Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:02 (GMT +7)
Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 1/2022
Thứ 2, 27/12/2021 | 14:00:55 [GMT +7] A A
Từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online; Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng; Quy định mới về kinh doanh xăng dầu… là một những chính sách về kinh tế đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 1/2022.
Từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Còn doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài, phải thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Mức tiền ký quỹ bằng 10% một lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập.
Về mức trần tiền ký quỹ của người lao động, Nghị định quy định doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định và phải ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Quy định mới về kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương vừa bổ sung một số quy định mới trong kinh doanh xăng dầu như quy định về điều hành giá xăng dầu; về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ và đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm. Đây là các quy định mới tại Thông tư 17/2021/TT-BCT ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Thông tư 17 bổ sung quy định về "Điều hành giá xăng dầu" như sau: Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng, dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường gồm xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut. Bộ Công Thương xác định từng mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng nhiều nhất thuộc các nhóm mặt hàng xăng sinh học, xăng khoáng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut để thực hiện công bố giá cơ sở.
Về báo cáo lượng xăng dầu sản xuất trong nước: Định kỳ, trước ngày 29 của tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước theo từng chủng loại trong kỳ từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý về Bộ Công Thương để tổng hợp tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 2/1/2022.
Sửa đổi, bổ sung quy định giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19/2021/TT-NHNN ngày 24/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 8/1/2022.
Sửa quy định về vé sử dụng đường bộ
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Trong đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 8 quy định về vé sử dụng đường bộ. Cụ thể, vé dịch vụ sử dụng đường bộ áp dụng đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm, bao gồm: Vé lượt, vé tháng và vé quý. Đối với hình thức thu phí điện tử không dừng, vé dịch vụ sử dụng đường bộ được phát hành dưới dạng chứng từ điện tử.
Vé đường bộ toàn quốc áp dụng riêng đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an nộp phí sử dụng đường bộ theo quy định của Bộ Tài chính.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.
Quy định mới về quản lý, bảo trì công trình hàng không
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 24/2021/TT-BGTVT ngày 22/11/2021 quy định về quản lý, bảo trì công trình hàng không thay thế Thông tư số 48/2016/TT-BGTVT.
Thông tư nêu rõ, công trình hàng không sau khi đưa vào khai thác sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định. Thời gian thực hiện quản lý và bảo trì được tính từ ngày nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Thông tư quy định, chi phí bảo trì công trình hàng không được thực hiện theo Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; Thông tư số 14/2021/TT-BXD. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì công trình hàng không thực hiện theo các quy định của pháp luật tương ứng nguồn vốn đảm bảo cho công tác bảo trì công trình hàng không.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.
Quy định mới về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Theo Thông tư quy định, người khai thác cảng hàng không, sân bay phải cung cấp dịch vụ xe dẫn tàu bay yêu cầu của người khai thác tàu bay. Thông tư cũng quy định người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay lập phương án vận hành tàu bay trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, cập nhật vào tài liệu khai thác sân bay, trừ trường hợp áp dụng tạm thời trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.
Hướng dẫn về lương, thưởng cho Ban kiểm soát tại công ty TNHH MTV Nhà nước
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 105/2021/TT-BTC ngày 25/11/2021 hướng dẫn việc trích lập, quản lý tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, về trích lập quỹ tiền lương, thù lao của Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Thông tư quy định, quý I hằng năm, công ty TNHH MTV thực hiện xác định quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 52/2016/NĐ-CP.
Thông tư nêu rõ, tiền thưởng của Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên bao gồm tiền thưởng hàng năm và thưởng khi kết thúc nhiệm kỳ.
Khi thực hiện quyết định chi thưởng hàng năm cho người quản lý, cán bộ công nhân viên của công ty, công ty TNHH MTV thực hiện chuyển 90% tiền thưởng năm của Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên về quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên tại cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.
Sửa đổi hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 6 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN về mức cho vay như sau: Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 về thời hạn cho vay như sau: Đối với đối tượng khách hàng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này là đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 10 về lãi suất cho vay như sau: Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ.
Lãi suất cho vay ưu đãi quy định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trong từng thời kỳ và lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ đảm bảo nguyên tắc: Không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.
Sửa quy định thủ tục kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2014/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2021 quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 3 (kiểm tra vật thể) Điều 7 trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/1/2022.
Thêm cửa khẩu được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 quy định cửa khẩu nhập khẩu đối với ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
Theo đó, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Thanh Hóa (Nghi Sơn), Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tục nhập khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan.
Thông tư 21/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/1/2022; thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
So với Thông tư số 06/2019/TT-BCT, danh sách các cửa khẩu cảng biển được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi theo Thông tư mới bổ sung cửa khẩu cảng biển Thanh Hóa (Nghi Sơn).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/1/2022.
Quy định về kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 110/TT-BTC ngày 10/12/2021 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ ngày 26/1/2022.
Thông tư quy định các nội dung chi không hoàn lại gồm: Chi phí cho cán bộ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đi công tác phục vụ nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; đi thăm lãnh sự để tìm hiểu tình hình đối với các trường hợp công dân bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị xét xử, tù đày. Mức chi các khoản tiền vé máy bay, tàu xe đi lại, tiền xăng dầu, tiền công tác phí theo chế độ quy định.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 26/1/2022.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()