4
18
/
837904
Người thầy vùng cao đam mê làm du lịch
longform
Người thầy vùng cao đam mê làm du lịch

 


 

11 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều khó khăn, thầy giáo Hoàng Văn Sằn (35 tuổi), người dân tộc Tày ở xã Hoành Mô vẫn miệt mài “gánh con chữ” lên xã vùng cao Đồng Văn (huyện Bình Liêu). Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp "trồng" người, thầy Sằn còn mang trong mình niềm đam mê du lịch. Từ đam mê ấy, thầy đã trở thành “đại sứ” kết nối du lịch đưa hình ảnh vùng biên giới Bình Liêu đến nhiều du khách...


 

Bình minh ngày cuối thu, khi những giọt sương còn vương trên vạt cỏ ven đường và sương mù bao phủ dầy đặc trên những đỉnh núi ở miền sơn cước, chúng tôi có mặt tại điểm trường Khe Tiền thuộc Trường Tiểu học Đồng Văn (huyện Bình Liêu).

Điểm trường Khe Tiền nằm chênh vênh trên vạt đồi cao có 2 lớp học (lớp 1 và lớp 3) với 22 học sinh. Đón chúng tôi với nụ cười thân thiện, thầy Hoàng Văn Sằn nhanh nhảu: “Mời anh chị phóng viên uống nước chờ tôi hết tiết rồi chúng ta trò chuyện”. Nói rồi thầy ra sân trường hướng dẫn học sinh rửa chân, tay cho sạch trước giờ vào lớp. Kiểm tra sĩ số học sinh thấy lớp vắng 1 em, thầy đã gọi điện nhắc phụ huynh cho con đến lớp đúng giờ. Đúng 7h tiết học bắt đầu.

Nhắc đến Đồng Văn, chắc hẳn nhiều người, nhất là các thầy cô giáo ở vùng cao khó ai quên được thời gian trước đây cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ thứ: Không điện, không nước và không đường. Từ trung tâm xã đến nhiều thôn, bản cũng đến hàng chục cây số đường rừng, nên việc đi lại hết sức gian nan. Cũng vì lẽ đó, ý thức chăm lo sự học cho con em của người dân nơi đây chưa cao, khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh cũng chậm hơn so với khu vực miền xuôi. Đây cũng chính là nỗi băn khoăn, trăn trở của các thầy cô giáo tại miền sơn cước này...

Với hoài bão của tuổi trẻ đối với sự nghiệp trồng người cùng những trăn trở, thấu hiểu về sự thiếu thốn, khó khăn ở những bản làng vùng sâu, vùng xa của xã biên giới, sau 11 năm công tác tại Trường Tiểu học Đồng Văn, mới đây thầy Sằn đã làm đơn tình nguyện để được trở lại công tác tại điểm trường khó khăn ở thôn Khe Tiền.

Thầy Sằn chia sẻ: Cũng giống nhiều thôn, bản của Bình Liêu, bản Khe Tiền có 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vào năm học mới, việc vận động học sinh đến lớp là cả một vấn đề, vì các em thường theo bố mẹ lên rừng làm nương, nên các thầy cô và chính quyền địa phương phải tìm đến tận nơi để vận động trẻ ra lớp. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên việc mua sách vở, quần áo cho con em đối với nhiều gia đình cũng là nỗi lo thường trực...

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng khó, nhận thấy nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, thầy Sằn đã thông qua bạn bè, người quen, mạng xã hội và các tổ chức thiện nguyện để kêu gọi ủng hộ. Và những hoạt động giúp đỡ thiết thực được tổ chức, tạo điều kiện tốt cho nhiều em duy trì việc đến trường...

 

Ngoài dạy chữ, thầy Sằn còn quan tâm dạy bảo các em học sinh từng công việc nhỏ nhặt.
Ngoài dạy chữ, thầy Sằn còn quan tâm dạy bảo các em học sinh từng công việc nhỏ nhặt.

Ở điểm trường Khe Tiền, thầy Sằn chủ yếu dạy lớp 1, còn lớp 3 do một cô giáo phụ trách. Theo thầy Sằn, phụ trách lớp 1 vất vả hơn so với lớp lớn. Ở đây phần lớn các em tự đi bộ đến trường, có em vì nhà xa khi đến được lớp cũng chậm cả tiếng đồng hồ... Ngoài giảng dạy các em trên lớp, thầy Sằn thường đến tận gia đình học sinh để nhắc nhở phụ huynh quan tâm rèn giũa con em về ý thức học tập để theo kịp chương trình. Học sinh của thầy Sằn cơ bản tiếp thu tốt, chỉ riêng em Chìu Thị Phượng là chậm hơn các bạn và được coi là học sinh đặc biệt.

"Khi nộp hồ sơ vào lớp 1, Phượng chưa có giấy khai sinh, thậm chí không biết nói tiếng Kinh. Tìm hiểu mới biết em được mẹ đưa đi làm ăn xa xứ, khi 6 tuổi mới trở về thôn. Với trường hợp đặc biệt này, thì cũng phải có phương pháp dạy đặc biệt. Ngoài việc kèm cặp trong giờ học chính, tôi dành thời gian 2 buổi/tuần để kèm riêng cho Phượng cùng một số bạn tiếp thu kiến thức chậm trong lớp. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên ghé thăm gia đình học sinh để trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con em họ..." - thầy Sằn tâm sự.

Có lẽ chính sự tận tâm, tận tụy, kiên trì của thầy Sằn đã giúp học trò nắn nót, đánh vần từng con chữ, Phượng và các bạn khác trong lớp đã biết đọc, biết viết, biết trả lời những câu hỏi đơn giản... và không còn ngại tiếp xúc với người lạ như trước đây. Như một lẽ tự nhiên, hình ảnh thầy Sằn đã gắn bó chặt chẽ với cả bà con trong thôn.

Anh Diềng Chống Hẻn, người dân thôn Khe Tiền, tâm sự: “Thằng lớn nhà tôi năm nay học lớp 9, trước nó cũng học thầy Sằn. Còn thằng bé sang năm vào lớp 1. Nó nghịch lắm, nhưng có thầy Sằn dạy học ở điểm trường Khe Tiền, tôi cũng thấy yên tâm hơn. Nhờ sự nhiệt tình của thầy mà nhiều đứa trẻ trong thôn đã biết đọc, biết viết...”.

Không chỉ nhiệt huyết, miệt mài “cõng chữ” lên non, thời gian gần đây, thầy Hoàng Văn Sằn còn được nhiều người biết đến là hướng dẫn viên đặc biệt ở huyện Bình Liêu. Biệt danh đó xuất phát khi anh triển khai ý tưởng khá mạnh dạn và trở thành một trong những người đầu tiên ở huyện Bình Liêu mở dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch lưu trú.

Thầy Sằn (ngồi bên trái ảnh) trong chuyến đưa khách du lịch đi thăm cột mốc tại Bình Liêu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thầy Sằn (ngồi bên trái ảnh) trong chuyến đưa khách du lịch đi thăm cột mốc tại Bình Liêu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài công việc đứng lớp, thời gian rảnh rỗi dịp cuối tuần thầy Sằn có sở thích xách ba lô rong ruổi du lịch khắp nơi. Những chuyến đi đó thầy đã làm quen với khá nhiều bạn bè ở cả miền xuôi lẫn miền ngược. Từ năm 2012 trở lại đây, du lịch Bình Liêu bắt đầu phát triển và được ví như một “Sapa thu nhỏ” của Quảng Ninh, khách du lịch bốn phương nườm nượp kéo về Bình Liêu. Khách đến Bình Liêu thấy thầy Sằn nhiệt tình, hiếu khách và thuộc đường sá nên mời đi cùng. Dần dần, thầy giáo Sằn đã thành “hướng dẫn viên” không chuyên của bản lúc nào không hay.

Đến Bình Liêu ai cũng thích cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ nơi đây, tuy nhiên, nhiều du khách cũng góp ý về dịch vụ lưu trú của địa phương vẫn thiếu. Ý tưởng làm homestay cũng bắt nguồn từ những câu chuyện trăn trở của du khách. Khi bàn bạc với gia đình, mọi người đều không đồng tình ủng hộ, phải đến cuối năm 2016, tiết kiệm được ít tiền và tận dụng diện tích đất ở, vợ chồng thầy Sằn mới đầu tư xây 3 phòng nghỉ ngay sát nhà để phục vụ khách du lịch lưu trú. Đầu năm 2017, homestay Hoàng Sằn chính thức đi vào hoạt động.

