4
18
/
830430
Phát huy vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngành Than: Xây dựng ngành Than trở thành tập đoàn kinh tế mạnh
longform
Phát huy vai trò tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngành Than: Xây dựng ngành Than trở thành tập đoàn kinh tế mạnh

 

 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh: Mục tiêu của TKV là trở thành tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân từ 4-6%; năng suất lao động tăng bình quân 8%; thu nhập bình quân người lao động tăng 6%/năm.

 

Xác định muốn phát triển bền vững trong thời đại 4.0 phải đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ hóa, thông minh hóa các dây chuyền sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ cũng như tăng cường chất xám cho các sản phẩm... TKV đã không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa. Kết quả đến nay, TKV đã áp dụng cơ giới hóa vào vận hành tại hầu hết các mỏ than, như: Đầu tư lò chợ cơ giới hóa công suất 600.000 tấn/năm tại các công ty than: Hà Lầm, Dương Huy, Khe Chàm; cơ giới hóa khai thác than vỉa dốc bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH kết hợp máy bào và giàn mềm ZRY tại các công ty: Mạo Khê, Uông Bí, Hồng Thái...

Nhờ đó, sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa toàn Tập đoàn từ năm 2016 đã đạt trên 1,42 triệu tấn, chiếm 7% sản lượng khai thác hầm lò. Mức sản lượng này đã vượt xa các năm trước đây, gần gấp 2 lần mức sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa năm 2015 (năm 2015 đạt 720.000 tấn). Năng suất lao động tính theo sản lượng than tiêu thụ quy đổi đối với sản xuất than năm 2017 đạt 549 tấn/người/năm, tăng 6% so với thực hiện năm 2016. So với năm 2015 năng suất lao động đã tăng 12%; bình quân tăng 6%/năm cao hơn mức tăng năng suất lao động.

 

Bên cạnh đầu tư cơ giới hóa, TKV cũng hiện đại hóa dần các khâu phụ trợ như đầu tư các tuyến băng tải vận chuyển than, đầu tư công nghệ mới trong sàng tuyển, bốc xúc đất đá, chế tạo thiết bị…

Trong khâu sàng tuyển và chế biến than, TKV đang áp dụng công nghệ mới, tự động hóa tối đa các công đoạn để giảm ô nhiễm môi trường, giảm khâu lao động thủ công cho thợ mỏ... Việc vận chuyển cũng được băng tải hóa bằng các hệ thống băng tải hiện đại, khép kín, đồng bộ từ mỏ ra cảng tiêu thụ. Cụ thể năm 2016, tại Cẩm Phả, TKV đã khánh thành hệ thống băng tải than Lép Mỹ - Cảng Km6 dài hơn 4,5km, công suất 720 tấn/giờ, chấm dứt vận chuyển than bằng ô tô. Năm 2017, tại Uông Bí, hệ thống băng tải vận chuyển than Khe Ngát - cảng Điền Công có tổng mức đầu tư hơn 1.291 tỷ đồng, công suất vận chuyển 6 triệu tấn than/năm, dài gần 8km, đi vào hoạt động đã làm tăng năng suất vận tải và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, vận chuyển than tại khu vực này. Năm 2017, tự động hóa băng tải giếng chính Mạo Khê (giảm được 70% nhân lực vận hành).

Có thể khẳng định các giải pháp chiến lược này là những viên gạch đặt nền móng quan trọng để xây dựng ngành than trở thành ngành kinh tế vững mạnh, đi đầu của đất nước.

 

 

Một trong những nhiệm vụ chiến lược mà TKV xây dựng nhằm đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh đó là: Tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn với tiêu chí “Mỏ sạch, mỏ an toàn, mỏ hiện đại, mỏ ít người”; phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20%, tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5%, mức tăng năng suất lao động 3-4%/năm; liên thông các mỏ lộ thiên, hầm lò thành các mỏ có công suất lớn mỏ lộ thiên công suất 3 triệu tấn, hầm lò 2 triệu tấn.

Điển hình là các dự án: Đầu tư khai thác phần lò giếng mỏ than Khe Tam (Công ty Than Dương Huy); khai thác hầm lò phần mở rộng mỏ Suối Lại (giai đoạn I); đầu tư khai thác phần dưới -50 Công ty Than Hà Lầm; khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức -35 khu Lộ Trí (Công ty Than Thống Nhất - TKV)...

 

Ngoài ra, TKV chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công, như: Dự án đầu tư khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV; đầu tư khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức -150 Công ty Than Mạo Khê; đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo; đầu tư Nhà máy sàng - tuyển than Khe Chàm...

Theo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, sẽ đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án mỏ (Cẩm Phả 4 dự án, Hòn Gai 4 dự án, Uông Bí 1 dự án); đầu tư xây mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả 17 dự án, Hòn Gai 7 dự án, Uông Bí 17 dự án). Bên cạnh đó, đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương. Với bể than sông Hồng, giai đoạn 2021-2030, đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ...

Để phát triển hài hòa giữa các lợi ích, TKV luôn xác định sản xuất gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Theo đó, ngành Than đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường như hiện đại hóa các cảng xuất than, đầu tư các tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra các cảng, cải tạo phục hồi bãi thải. Những giải pháp đồng bộ trên đã thể hiện rõ sự quyết tâm của TKV trong việc đồng hành với tỉnh thực hiện mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với môi trường bền vững.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV khẳng định: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TKV, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đặc biệt phát huy tốt truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” để giữ vững tay lái vượt qua mọi sóng gió. TKV đã và đang khẳng định là một trong 3 trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, bảo đảm nguyên liệu hoạt động cho ngành điện và nhiều ngành kinh tế khác.

Bài, ảnh: Đặng Nhung - Phạm Tăng

Trình bày: Tất Đạt

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu