Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/12/2024 21:48 (GMT +7)
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng sẽ hoàn thành cuối năm 2024
Thứ 4, 28/08/2024 | 05:41:25 [GMT +7] A A
Với mục tiêu tiếp tục đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế, Quảng Ninh đã khởi công đầu tư, xây dựng Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư. Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành vào cuối năm 2024.
Tổ hợp Công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng được xây dựng trên quy mô tổng diện tích 340ha, thuộc KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), nơi có vị trí chiến lược, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế, do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư. Trong đó, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng xây dựng trên diện tích 36,5ha, được thiết kế là nơi sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công. Đây cũng là dự án nhà máy ô tô đầu tiên tại Quảng Ninh, kỳ vọng sẽ bổ sung năng lực mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh.
Sau hơn 2 năm thi công, hiện các hạng mục chính của nhà máy cơ bản hoàn thành, gồm: Hệ thống nhà xưởng hàn, sơn, lắp ráp, cơ điện và các công trình phụ trợ như trạm LPG, trạm khí nén, đường thử… Các phân khu chức năng kiểm soát chất lượng đã hoàn thiện chạy thử vào đầu tháng 5/2024. Đối với các hạng mục thiết bị, đã thi công đạt trên 90% tổng khối lượng và sẽ hoàn thành vào đầu tháng 10 tới đây. Để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, trong quá trình lắp đặt, chủ đầu tư và các nhà thầu đã triển khai song song việc nghiệm thu và vận hành thử nghiệm từng hạng mục. Theo tiến độ này, trong quý IV/2024, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào chạy thử.
Ông Nguyễn Mai Anh Ngọc, Phó Giám đốc Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, cho biết: Đối tác cung cấp dây chuyền thiết bị cho nhà máy là những đối tác hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm triển khai cho các nhà máy ô tô lớn trên thế giới, như Chropynska, Wipro Pari và Durr. Điều này giúp đảm bảo dây chuyền sản xuất, lắp ráp của nhà máy đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và sẵn sàng năng lực để sản xuất các mẫu xe mới trong tương lai.
Vừa qua, nhà máy bắt đầu nhập lô linh kiện đầu tiên là vỏ xe ô tô về nhằm phục vụ cho quá trình chạy thử dây chuyền xưởng hàn tại nhà máy. Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu vận hành, sẽ lắp ráp các phân khúc SUV và Sedan hạng B phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng hiện nay của người Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo, sẽ mở rộng sang các dòng xe điện thân thiện với môi trường.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy, Quảng Ninh dành sự quan tâm đặc biệt triển khai các chương trình hỗ trợ. Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư tuyến đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, các cầu Tình Yêu, Bình Minh… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà máy nói riêng và KCN nói chung.
Như vậy, đến cuối năm 2024, Quảng Ninh chính thức có nhà máy ô tô đầu tiên vận hành sản xuất. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là tiền đề thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp ô tô sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường về địa bàn, mà còn là "đòn bẩy" tích cực thu hút, quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, nhất là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao. Từ đó, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, phù hợp với định hướng của Chính phủ trong mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()