“Lúc đầu làm du lịch tôi bỡ ngỡ chẳng biết tiếp cận và phục vụ như thế nào? Homestay chỉ đón lác đác vài khách vãng lai. Những vị khách đầu tiên ghé homestay Hoàng Sằn chủ yếu là dân phượt. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và đặc biệt là nhờ bạn bè, mạng xã hội chia sẻ nên dần dần khách du lịch từ Hải Phòng, Thái Bính, Hải Dương... về Bình Liêu đã tìm đến khu homestay ủng hộ tôi ngày càng nhiều” - thầy Sằn vui mừng chia sẻ.

Với vị trí nằm cạnh cửa khẩu Hoành Mô, du khách đến nghỉ ngơi tại homestay Hoàng Sằn đều rất thuận tiện để tham quan các điểm du lịch khác. Từ 3 phòng nghỉ được xây dựng ban đầu, hiện thầy Sằn đã đầu tư xây thêm 2 nhà sàn phục vụ chỗ ăn, uống, ngắm cảnh núi rừng tại khu đất của gia đình. Tính ra, vợ chồng thầy giáo Hoàng Văn Sằn đã dành tổng cộng hơn 300 triệu đồng đầu tư vào mô hình homestay này. Tiếng lành đồn xa, khách đến mỗi lúc một đông, cũng có nhiều người “hiến kế” giúp homestay hoàn thiện mô hình, đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của khách.

Thời điểm này đang vào giữa mùa lau, hoa sở nở rộ nên khách đến Bình Liêu tăng cao. Những ngày cuối tuần khách đăng ký nghỉ tại homestay Hoàng Sằn gần như chật kín.

Anh Nguyễn Thành Tín (du khách đến từ Ninh Thuận) cho biết: Đến homestay Hoàng Sằn mình thích nhất cái nhà sàn của anh ấy. Sáng sớm, ngồi ở nhà sàn, thả hồn ngắm ruộng bậc thang và núi rừng trập trùng phía trước, nghe tiếng chim hót, tiếng gió rừng... tâm hồn bỗng thật nhẹ nhàng, mọi mệt mỏi như tan biến hết. Điều quan trọng nhất là gia đình anh Sằn rất chu đáo, tận tình, sẵn sàng giúp đỡ du khách trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây chính là lý do mọi người lựa chọn dịch vụ homestay của anh Sằn...".

Mỗi tháng, homestay Hoàng Sằn đón khoảng 150-200 khách du lịch.
Mỗi tháng, homestay Hoàng Sằn đón khoảng 150-200 khách du lịch.

Tháng 7/2018, thầy Hoàng Văn Sằn đã đăng ký thi hướng dẫn viên và được Sở Du lịch cấp thẻ hành nghề. Thầy Sằn đã trở thành một trong những giáo viên kiêm hướng dẫn viên du lịch đầu tiên ở huyện Bình Liêu.

Gắn bó với nghề du lịch, thầy Sằn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhiều đoàn đi thăm cột mốc biên giới do không nhớ đường hay xe bục lốp, hết xăng lại gọi thầy Sằn đến cứu trợ. Hay những lần khách đặt phòng không được họ lại xin cắm lều ngủ ngoài vườn. Khách nói, chỉ cần có chỗ dựa lưng ở nhà thầy cũng thấy vui và yên tâm hơn.

Trung bình mỗi tháng, homestay Hoàng Sằn đón khoảng 150-200 khách du lịch đến nghỉ ngơi. Đặc biệt giá cả tại homestay khá bình dân so với nhiều điểm lưu trú khác (nghỉ đêm giá 50.000 đồng/người; suất ăn bình quân từ 50.000-120.000 đồng/suất).

Dù rất đam mê nghề du lịch, nhưng thầy Sằn luôn theo đuổi, tâm huyết với sự nghiệp "trồng" người. Với thầy Sằn, làm du lịch có thêm trải nghiệm kiến thức, biết nhiều địa điểm để giới thiệu tới học sinh. Đổi lại, thầy Sằn cũng thường xuyên dạy học sinh cách ứng xử văn hóa với khách du lịch. Dự định sắp tới, thầy Hoàng Văn Sằn tiếp tục mở thêm phòng nghỉ, hoàn thiện homestay và khu cắm trại.

Bài, ảnh: Nguyễn Huế - Phạm Tăng

Trình bày: Tất Đạt

* Bài viết có sử dụng một số hình ảnh của nhân vật

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu