Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:11 (GMT +7)
Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Thứ 3, 16/07/2013 | 04:32:36 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan từ tỉnh đến huyện được kiện toàn, củng cố theo các quy định pháp luật, góp phần ổn định hoạt động và tăng cường chủ động trong tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách theo ngành, lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng ổn định, đúng hướng. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý CCVC đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC...
Theo báo cáo số 51 (ngày 12-7-2013) của HĐND tỉnh trên cơ sở giám sát trực tiếp tại 109 cơ quan, đơn vị và báo cáo của 67 cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh, đã phản ánh đầy đủ, toàn diện về công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, CCVC và cán bộ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 7 ĐBQH, 72 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 462 đại biểu HĐND cấp huyện, 4.646 đại biểu HĐND cấp xã. Toàn tỉnh có 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với 173 phòng, 2 ban và 17 chi cục; 5 cơ quan được thành lập theo quy định khác của T.Ư và đặc thù của địa phương; 11 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, trong đó có 2 đơn vị tự trang trải kinh phí; 99 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, trong đó tự trang trải kinh phí là 8, ngân sách cấp toàn bộ hoặc cấp một phần là 91. Các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là 174; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện là 98, trong đó tự trang trải kinh phí là 43; các đơn vị sự nghiệp thuộc phòng chuyên môn cấp huyện là 23. Cùng với đó, toàn tỉnh có 186 UBND xã, phường, thị trấn đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet) |
Hiện trên địa bàn tỉnh còn 41 cơ quan, đơn vị, phòng chuyên môn được thành lập mới, tổ chức lại theo đặc thù của địa phương (từ 1-1-2011 đến 31-12-2012). Trong đó có 1 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; 17 các ban, chi cục, phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành tỉnh; 4 đơn vị thuộc chi cục; 19 phòng, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện.
Theo báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, năm 2011, tỉnh đã giao 3.151 (tăng 71 so với năm 2010); năm 2012, tỉnh đã giao 3.238 (tăng 87 so với năm 2011); hiện đã sử dụng là 3.118, chưa tuyển dụng là 120 (năm 2013, Bộ Nội vụ giao cho tỉnh 2.915 biên chế công chức). Về biên chế viên chức, năm 2011 tỉnh giao 25.093 (tăng 1.050 với năm 2010); năm 2012 tỉnh giao 26.289 (tăng 1.196 so với năm 2011); hiện đã sử dụng là 24.736, chưa tuyển dụng là 1.553. Ngoài ra, việc giao, sử dụng biên chế hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP: Năm 2011 tỉnh giao 591 (tăng 56 so với năm 2010); năm 2012 tỉnh giao 661 (tăng 70 với năm 2011); hiện đã sử dụng 625, chưa tuyển dụng là 36 người.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, mặc dù số biên chế công chức Bộ Nội vụ giao, tỉnh đã sử dụng vượt, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn 1.709 chỉ tiêu chưa tuyển dụng (trong đó công chức 120; viên chức 1.553; hợp đồng theo Nghị định 68 là 36). Số CCVC chưa tuyển dụng do một số nguyên nhân: Từ năm 2010 đến nay, chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCCVC; việc tuyển dụng viên chức ở một số vị trí không đủ nguồn, do vậy không tuyển đủ theo kế hoạch đã đăng ký...
Tính đến hết năm 2012, tổng số biên chế CBCC cấp xã giao là 4.299 (giữ nguyên như năm 2011), hiện đã sử dụng 3.898; số chưa bố trí, tuyển dụng là 401. Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đã giao 3.221; đã bố trí 2.616 (số kiêm nhiệm là 232); những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố, đã giao 37.363, đã bố trí 33.918.
Về tình hình giao biên chế bổ sung từ nguồn dự phòng (để bổ sung khi thành lập mới, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh): Năm 2011, UBND tỉnh đã giao 151 biên chế dự phòng (108 công chức, 34 viên chức, 9 hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP); năm 2012, UBND tỉnh đã giao 125 biên chế dự phòng (36 công chức, 81 viên chức, 8 hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP).
Trên địa bàn tỉnh còn có 968 hội (cấp tỉnh 50, huyện 149, xã 769). Trong đó có 13 hội cấp tỉnh được quy định là hội đặc thù theo Quyết định số 269 (ngày 29-1-2011) và Quyết định số 1861 (ngày 24-7-2012) của UBND tỉnh. Tính đến ngày 1-3-2013, tỉnh đã giao 84 biên chế cho 12 hội đặc thù cấp tỉnh.
Qua công tác rà soát về tổ chức bộ máy và biên chế trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn có những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục. Cụ thể, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, chưa phù hợp thực tiễn, chưa phát huy được những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương. Việc xây dựng kế hoạch biên chế trình cấp có thẩm quyền quyết định còn mang tính tương đối, chưa thực sự chính xác (do chưa xây dựng được vị trí việc làm). Số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố còn khá lớn, nhưng hiệu quả hoạt động hạn chế, thiếu kiểm tra, kiểm soát. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của CCVC chưa thường xuyên, kịp thời. Trình độ một bộ phận CBCC chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và CCHC, tinh thần, thái độ phục vụ còn có biểu hiện phiền hà...
Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh thời gian tới cần đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy biên chế CCVC trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh và các địa phương theo quy định pháp luật; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, trực thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và UBND cấp huyện theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sớm xây dựng đề án xác định vị trí việc làm đối với công chức, viên chức...
Yên Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()