Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 11/12/2024 17:36 (GMT +7)
Những ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ
Thứ 2, 19/09/2016 | 04:00:33 [GMT +7] A A
Đến với vùng đồng bào thiểu số, đặc điểm dễ nhận diện giữa các dân tộc, ngoài trang phục truyền thống thì nhà ở là một trong những đặc trưng riêng có của từng vùng, miền. Và nhà sàn chính là đặc trưng trong kiến trúc nhà ở của người dân tộc Sán Chỉ ở huyện Tiên Yên. Tuy nhiên, những nếp nhà sàn ấy đang dần mất đi, nhường chỗ cho những nhà mái ngói nằm đan xen. Thực trạng này đang diễn ra âm ỉ, khiến những bản sắc văn hoá dân tộc từ bao đời nay của người Sán Chỉ nơi đây mai một dần và có nguy cơ biến mất trong tương lai.[links()]
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Nình Móc Mầu, lâu đời và lưu giữ được những nét nguyên bản nhất của nhà sàn người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (huyện Tiên Yên). |
Về miền di sản
Ở Quảng Ninh, huyện Tiên Yên là địa phương hội tụ gần như đầy đủ các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, như: Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu…; trong đó dân tộc Sán Chỉ chiếm khoảng 8,1% dân số huyện. Người Sán Chỉ sống chủ yếu ở các xã Đại Thành, Đại Dực và một phần ở xã Đông Hải, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở Đại Dực, chiếm tới 95% dân số xã.
Xã Đại Dực nằm cách trung tâm huyện Tiên Yên gần 30km, trên triền núi cao thoai thoải là nơi cư trú của hơn 300 hộ dân Sán Chỉ. Người Sán Chỉ sống tập trung thành từng xóm nhỏ, thường được sắp xếp theo một hệ thống nhất định trên sườn núi cao và nơi gần nguồn nước. Vì vậy, từ xa chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy thấp thoáng vài ba ngôi nhà sàn bình dị, cũ kỹ nằm nép mình bên những sườn đồi xanh ngút ngàn, giữa rất nhiều ngôi nhà mái bằng đủ sắc màu, mái đỏ nằm chen chúc nhau bên dưới. Tất cả tạo nên một bức tranh phong cảnh thú vị và có phần nên thơ. Giữa bức tranh ấy, những nếp nhà sàn tồn tại như một minh chứng rõ nét về sức sống lâu bền văn hoá của người Sán Chỉ.
May mắn cho chúng tôi là hôm ấy, người đóng vai trò chủ nhà đón khách kiêm hướng dẫn viên cho đoàn là ông Lỷ A Sáng (Lý Minh Sáng, SN 1950), người không chỉ là nghệ nhân ưu tú ở loại hình hát, múa cầu mùa, mà còn là một trong những “cây đa, cây đề” của người Sán Chỉ vùng này. Dáng người dong dỏng cao, nước da hồng tươi, đôi mắt sáng, trông ông vẫn còn khoẻ lắm. Ông nói sang sảng về người Sán Chỉ, văn hoá Sán Chỉ và nhà người Sán Chỉ; còn tôi thì mải mê nghe - hỏi. Có lẽ vì thế mà chúng tôi, những người cách nhau đến vài thế hệ nhanh chóng trở nên gần gũi, nói chuyện rất hợp “gu”. Chỉ về phía những mái nhà đen trước mặt, ông bảo: “Nhà sàn là loại hình kiến trúc văn hoá độc đáo và phổ biến của người dân vùng cao. Qua bao đời truyền lại, ngôi nhà sàn vẫn là người bạn gắn bó thân thiết với nhiều cộng đồng dân tộc như Tày, Nùng, Dao… Tuy cùng chung một nguồn gốc ra đời, nhưng mỗi dân tộc lại có những sáng tạo riêng trong kiến trúc ngôi nhà sàn của mình, phù hợp với nét phong tục tập quán của từng dân tộc. Nhà sàn của người Sán Chỉ ở đây có hai loại nhà 4 mái, 2 mái, nhưng 2 mái vững chãi là kiểu nhà ở đặc trưng. Nhà thường được làm bằng gạch đất, lợp ngói âm dương. Mỗi ngôi nhà là một không gian văn hoá rất đặc biệt. Và những nét đẹp của người Sán Chỉ được lưu giữ dưới những nếp nhà sàn này”.
Đi cùng Nghệ nhân Ưu tú Lỷ A Sáng, chúng tôi đến thăm ngôi nhà sàn của gia đình bà Nình Móc Mầu ở thôn Khe Lục, ngôi nhà lâu đời và lưu giữ được những nét nguyên bản nhất của nhà sàn người Sán Chỉ ở Đại Dực. Ngôi nhà nằm tách biệt trên một sườn đồi cao, cách đường bê tông một quãng xa. Để lên được ngôi nhà này, chúng tôi gửi xe máy một nhà dân ở phía dưới, rồi men theo con đường mòn leo bộ lên đỉnh đồi. Qua 15 phút đi bộ đường đồi dốc quanh co, chúng tôi đến được nhà bà Móc Mầu. Bước vào không gian tĩnh lặng và cảnh vật vừa độc đáo vừa mộc mạc ở nơi này, bao mệt mỏi của chúng tôi dường như tan biến. Lối vào nhà và tường rào nhỏ xinh được tạo thành bằng nhiều lớp đá cuội chồng lên nhau, nay đã phủ đầy rêu xanh, cũ kỹ. Ngôi nhà sàn 5 gian, 2 mái có màu vàng nhạt được làm từ gạch đất, mái ngói âm dương. Giữa sân, chủ nhà đang bửa củi nhóm bếp cho bữa tối. Nhanh tay bửa xong đống củi, bà Móc Mầu mời chúng tôi vào nhà uống nước. Trò chuyện với khách bên bếp lửa đỏ rực, giọng bà đều đều. Theo lời bà, ngôi nhà này được ông bà xây dựng từ lúc vừa lấy nhau, có tuổi thọ khoảng 40 năm. Nhà chủ yếu được làm từ gỗ, bao gồm từ khung cột, vách ngăn, kèo cho đến sàn nhà. Sàn nhà cao hơn mặt đất chừng hơn mét rưỡi, vừa đủ để người chui vào. Gầm sàn được chống đỡ nhờ cột trụ bằng gỗ tốt. Gầm trước thường được dùng để nhốt trâu, bò, lợn, gà nhưng về sau này, gầm chỉ giúp thông thoáng và để chứa đựng những dụng cụ phục vụ canh tác, đời sống thường nhật nên người Sán Chỉ dùng đá suối xây bao quanh che kín khu vực gầm sàn. Gian chính giữa dùng để tiếp khách và ngăn thành nhiều phòng ngủ. Tiếp sau các phòng ngủ, bếp được đặt ở vị trí trung tâm của nhà; phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và những đồ dùng được làm bằng tre nứa. Ngoài khu nhà chính, ngôi nhà của gia đình bà Nình Móc Mầu còn có hai chái nhà không làm sàn; một chái là nơi để cối xay thóc, giã gạo; một chái đựng chum hứng nước chảy từ khe về.
“Để làm được ngôi nhà này, hai vợ chồng chúng tôi phải lên rừng kiếm gỗ rồi nhờ anh em trong bản gánh về. Gạch đất để xây tường nhà thì lấy bùn đất trộn với rơm rồi cho trâu giẫm xong mang ra đóng gạch. Một ngôi nhà như thế này phải làm mất 2-3 tháng mới xong. Trước đây, ở vùng này người dân chủ yếu sống trong nhà sàn. Hết đời này đến đời khác đều được sinh ra, lớn lên và cùng chung sống trong những ngôi nhà như thế này. Vì vậy, bao nhiêu năm nay, gia đình tôi vẫn sống ở nhà sàn này” - Bà Nình Móc Mầu tâm sự.
Đối với người Sán Chỉ, bếp là nơi rất quan trọng, không chỉ để nấu nướng, sưởi ấm, mà còn là nơi ở và sinh hoạt của các cô con dâu... |
Nhà sàn đang dần mai một
Đối với những người như bà Móc Mầu, nhà sàn không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đại diện cho một cộng đồng dân tộc. Nơi mà ở đó họ sống có quy tắc, có không gian riêng, mỗi không gian lại gắn liền với một văn hoá ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, những ngôi nhà sàn như của gia đình bà và những người có suy nghĩ như bà Nình Móc Mầu cũng chẳng còn là bao. Trong thời đại đời sống kinh tế - xã hội phát triển ngày một nhanh như hiện nay, những giá trị vô giá ấy đang dần mất đi để nhường chỗ cho các ngôi nhà mái ngói, mái bằng hiện đại. Xã Đại Dực có hơn 300 hộ dân là người Sán Chỉ, song theo số liệu thống kê của UBND xã, hiện cả xã chỉ còn lại 8 ngôi nhà sàn; những ngôi nhà còn lại đã bị phá dỡ và xây mới lại thành nhà ngói.
Rời ngôi nhà sàn bình dị của bà Móc Mầu, đi ngược về phía trung tâm xã chừng 2km, ông Sáng dẫn chúng tôi đến nhà ông Sằn A Vùng ở Khe Léng. Được biết, mới năm ngoái, gia đình A Vùng phá ngôi nhà sàn có từ hàng chục năm nay để xây ngôi nhà mái bằng hiện tại. Biết có khách đến, vợ chồng người con trai lớn liền mời chúng tôi vào nhà. Uống xong chén nước, người con trai chia sẻ: “Mấy thế hệ trong gia đình chúng tôi đều sinh sống tại nhà sàn. Nhà sàn lâu năm quá, bị mục nát nhiều nơi nên gia đình tôi phải xây lại. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, trong khi làm lại nhà sàn thì tốn kém, nên gia đình tôi mới xây ngôi nhà mái bằng này, chứ thực sự gia đình vẫn muốn ở nhà sàn hơn”.
Cách đó không xa, ngôi nhà sàn của gia đình bà Chìu Móc Mùi cũng đã bị phá bỏ một nửa. Một nửa còn lại được gia đình xây mới thành ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ. Ngồi trên bậc thang lên nhà sàn, bà Mùi buồn rầu cho biết: Cuối năm 2014, gia đình bà được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà theo diện gia đình người có công với cách mạng. Gia đình bà vay mượn thêm để xây ngôi nhà mái bằng nhỏ cho con cháu sinh sống. Vì lưu luyến ngôi nhà sàn đã gắn bó với gia đình từ lâu, gia đình bà quyết định giữ lại một phần của ngôi nhà để sử dụng. Dẫn chúng tôi tham quan không gian bếp còn được giữ lại của ngôi nhà sàn, bà Mùi tâm sự: “Đối với người Sán Chỉ, bếp là nơi rất quan trọng, chứa đựng nhiều điều ý nghĩa của dân tộc. Bếp lửa không chỉ là nơi để nấu nướng, mà còn là nơi sưởi ấm trong những ngày giá lạnh. Theo văn hoá của người Sán Chỉ chúng tôi, bếp còn là nơi ở và sinh hoạt của các cô con dâu trong gia đình. Nhà có bao nhiêu người con dâu thì sẽ ngăn thành chừng ấy buồng ở bếp”. Đang trò chuyện, chợt đứa cháu địu trên lưng bà Mùi oà khóc. Có lẽ ngôi nhà sàn này đã sinh ra biết bao thế hệ ở trong gia đình, nhìn đứa bé chúng tôi chợt nghĩ, liệu mai này những đứa trẻ kia lớn lên, chúng có còn nhìn thấy những ngôi nhà của dân tộc mình nữa hay không? Những phép tắc, lễ nghi trong không gian sống có còn giữ được nguyên vẹn?
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Chìu Móc Mùi (thôn Khe Léng, xã Đại Dực) bị phá một nửa để xây nhà mái bằng. |
Thay lời kết
Chia tay gia đình bà Mùi khi trời đã xế chiều, ngoái đầu nhìn lại phía sau vẫn thấy nửa mái nhà sàn lợp ngói âm dương đen kịt nằm trơ trọi giữa bốn bề nhà mái bằng kiên cố. Những giọt nước dẫn từ khe đá về chum vẫn chảy róc rách, hoà lẫn giọng ru con cứ xa dần trong tâm trí chúng tôi…
Về dưới xuôi, đem câu chuyện những ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ chia sẻ với lãnh đạo huyện Tiên Yên, ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Trong định hướng chung của huyện, Tiên Yên xác định lấy bản sắc văn hoá vùng miền của các dân tộc là trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì thế, lâu nay huyện đặc biệt quan tâm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc. Đối với nhà sàn của người Sán Chỉ, huyện chủ trương bảo tồn và giữ gìn những nét văn hoá độc đáo này gắn với phát triển các tour, tuyến du lịch sinh thái và trải nghiệm theo hình thức homestay. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư bảo tồn và sửa chữa nhà sàn rất lớn, trong khi đó các doanh nghiệp chưa mặn mà, nguồn ngân sách địa phương lại hạn hẹp. Vì vậy, để bảo tồn được những ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ cần một kế hoạch dài hơi; trong đó, muốn thành công phải có sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và cả nhân dân”.
Hoàng Anh
Liên kết website
Ý kiến ()