Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:44 (GMT +7)
Nhớ buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên
Thứ 2, 08/01/2024 | 15:33:39 [GMT +7] A A
Ngày 25/4/1995 đánh dấu lần đầu tiên Đài PTTH Quảng Ninh (nay Trung tâm Truyền thông tỉnh) thực hiện buổi truyền hình trực tiếp (THTT) ở một sự kiện trọng đại là lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4 (1955-1995). Sự kiện này đã khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên trong việc tổ chức THTT các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh sau này.
Quyết tâm trước “trận đánh lớn”
Khi nhắc đến sự kiện buổi THTT đầu tiên, nhà báo Nguyễn Văn Đạt, nguyên Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh (giai đoạn 1993-1996) vẫn còn nhớ như in. Nhà báo cho biết: Để có cuộc THTT này ban lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên của Đài đã nhen nhóm ấp ủ từ rất lâu. Ngay từ đầu năm 1995, ban lãnh đạo Đài đã họp bàn lựa chọn có lên THTT hay chọn cách thu ghi rồi về phát lại; sau nhiều lần bàn đi tính lại tất cả ban lãnh đạo, phóng viên, kỹ thuật viên thống nhất sẽ THTT lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Vùng mỏ. Buổi THTT giao cho đồng chí Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Đài, trực tiếp phụ trách đảm bảo các khâu kỹ thuật, con người nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Là người trực tiếp chỉ đạo THTT lần đầu tiên, nhà báo Trương Quang Vinh, nguyên Phó Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh (giai đoạn 1993-2006) cho biết: Để có buổi THTT đó chúng tôi đã phải chuẩn bị gần 2 tháng từ xây dựng kịch bản, các tình huống, lắp đặt máy, thời lượng chương trình... rồi bố trí anh em diễn tập. Tất cả được thực hiện nghiêm túc, thuần thục và tránh sai sót từ khâu nhỏ nhất. Những trang thiết bị, dây dẫn được rà soát kiểm tra lại, nếu dây không đảm bảo sẽ bố trí thay thế hoặc huy động từ đơn vị khác bổ sung đảm bảo hoạt động tốt nhất.
So với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, lúc đó hệ thống trang thiết bị của Đài PTTH Quảng Ninh vẫn còn khó khăn, cả về cơ sở vật chất và con người. Cuộc THTT Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Vùng mỏ có ý nghĩa rất lớn, là ngày hội của mọi người dân Quảng Ninh.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, buổi lễ kỷ niệm đã huy động tất cả những gì của Đài có ở thời điểm đó để tham gia thực hiện nhiệm vụ. Theo nhà báo Trương Quang Vinh, Lễ kỷ niệm lúc đó được tổ chức gồm 2 phần: Phần 1 là thực hiện diễu hành của các cơ quan, đơn vị và đông đảo quần chúng nhân dân diễn ra trên đường Lê Thánh Tông từ Cột đồng hồ, Bưu điện tỉnh đi về Sân vận động Hòn Gai (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) có chiều dài khoảng 1km; phần 2 là cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động Hòn Gai.
Khoảng cách và địa hình phức tạp từ khu vực diễn ra sự kiện đến Đài phát Cột 5 khoảng 6km gây khó khăn cho việc truyền phát tín hiệu. Tuy nhiên, trước “trận đánh lớn”, tất cả cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài tham gia THTT rất khí thế quyết tâm hoàn thành.
Buổi truyền hình lưu động đầu tiên
Để thực hiện THTT toàn bộ chương trình Lễ kỷ niệm, kíp thực hiện đã bố trí thành 3 khu vực khác nhau. Khu vực đầu tiên là trên xe ô tô UAZ của Đài bố trí 2 camera cùng máy phát hình EKRAN kênh 4 (do Liên Xô sản xuất) cùng ăng ten định hướng phát kênh 4 tự thiết kế lắp đặt. Trên xe UAZ bố trí 4 người, trong đó có 2 quay phim và kỹ thuật viên cơ động trên đường Lê Thánh Tông để thu và truyền những hình ảnh về đoàn người diễu hành. Tín hiệu sẽ được truyền qua việc phát sóng kênh 4 luôn hướng đến khán đài A của Sân vận động Hòn Gai.
