghép với thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn; tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng về hệ lụy của mất cân bằng giới tính luôn được tăng cường. Mỗi năm, tỉnh và các địa phương, sở, ngành tổ chức gần 300 buổi tập huấn cho hơn 25.000 lượt người về công tác bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.
Các địa phương còn duy trì, thành lập các CLB như: CLB phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; CLB phụ nữ gia đình sinh con một bề là gái… để lồng ghép tuyên truyền các nội dung về giới và giới tính khi sinh vào các buổi sinh hoạt. Nhờ đó, tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến. Năm 2016 là 123,2 bé trai/100 bé gái; năm 2020 là 112,57 bé trai/100 bé gái; năm 2022 là 111,34 bé trai/100 bé gái, năm 2023 là 113,07 bé trai/100 bé gái, đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia đề ra...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()