Quảng Ninh có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, các địa phương miền Tây gồm Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều là nơi sở hữu nhiều di sản văn hóa và đã phát huy lợi thế này, tạo nên những điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách mỗi năm.
Đặc biệt, chuỗi các khu di tích, danh thắng tiêu biểu: Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX Quảng Yên), Di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều), quần thể di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) từ lâu đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh với nhiều sản phẩm hút khách.
Chùa, am Ngọa Vân. |
Các di sản cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị để đầu tư, tôn tạo cũng như khôi phục lại. Bởi lẽ, trải qua mưa nắng thời gian và những biến động lịch sử khác nhau, nhiều di tích chỉ còn là phế tích, hoặc là xuống cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể bị mai một, lãng quên… Nhờ sự chung tay đầu tư, chỉ trong khoảng chục năm trở lại đây, diện mạo các di tích đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở lại đời sống cộng đồng với đầy đủ sự sống động, rực rỡ màu sắc như vốn có.
Chỉ tính riêng với các di sản vật thể, thì với những khu di tích lớn, ở vùng đất nơi cửa ngõ phía Tây của tỉnh, có thể kể đến sự “hồi sinh” của quần thể khu di sản nhà Trần, từ hệ thống phế tích dưới lòng đất, chìm trong hoang sơ cỏ dại.
Trong đó, Đông Triều đã ghi dấu ấn rất rõ trong phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, khẳng định "thương hiệu" vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê gốc của nhà Trần, một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Những năm qua, TX.Đông Triều đã dành nguồn ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phối hợp với các cấp, ngành và đặc biệt tăng cường công tác huy động xã hội hóa đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, kết nối, tu bổ, tôn tạo các di tích, góp phần phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn.
Điển hình là quần thể am – chùa Ngọa Vân gắn với nơi tu hành và hóa phật của vua Trần Nhân Tông giờ đây đã cơ bản được tôn tạo khang trang. Cùng với đó là việc tôn tạo Thái miếu – nơi thờ của hoàng tộc nhà Trần, chùa Trung Tiết – ngôi chùa gắn với tấm lòng trung trinh, tiết nghĩa của hai vị quan nhà Trần xưa, chùa Quỳnh Lâm – chốn tổ linh thiêng của phật giáo Trúc Lâm và nhiều lăng mộ của các vua Trần nơi đây…
Cũng giống như Đông Triều, TP Uông Bí thừa hưởng giá trị nơi phát tích của thiền phái Trúc lâm Yên Tử, đất tổ của Phật giáo Việt Nam, đang được tỉnh Quảng Ninh đề xuất UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Công trình văn hóa cổ được khai thác tái mở rộng phục vụ lợi ích dân sinh.
Cùng với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Yên Tử, thành phố Uông Bí còn có 29 di tích, danh thắng, trong đó 6 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh và 23 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Một số di tích lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh của người dân trong nước và quốc tế như: Chùa Ba Vàng, ngôi chùa có tòa chính điện (Đại Hùng Bảo Điện) trên núi lớn nhất Đông Dương với diện tích khoảng 4.000m2; đền Hang Son ở dãy núi đá vôi Chu Cốc, thuộc phường Phương Nam, chính thần thờ Bát hải Đại vương, tam giáo đồng nguyên có kết hợp với chùa thì gọi chung là chùa Hang Son; Chùa Phổ Am, trên núi Duật Vân thuộc phường Bắc Sơn; đình - chùa Lạc Thanh ở phường Yên Thanh, đền thờ Bạch Thái Bưởi, doanh nhân tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam…
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử (trái) và chùa Ba Vàng (phải).
Nói đến Quảng Yên là nói đến vùng đất của lễ hội, di tích và nét đẹp văn hóa làng nghề. Nơi đây có hơn 200 di tích lịch sử văn hoá và nhiều lễ hội, trong đó có 3 lễ hội lớn được tổ chức hàng năm, là: Lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Tiên Công, lễ hội Xuống đồng. Không chỉ là vùng đất gắn với các di tích lịch sử văn hoá, Quảng Yên còn được biết đến với nghề thủ công đan ngư cụ truyền thống, tập trung tại vùng quê Hưng Học, Nam Hoà... chắc chắn sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo, mới lạ.
Trong số 200 di tích lịch sử văn hóa của TX Quảng Yên phải kể đến Khu di tích Bạch Đằng gồm 9 điểm di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt; 41 di tích được hạng cấp quốc gia; 12 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hàng trăm lễ hội nổi tiếng, trong đó phải kể đến Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội Xuống Đồng, Lễ hội Cầu Ngư… Cư dân Quảng Yên hiện còn bảo lưu khá nguyên vẹn các phong tục tập quán trong lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt vùng đồng bằng Sông Hồng. Với những thế mạnh đó, Quảng Yên có nhiều điều kiện để khai thác nguồn lợi du lịch từ các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề và lễ hội.
Nhận thức rõ phát triển dịch vụ, du lịch là một trong những hướng đi đúng đắn để phát triển KT-XH địa phương, TX Quảng Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện hát triển du lịch; triển khai tốt công tác tuyên truyền, quảng bá; phối hợp, liên kết với các công ty du lịch, lữ hành tổ chức đón khách tàu biển quốc tế cũng như khảo sát, xây dựng các tuyến điểm du lịch trên địa bàn. Trong đó, UBND thị xã đã phối hợp với Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty du lịch Tân Hồng, Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương, Công ty du lịch Nam Phong… lựa chọn các điểm tham quan tiêu biểu của thị xã, hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ đón khách du lịch, đặc biệt là ở 3 tuyến và 11 điểm du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đưa 2 sản phẩm “Làng quê Quảng Yên” và “Dấu ấn Bạch Đằng Giang” vào khai thác phục vụ du lịch tàu biển quốc tế.
Lễ hội đua thuyền chài trên sông Bạch Đằng. |
Ý kiến ()