Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:12 (GMT +7)
Phát triển thủy sản hướng về phía biển
Thứ 7, 13/04/2024 | 11:09:27 [GMT +7] A A
Để bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thủy sản minh bạch - trách nhiệm - bền vững, có kiểm soát, được quản lý theo khuyến nghị của quốc tế, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển NTTS trên biển.
Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế đặc biệt lớn để phát triển NTTS trên biển. Với hơn 6.100km2 mặt biển, 250km bờ biển chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên, có vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và hơn 2.000 hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo của cả nước, trên 40.000ha bãi triều, hơn 20.000ha eo biển và vịnh kín, Quảng Ninh mang trong mình khát vọng trở thành trung tâm nuôi biển lớn nhất miền Bắc.
Trong những năm qua, ngành thủy sản luôn có vị trí vai trò quan trọng và đóng góp trên 55% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Thực hiện chiến lược biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, tỉnh đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm tạo nền tảng vững chắc để từng bước thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Nhờ đó, trong 10 năm (2013-2023), diện tích NTTS của tỉnh đã tăng 1,5 lần (từ 21.425ha lên 32.092ha); tổng sản lượng thủy sản tăng 1,96 lần (từ 88.984 tấn lên 175.324 tấn). Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú đạt 7.500ha, chiếm 10% diện tích nuôi tôm cả nước; nhuyễn thể 9.500ha; cá biển 2.208ha; thủy sản nước ngọt 2.501ha, giảm 790ha. Toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp và HTX nuôi trồng thủy sản; trên 10.300 cơ sở NTTS, trong đó có 2.850 cơ sở nuôi biển. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong nuôi biển, góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên.
Để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả NTTS, tỉnh hiện có 16 cơ sở sản xuất con giống và hơn 20 cơ sở ương dưỡng theo quy mô hộ gia đình, hằng năm sản xuất, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 3 tỷ con giống, tăng 1,9 tỷ con so với năm 2013. Ngoài ra còn có 3 khu bảo tồn biển, diện tích gần 500km2 và 15 khu bảo vệ nguồn lợi 10 loài thủy sản đặc hữu, diện tích trên 4.000ha.
Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được tỉnh tổ chức thường xuyên. Trung bình mỗi năm tỉnh thả trên 7 triệu con giống thủy sản các loại ra các thủy vực tự nhiên để khôi phục nguồn lợi, kết hợp giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong nhân dân.
Thực hiện chủ trương “giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng”, ngăn ngừa khai thác IUU, tỉnh đã cơ cấu lại nghề khai thác và đội tàu. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.556 tàu khai thác thủy sản. 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi đều đã thực hiện đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Mặc dù số lượng tàu cá giảm mạnh so với năm 2013 (4.865 tàu), song nhờ ứng dụng KHCN khai thác xa bờ nên sản lượng khai thác vẫn tăng từ 55.434 tấn (năm 2013) lên 81.609 tấn (năm 2023).
Với mục tiêu đến năm 2030, thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng KHCN để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm, đưa thủy sản trở thành ngành mũi nhọn gắn với thế mạnh kinh tế biển của tỉnh, Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các quy hoạch quan trọng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức quản lý NTTS, chế biến, dịch vụ hậu cần thuỷ sản theo số hóa các vùng, khu vực nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần thuỷ sản theo quy hoạch.
Tỉnh cũng sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao NTTS tại Đầm Hà nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển ngành thủy sản; bố trí sắp xếp khu vực biển để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp, hiện đại với diện tích khoảng 9.360ha, chiếm 20,7% tổng diện tích quy hoạch nuôi biển.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()