Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:07 (GMT +7)
Phòng chống tham nhũng: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Thứ 4, 14/07/2021 | 08:35:48 [GMT +7] A A
Với chủ trương chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là biện pháp hàng đầu, đi đôi với phát hiện, xử lý tham nhũng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền của Quảng Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp. Qua đó đã thu được những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tham nhũng, tỉnh xác định phải biến quyết tâm chính trị thành hành động của mỗi CBCCVC. Trong đó, nêu cao vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN.
Công tác quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được tỉnh quan tâm. Các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong đấu tranh PCTN gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… UBND tỉnh cũng tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN và hướng dẫn kê khai tài sản, thu thập tới 13 địa phương trong tỉnh. Đồng thời, mở rộng thêm đối tượng kê khai tài sản đến các cơ quan trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, như: Công an, quân đội, biên phòng, hải quan… Đến nay, các đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành việc kê khai công khai và nộp kê khai về cơ quan kiểm soát, theo dõi theo quy định.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương cũng ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo quản lý, CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý; niêm yết công khai trong hoạt động của cơ quan, như: Chính sách, quy trình, thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và cổng thành phần các đơn vị, địa phương; 13 địa phương trong tỉnh và các sở, ban, ngành cũng công bố danh sách, số điện thoại, thiết lập đường dây nóng thu thập ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hoạt động của cơ quan, đơn vị. Qua đây đã tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với 251 CBCCVC, phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao chất lượng CCHC, nhất là chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công các địa phương, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Hiện nay, 100% TTHC giải quyết tại các trung tâm được xây dựng rõ quy trình, bộ phận, cũng như thời gian giải quyết. Đến nay, toàn tỉnh có 1.866 TTHC được công bố theo quy định (cấp tỉnh là 1.477, cấp huyện là 278 và cấp xã là 111 TTHC).
Tỉnh đã đưa 1.354 TTHC (100%) đủ điều kiện vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Cấp huyện và cấp xã đưa 100% TTHC vào giải quyết tại trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Duy trì cung cấp 1.862 dịch vụ công (557 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 1.102 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Có 555 thủ tục dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Qua kết quả đánh giá, số hồ sơ của tổ chức, cá nhân được các cơ quan nhà nước trả trước và đúng hạn đạt 99% với số phiếu đánh giá mức độ hài lòng đạt cao. Kết quả này khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thể hiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.
Phòng ngừa tham nhũng, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch; việc chấp hành các nghị quyết, chính sách, pháp luật, thực thi công vụ của cơ quan hành chính và đội ngũ CBCCVC. Tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN, chủ động tự phát hiện vụ việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách, lấy kết quả công tác PCTN làm tiêu chí, thước đo phẩm chất, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu...
Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra tỉnh, thanh tra các địa phương đã triển khai 84 cuộc thanh tra. Thanh tra các sở cũng thành lập 182 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Các địa phương, đơn vị cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, đảm bảo tính thống nhất trong xử lý kỷ luật đảng, chính quyền. Thông qua kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị 6 tháng đầu năm, đã phát hiện 1 vụ, chuyển cơ quan điều tra. Tổng số vụ án, bị can khởi tố, điều tra là 7 vụ/42 bị can (án mới là 2 vụ/21 bị can, còn lại án chuyển từ năm 2020). Số vụ án Viện KSND đã truy tố 2 vụ/8 bị can.
Thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã và đang giảm thiểu hạn chế bất cập, khắc phục sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, từng bước xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Quảng Ninh.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()