Khu vực thứ 2, bố trí điểm cao của khán đài A của Sân vận động Hòn Gai gồm 15 người với 5 máy camera đặt tại các vị trí cố định và di động trên vị trí sân đã xây dựng trong kịch bản. Đồng thời, một dây chuyền thiết bị gồm một bộ thu sóng kênh 4 từ xe UAZ truyền tới, tín hiệu được đưa sang máy phát hình UHF16 với ăng ten phát được bố trí trên nóc cao của mái che khán đài A để truyền chương trình trên kênh 60 lên Đài phát Cột 5.
Khu vực thứ 3 là tại Đài phát Cột 5 có khoảng 10 người để đảm bảo ăng ten thu kênh 60 bố trí trên cột cao tiếp nhận tín hiệu phát từ sân vận động và đưa vào máy phát kênh 12, phủ sóng trên địa bàn toàn tỉnh. Khi tất cả vào vị trí phân công, từ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật tập trung tinh thần cao nhất để THTT Lễ kỷ niệm.
Nhớ lại khoảnh khắc trọng đại đó, quay phim viên Lê Tùng Linh, nguyên phóng viên quay phim Phòng Văn nghệ - Thể thao - Giải trí, kể: Lúc đó tôi phụ trách máy quay M7 (mầu) được bố trí tại khán đài A của Sân vận động Hòn Gai. Khi đoàn diễu hành từng tốp đi vào Sân vận động chật kín với hàng vạn người, anh em quay phim tập trung vào vị trí đã phân công quay từng đúp rồi di chuyển vị trí đã cố định từ trước. Tất cả anh em tham gia THTT Lễ kỷ niệm tâm trạng lo lắng nhưng cũng rất tự hào. Buổi THTT diễn ra thành công, không có một sự cố nào xảy ra.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Phương, nguyên Phó Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh, giai đoạn 2007-2013, lúc đó đang là Trưởng phòng Kỹ thuật truyền dẫn, cho biết: Tôi chỉ đạo anh em kỹ thuật tập trung cao nhất và trọng trách lớn nhất. Đặc biệt anh em kỹ thuật ở trên xe lưu động thường xuyên xoay chỉnh ăng ten phát trên kênh 4 hướng về khán đài A của Sân vận động không bị mất sóng. Các bộ phận khác liên tục kiểm tra tín hiệu dây dẫn, dây truyền tham gia THTT đảm bảo thông tin luôn thông suốt trong toàn bộ buổi lễ.
Theo nhà báo Trương Quang Vinh, cuộc THTT diễn ra rất thuận lợi, thời tiết khô ráo, mát mẻ kéo dài từ 7h30 đến tầm 11h trưa thì kết thúc. THTT có đặc tính lưu động và được thực hiện thông qua 3 kênh sóng, gồm: Kênh 4, kênh 60 và kênh 12. Trong quá trình thu hình đoàn người diễu hành, phóng viên, camera lúc bấy giờ phải di chuyển khá vất vả và để lấy được những đúp hình đẹp, có tính đặc tả cao. Trong quá trình thực hiện THTT không bị bất kỳ một lỗi nhỏ nào xảy ra, ở thời điểm đó Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước thực hiện được.
Cuộc ra quân THTT đầu tiên với phương thức cơ động đã thành công tốt đẹp để lại dấu ấn rất đặc biệt về tổ chức THTT của Đài PTTH Quảng Ninh. Nhà báo Nguyễn Văn Đạt, nguyên Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh, cho rằng buổi THTT đầu tiên đó là thắng lợi rất lớn của Đài. Điều này phải ghi nhận sự đóng góp lớn của đội ngũ kỹ thuật với những thiết bị đơn giản lúc đó nhưng đã nỗ lực không ngừng nghỉ khắc phục khó khăn, say mê với nghề, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Buổi THTT của Đài PTTH Quảng Ninh lúc đó đã cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh của buổi lễ kỷ niệm đến cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá rất cao. Điều này đã đánh một dấu mốc quan trọng của đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Đài PTTH Quảng Ninh trong việc thực hiện các cuộc THTT các sự kiện lớn sau này.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()