4
18
/
831522
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, vững mạnh
longform
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, vững mạnh

 

55 năm trước, ngày 30-10-1963, Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 7 đã ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Từ một tỉnh miền núi ven biển nhiều khó khăn, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong ba cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, Báo Quảng Ninh trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. 

Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là cửa ngõ hội nhập với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là điểm nút trong khu vực hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt-Trung và kết nối với khu vực ASEAN. Từ một tỉnh nghèo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh đã nỗ lực vươn lên là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; ghi sâu và thực hiện lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm, với “mong muốn Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.

Thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho Quảng Ninh những tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng có: Là tỉnh có đường biên giới trên bộ, trên biển, trên không với Trung Quốc; Có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long, có danh thắng Yên Tử, nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam và trên 500 di tích lịch sử, danh thắng được xếp hạng; Có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, gắn liền với nền công nghiệp khai khoáng; Nơi phát triển sớm phong trào vô sản hoá, dẫn đến sự ra đời Đảng bộ, đặc khu mỏ vào tháng 10-1930; Nơi hình thành ngành công nghiệp than đầu tiên và cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; Xã hội con người Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng.

Nhìn lại chặng đường trước đổi mới với vô vàn những khó khăn, chúng ta thấy rõ hơn đổi mới là đòi hỏi hết sức bức thiết từ chính thực tiễn địa bàn, vừa là quyết sách đúng đắn của Đảng, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại trên toàn miền Bắc đến trước đổi mới (giai đoạn 1955 - 1985), nhất là từ khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 30-10-1963 đến nay, đặc biệt từ sau Đại hội XI của Đảng, cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn chủ động khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên, đã phát hiện, nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng, lợi thế cùng với thách thức, khó khăn phải giải quyết và mâu thuẫn nội tại của sự phát triển để đề ra các mục tiêu, định hướng trong từng giai đoạn. 

Kế thừa những thành tựu đạt được sau hơn 30 năm đổi mới; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”; đi sâu đổi mới, quyết tâm tìm tòi, tạo ra động lực phát triển mới.

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh đã triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng một cách sáng tạo, trở thành điểm sáng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đột phá về mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ; thực hiện nhất thể hóa chức danh và hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy Đảng và chính quyền, đóng góp tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn để Trung ương tổng kết, lan tỏa trong cả nước. Hiệu quả của việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tại Quảng Ninh đem lại sự cải thiện rõ rệt hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở… Từ đây nguồn lực con người được khơi thông và được khẳng định qua chính kết quả phát triển kinh tế - xã hội ngày càng toàn diện.

Nền kinh tế được định hướng giảm dần việc dựa vào tài nguyên không tái tạo như than, khoáng sản, đất và tăng dần các yếu tố bền vững như dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, cảnh quan, văn hóa...; lấy du lịch, dịch vụ làm trung tâm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến nay, khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 51,2%, Dịch vụ chiếm 42,9%; Thu ngân sách từ khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng thu nội địa (năm 2017 là 16,3%). Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng các quy hoạch chiến lược (về phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ…) với sự phối hợp tư vấn của các tập đoàn hàng đầu thế giới, định hình khuôn khổ phát triển thống nhất, toàn diện và bền vững, gắn trực tiếp với công tác xúc tiến đầu tư.

  Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh nhằm phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt các đột phá chiến lược.

Huy động mọi nguồn lực tập trung tạo đột phá về hạ tầng. Từ các giải pháp thu ngân sách bền vững, đổi mới hệ thống chính trị và tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi thường xuyên, hàng năm, tỉnh dành tối thiểu 55% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển (năm 2017 là 63,5%, mức chi đầu tư phát triển cao nhất cả nước). Đồng thời, tạo đột phá giải quyết nút thắt về hạ tầng thông qua hợp tác công - tư (PPP), vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ chủ yếu về giải phóng mặt bằng và cứ với 1 đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh thu hút được trên 8 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, Quảng Ninh được đánh giá là hình mẫu trong huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông của cả nước, chỉ trong 2,5 năm (2015 - 2018), hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%. Tỉnh có gần 200 km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc trong toàn quốc), cảng hàng không quốc tế đầu tiên trong cả nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Hạ tầng du lịch, dịch vụ phát triển ngày càng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, khác biệt như công viên SunWorld Hạ Long, khách sạn Vinpearl Hạ Long, khu nghỉ dưỡng và sân golf FLC, điểm dừng nghỉ Quảng Ninh gate, cảng tàu khách quốc tế... Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, nhiều khu đô thị mới được xây dựng khang trang trên khắp địa bàn tỉnh, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề… mở ra thêm nhiều trải nghiệm cho nhân dân và du khách.

