4
18
/
1100321
Quảng Ninh với 4 năm liên tục dẫn đầu PCI
longform
Quảng Ninh với 4 năm liên tục dẫn đầu PCI

 

Quảng Ninh với 4 năm liên tục dẫn đầu PCI

Quảng Ninh đã xuất sắc duy trì 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2020) đoạt vị trí quán quân trên bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 8 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. 

Ảnh với chú thích
Ông Jiang Zheng Tao, Phó Giám đốc Công ty CTTV (Tập đoàn Foxconn) phát biểu kiến tại Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tỉnh Quảng Ninh tổ chức, tháng 8/2021. 

Đạt được kết quả này, tỉnh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, để không bị gián đoạn các hoạt động, thay bằng gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp thông tin qua điện thoại, email, mạng xã hội, họp trực tuyến… Chính quyền các địa phương và các sở, ngành liên quan tích cực tập trung GPMB các dự án đầu tư trong các KCN, KKT để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư khởi công dự án.

Tại lễ công bố Chỉ số PCI, ông Brad Bessire, Quyền Giám đốc USAID việt Nam, cho biết: Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam. Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trên diện rộng, sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, phải cắt giảm lực lượng lao động…Tỉnh Quảng Ninh cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn đó. Tuy nhiên, các chính sách kịp thời, sáng suốt của Quảng Ninh nói riêng đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế, gia hạn tiền thuê đất, tung ra các gói kích cầu du lịch… Cùng với mức độ thích ứng khá cao của doanh nghiệp trước đại dịch, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quảng Ninh đã đem lại những kết quả khả quan cho sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam nói chung.

Là người đã theo dõi PCI của Việt Nam nhiều năm qua, tôi thấy PCI đã phản ánh tương đối thực tế, chính xác và khách quan chất lượng điều hành kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương. Như đối với Quảng Ninh, đây là địa phương có thể coi là đi đầu cả nước trong những mô hình cải cách, sáng tạo và thực thi các chính sách. Những chuyển động tích cực của Quảng Ninh như tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền năng động, tiên phong, cải cách hành chính ngày càng chuyên nghiệp, thực chất… đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao. Lần thứ 4 liên tiếp đứng đầu PCI chính là thành quả rõ ràng nhất cho những nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ của Quảng Ninh trong suốt thời gian qua.

Ảnh với chú thích
Chi cục HQCK Móng Cái tổ chức ký thỏa thuận hợp tác giữa đơn vị với các doanh nghiệp FDI có hoạt động XNK trên địa bàn,  tháng 7/2021. Ảnh: Thái Cảnh

Chỉ số PCI đã làm nên thương hiệu, sự khác biệt của Quảng Ninh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, đón bắt các cơ hội đầu tư với công nghệ thông minh hơn, “sạch” hơn.  9 tháng năm 2021 dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn thu hút được lượng vốn ngoài ngân sách hơn 289.000 tỷ đồng. Trong đó cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 26.921,6 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 42 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 262.173,5 tỷ đồng.

Một số dự án thu hút đầu tư tiêu biểu như: Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD). Đặc biệt, dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), vốn đăng ký đầu tư gần 500 triệu USD là dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay vào địa bàn các KCN của tỉnh.

Cải cách liên tục, lâu dài

Ảnh với chú thích
Công nhân Công ty TNHH Khoa học - Kỹ thuật Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái) thực hiện khai báo y tế trước khi vào ca sản xuất.

Năm 2020 có thể coi là năm thành công nhất trong hành trình 10 năm của Quảng Ninh trên con đường CCHC khi trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước xếp hạng nhất ở cả 4 chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI. Trong đó: Chỉ số PCI và Chỉ số PAR Index 4 năm (2017-2020) liên tiếp giữ ngôi vị quán quân; Chỉ số SIPAS liên tiếp dẫn đầu vị trí xếp hạng trong 2 năm 2019 và 2020; lần đầu tiên Chỉ số PAPI vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng; cùng với đó, Chỉ số ICT Index 2 năm liên tiếp giữ vững vị trí thứ 3.

Kỷ lục và dấu son đó có được không phải tới trong một sớm một chiều, mà đó là kết quả của cả một chặng đường dài với nhiều cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ. CCHC được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá quan trọng trong phát triển KT-XH của địa phương. Thực hiện khâu đột phá này, những năm qua, tỉnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc với quyết tâm đưa bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất.

Cùng với đó, tỉnh cũng luôn xác định mục tiêu lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới. Vì vậy, tỉnh luôn coi trọng việc định lượng, đo lường đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được trong công tác cải cách.

Đến nay tỉnh đã có 8 năm thực hiện đánh giá PAR Index và bước sang năm thứ 4 đánh giá SIPAS. Từ năm 2018, tỉnh cũng tích hợp điểm số SIPAS vào kết quả đánh giá PAR Index. Điều đó thể hiện, tỉnh luôn “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung cải cách toàn diện, thực chất với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ. “Lửa cải cách” đã luôn được giữ nhiệt và truyền đi từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành, địa phương trong suốt thời gian qua.

Tỉnh Quảng Ninh xác định đổi mới, cải cách là việc làm lâu dài và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Chính vì vậy, sau mỗi kỳ công bố kết quả đánh giá các chỉ số cải cách, tỉnh luôn tổ chức ngay các cuộc họp bàn, hội nghị để phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho những năm tiếp theo. Tại các hội nghị, dưới sự phân tích, “mổ xẻ” của các chuyên gia, tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót khiến một số điểm thành phần của các chỉ số cải cách chưa đạt thứ hạng như kỳ vọng. Từ đó, tỉnh nhanh chóng rút ra các bài học kinh nghiệm, phương hướng để khắc phục những hạn chế, khai thác những dư địa còn chưa chinh phục được.

Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã xác định CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược và phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Đây là lần đầu tiên, các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong nước đưa các chỉ số này vào văn kiện Đại hội, trở thành nội dung có tính chất bắt buộc với tất cả hệ thống chính trị toàn tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các cấp chính quyền trong tỉnh.

Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu