Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:33 (GMT +7)
Sản xuất nông sản an toàn
Thứ 2, 28/03/2022 | 13:57:56 [GMT +7] A A
Sản xuất nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới các nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đón bắt được hướng đi đó, cùng với sự chủ động từ phía các hộ SXKD, các ngành chức năng, nhất là tổ chức hội, đoàn thể, đã vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền, vận động, thúc đẩy người dân tham gia các mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ.
HTX Nông nghiệp Hà Tân (phường Hà Phong, TP Hạ Long) là một trong những HTX áp dụng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên ở Quảng Ninh. Đến nay, sau nhiều năm kiên trì SXKD nông sản sạch, các sản phẩm rau của HTX có thị trường bền vững, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. HTX hiện có 64 hộ thành viên, 120 lao động, sản xuất trên diện tích hơn 13ha. Hằng năm, thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc rau an toàn theo hướng VietGAP do các cấp HND tổ chức; được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu rau an toàn.
Ông Viên Đình Tâm, thành viên HTX Nông nghiệp Hà Tân, cho biết: Nhờ sản xuất rau theo quy trình VietGAP, chất lượng và năng suất rau của HTX cao hơn 30-40% so với trước đây, thị trường tiêu thụ tốt hơn. Gia đình tôi hiện có 3.600m2 đất trồng rau, mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng.
Để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển nông sản theo hướng an toàn, bền vững, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết để nâng cao sản phẩm; áp dụng KHCN vào quy trình chăm sóc, chế biến để nâng cao năng suất. Các cấp hội nông dân đẩy mạnh hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng bao bì sản phẩm, tìm kiếm, kết nối đầu ra nông sản cho hội viên, nông dân.
Hội LHPN, đoàn thanh niên các cấp cũng thể hiện vai trò đồng hành cùng hội viên, đoàn viên trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản an toàn. Tiêu biểu Hội LHPN tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật về ATTP, quy định thị trường nhập khẩu đối với SXKD thực phẩm trên fanpage, nhóm zalo, facebook của cơ sở hội. Đồng thời, giới thiệu các địa chỉ SXKD nông sản chất lượng, an toàn của cán bộ, hội viên, phụ nữ đến các đơn vị trong tỉnh biết, tiếp cận; tuyên truyền, vận động hội viên, cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nông sản nhỏ lẻ do phụ nữ tham gia quản lý thực hiện ký cam kết sản xuất an toàn.
Các cấp hội phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng thương hiệu, quảng bá nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm… Đến nay có 319 mô hình kinh tế của phụ nữ các địa phương tham gia SXKD theo hướng an toàn như: Trồng cây trà hoa vàng, cam V2, rau thủy canh, chăn nuôi an toàn sinh học… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hội LHPN tỉnh đang có lộ trình xây dựng các mô hình, CLB phụ nữ thực hiện vệ sinh ATTP trong chế biến, kinh doanh tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, nhận thức của người dân đã thay đổi, chú trọng hơn đến công tác ATTP. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: 150ha lúa (Đông Triều); gần 80ha sản xuất rau (Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà…); trên 47ha chè (Hải Hà); 311ha na (Đông Triều); 395ha vải (Đông Triều, Uông Bí); 51ha cây có múi (Vân Đồn, Hải Hà…) được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()