Các công trình dịch vụ công như hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, trụ sở các cơ quan,… được đầu tư theo hướng hợp tác công - tư, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công phục vụ người dân.

Đột phá về cải cách hành chính được đẩy mạnh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân. Với tư duy mới, Quảng Ninh đã tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước với các mô hình mới như: Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã hoạt động hiệu quả, trở thành trung tâm của nền hành chính phục vụ; Ban Hỗ trợ Xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh trở thành đầu mối giao dịch duy nhất giữa chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp.

Đột phá về nguồn nhân lực được chú trọng thông qua Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020”. Hằng năm, tỉnh dành khoảng 100 tỷ cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cả trong và ngoài nước. Quan tâm đào tạo đội ngũ tham mưu trực tiếp, cán bộ cơ sở, nâng cao chất lượng cả về trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm công việc. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh không ngừng được nâng lên, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%. Trường Đại học Hạ Long được tỉnh đầu tư xây dựng, tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn như du lịch, văn hóa, nuôi trồng thủy sản... cùng với chính sách thu hút giảng viên chất lượng cao riêng có. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong toàn quốc thực hiện bổ nhiệm thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở.

Với những nguồn lực mới, từ một vùng mỏ bị thực dân Pháp khai thác kiệt quệ, thời kỳ đầu đổi mới còn phụ thuộc vào ngân sách trung ương, đến nay Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh, tỉnh duy nhất cả nước có 4 thành phố, tốc độ tăng trưởng GRDP những năm gần đây hơn 10%/năm, luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu về mức nộp ngân sách nhà nước. Năm 2017, Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính. Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã và đang mở rộng đầu tư phát triển các dự án trên địa bàn. Nông nghiệp khởi sắc với nhiều cách làm mới, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) mang đặc trưng của Quảng Ninh được nâng tầm, nhân rộng ở phạm vi cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 1,95%, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng nâng cao. An ninh trên tuyến biên giới, biển đảo, tình hình nội bộ nhân dân cơ bản ổn định; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng.

Diện mạo Quảng Ninh đổi thay từng tháng, từng ngày, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi, biên giới đến hải đảo. Sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh ta đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá rất cao; nhiều địa phương bạn học hỏi kinh nghiệm. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng cao rõ rệt, từ 52% (năm 2014) lên 85,1% (năm 2018).

Chúng ta phấn khởi tự hào trước những sự kiện, con số ấn tượng: Quảng Ninh lần đầu đón du khách thứ 10 triệu; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình động lực như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, nhất là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dự kiến bắt đầu khai thác từ cuối năm 2018; tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công, triển khai thủ tục đầu tư Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục... sẽ mở ra những cơ hội giao thương, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ cho tất cả các địa phương trên địa bàn, ghi dấu ấn quan trọng trong chặng đường 55 năm xây dựng và trưởng thành của tỉnh; là nền tảng quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới, phát triển của Quảng Ninh.

Bước vào thời kỳ phát triển mới, cùng với những thuận lợi, thời cơ, Quảng Ninh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh với khát vọng vươn lên, cần tiếp tục đồng lòng đưa Quảng Ninh phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên con đường đó, chúng ta xác định phát triển dựa vào tiềm năng, lợi thế, kiên trì với quan điểm dựa vào nội lực chủ yếu; nhanh chóng nắm bắt thời cơ, phát triển nhanh, bền vững nhưng không phải bằng mọi giá, tập trung vào một số nhóm giải pháp quan trọng sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt đồng bộ và xuyên suốt quan điểm “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Trong đó, cần vận hành tốt những mô hình mới, tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm, nhất là các mô hình nhất thể hóa chức danh, hợp nhất cơ quan để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sớm đưa các chủ trương, chính sách vào đời sống. Tiếp tục sắp xếp, tinh giản tổ chức, bộ máy đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu, tạo sự thống nhất, sức lan tỏa trong nhận thức, quyết tâm hành động. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh toàn dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thứ hai, tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại để tạo thêm động lực phát triển nhanh, bền vững. Sớm hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để khớp nối với các công trình giao thông lớn đã hoàn thành, đưa Quảng Ninh trở thành trục kết nối giao thông chính của Asean và Trung Quốc, tạo đột phá về du lịch và dịch vụ vận tải, logistic. Hoàn thiện thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, kết nối chuỗi du lịch của thành phố Hạ Long. Đẩy mạnh khai thác lợi thế cảng biển nước sâu tại Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, cảng Nam Tiền Phong, nghiên cứu cảng Hòn Nét - Con Ong. Báo cáo Trung ương để tiếp tục dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân một cách hiệu quả. Thúc đẩy tiến độ hạ tầng các khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà, Sông Khoai, trong đó, xây dựng cảng biển Hải Hà và cảng Tiền Phong… Tiếp tục thu hút phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch, xây dựng các đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Xây dựng khu công viên công nghệ thông tin, hướng tới phát triển khu đô thị công nghiệp cao, đồng thời tích cực triển khai Đề án mô hình thành phố thông minh, trước mắt tập trung xây dựng thành phố Hạ Long trở thành đô thị thông minh, đạt các tiêu chuẩn quốc tế gắn với môi trường sống xanh.

Thứ ba, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế của từng địa phương để phát triển dịch vụ trở thành khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu. Đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ hiện đại, vươn tầm quốc tế để hình thành các trung tâm du lịch lớn tại Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều và Móng Cái; tiếp tục nhân lên những giá trị cảnh quan, thương hiệu quốc tế Vịnh Hạ Long và quảng bá cảnh quan vịnh Bái Tử Long. Trong đó, điều chỉnh chiến lược phát triển Khu kinh tế Vân Đồn theo hướng không chờ đợi cơ chế, chính sách của Trung ương; tập trung thu hút các nhà đầu tư đẳng cấp, xây dựng Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ phức hợp cao cấp có casino với những ngành nghề mới, công nghệ mới, một vùng động lực phát triển của tỉnh. Đối với Cô Tô, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (Móng Cái) sẽ đầu tư một trong những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp sang trọng bậc nhất với sân bay hạng nhẹ, cảng tàu… phục vụ phân khúc khách du lịch cao cấp. Phát triển chuỗi du lịch tâm linh nhà Trần ở Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên. Thúc đẩy hoạt động kinh tế cửa khẩu biên giới, báo cáo Trung ương về triển khai thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng.

Thứ tư, phát triển bền vững các nguồn thu ngân sách thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả của doanh nghiệp, tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục đẩy mạnh đối tác công - tư trên cơ sở vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy luật của kinh tế thị trường với nguyên tắc: Nhà nước đảm bảo vai trò điều tiết chăm lo cho đối tượng chính sách, đầu tư cho khu vực khó khăn và mở rộng thu hút nguồn lực xã hội hóa đối với những lĩnh vực nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn. Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, đón đầu xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi đầu xây dựng thành phố thông minh tạo thuận lợi nhất phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và du khách. Tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác xã phát triển.

Thứ năm, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, phát huy hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP gắn với các hoạt động du lịch, dịch vụ, văn hóa. Tập trung mạnh nguồn lực, đẩy nhanh Chương trình 135, Đề án 196, đảm bảo đến năm 2020 đưa các xã, thôn bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, giảm nghèo bền vững. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ trợ cấp, ỷ lại vào tài nguyên thiên nhiên, mỗi người dân phải thực sự là chủ thể, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình; hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức giữ vệ sinh môi trường và bảo vệ các nguồn lợi tự nhiên. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Mở rộng xã hội hóa và các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tiên phong phát triển giáo dục thông minh. Xây dựng Trường Đại học Hạ Long mang tầm khu vực đối với một số lĩnh vực thế mạnh. Triển khai thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, đưa văn hóa, con người phát triển đạt đến những chuẩn mực tương xứng với vị thế năng động, tiên phong của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành “nơi cần đến và nơi đáng sống” theo tinh thần Nghị quyết 11 của tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển liên vùng nhằm khai thác tốt nhất thế mạnh của địa phương và mở rộng khai thác các nguồn lực. Giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng hoạt động hợp tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân biên giới.

Những năm trước mắt, thực hiện các nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Quảng Ninh sẽ tận dụng thuận lợi, nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, phấn đấu góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Nhìn lại quá trình trưởng thành và phát triển 55 năm, những thành quả đã minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, tinh thần dám nghĩ, dám làm của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh cũng hết sức trân trọng sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước, công lao đóng góp của các thế hệ đi trước. Trên chặng đường phía trước, đồng bào các dân tộc Quảng Ninh dù ở bất cứ đâu vẫn tiếp tục giữ vững niềm tin, nhiệt huyết, xứng đáng với truyền thống Đất Mỏ anh hùng, chung tay quyết tâm xây dựng, khẳng định vị thế mới về một Quảng Ninh năng động, sáng tạo với vai trò động lực, dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước, tạo dựng vị trí vững chắc về một trung tâm du lịch, dịch vụ trên bản đồ quốc tế.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu