Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:07 (GMT +7)
Số hoá thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Thứ 5, 24/08/2023 | 07:40:33 [GMT +7] A A
Giữa năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (Công ty FPT-IS) và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bắt đầu phối hợp triển khai thử nghiệm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ phục vụ nhu cầu quản lý và khai thác, tái sử dụng hiệu quả các dữ liệu TTHC còn giá trị sử dụng của các tổ chức, cá nhân, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Để chuẩn bị nền tảng thiết yếu cho việc triển khai số hóa hồ sơ, kết quả TTHC, đến hết năm 2022, tỉnh đã hoàn thành việc tích hợp tính năng chữ ký số, sim ký số và dịch vụ ký số công cộng trên Cổng dịch vụ công để cho phép các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử. Đồng thời, tỉnh cũng hoàn thành việc tích hợp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ theo quy trình xử lý hồ sơ lên hệ thống phần mềm một cửa điện tử phục vụ ký số hồ sơ trong quá trình liên thông, giải quyết TTHC.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị viễn thông trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền và cấp miễn phí cho người dân, doanh nghiệp chữ ký số cá nhân. Khi sử dụng chữ ký số, tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng thao tác ký, gửi, xử lý các công việc liên quan về mặt chứng từ, pháp lý trên cổng dịch vụ công.
Từ tháng 10/2022, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh được yêu cầu thực hiện quy trình giải quyết TTHC theo 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết.
Theo đó, với dịch vụ công trực tuyến toàn trình đang triển khai, sau khi tiếp nhận TTHC trực tuyến của tổ chức công dân, cán bộ công chức sẽ thẩm định, ký số và trình ký cấp trên thông qua hệ thống chính quyền điện tử. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hay cán bộ được phân cấp phê duyệt cũng sẽ ký phê duyệt bằng chữ ký số và chuyển bộ phận trả kết quả đóng dấu số, trước khi chuyển tiếp kết quả số vào tài khoản dịch vụ công của tổ chức, công dân; hình thức thanh toán trực tuyến cũng được chấp nhận với tất cả các thủ tục, qua nhiều kênh thanh toán khác nhau.
Kết quả giải quyết TTHC được số hóa cũng có giá trị pháp lý tương đương kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản giấy, có thể được các tổ chức, cá nhân tái sử dụng trong các công việc liên quan khác.
Chia sẻ về việc hồ sơ, kết quả TTHC được số hóa, chị Phạm Thị Huệ, đại diện Công ty TNHH Hạ Long Pacific, cho biết: Tôi thấy việc Quảng Ninh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả TTHC, triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Với tiện ích này, 100% TTHC của doanh nghiệp chúng tôi hiện đều không giấy tờ, không phải nộp hồ sơ bản cứng, kết quả online có chữ ký số và dấu số sẽ trả về cho chúng tôi qua hòm thư điện tử. Sau khi nhận được, chúng tôi có thể sử dụng kết quả online đó làm việc tiếp với cơ quan nhà nước khác để hoàn thiện các quy trình thủ tục cần thiết cho hoạt động kinh doanh của đơn vị mình.
Theo số liệu thống kê, 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tiếp và qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đều đã đủ điều kiện triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả theo quy trình 5 bước hoàn toàn trên môi trường điện tử. So với quy định của trung ương, các TTHC của Quảng Ninh sau khi thực hiện số hóa và cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đều được cắt giảm trung bình từ 40-60% về thời gian.
7 tháng đầu năm, ở cấp tỉnh, số hồ sơ số hóa đầu vào trên hệ thống một cửa điện tử là 52.099 hồ sơ (đạt hơn 69%); số hồ sơ cung cấp kết quả điện tử là 6.980 (9,3%). Ở các TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện đã có 85.114 hồ sơ được số hóa từ khâu tiếp nhận đầu vào (đạt 95%); trong đó đã có 55.271 hồ sơ được số hóa kết quả (62,1%). Đối với cấp xã, số hồ sơ số hóa đầu vào là 152.163 (95,5%), số hồ sơ cung cấp kết quả điện tử là 104.754 (65,9%).
Tuy tỷ lệ số hóa hồ sơ TTHC từ khâu tiếp nhận đầu vào đã được khá cao, tuy nhiên, tỷ lệ trả kết quả điện tử và tái sử dụng kết quả cho các lần giải quyết TTHC tiếp theo của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn tương đối thấp. Đến nay, mới chỉ có 20% số TTHC được cung cấp biểu mẫu nhập liệu để triển khai số hóa đầu vào gắn với bóc tách dữ liệu phục vụ tái sử dụng các thành phần hồ sơ cho lần sử dụng sau.
Cùng với đó, vẫn còn một số sở, ban, ngành mới chỉ thực hiện bước số hóa hồ sơ đầu vào, chưa thực hiện đầy đủ quy trình 5 bước trên môi trường điện tử; một số kết quả TTHC là kết quả đặc thù, chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng ký số trả kết quả…
Để khắc phục vấn đề này, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho dữ liệu hồ sơ dùng chung; thiết lập các công cụ thao tác trên kho dữ liệu để cán bộ, công dân có thể truy cập hệ thống lưu trữ dữ liệu, khai thác và tái sử dụng…
Đồng thời triển khai đa dạng hóa các dịch vụ số hỗ trợ quá trình giải quyết TTHC; nghiên cứu cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử cho một số TTHC đặc thù (phiếu lý lịch tư pháp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề y, dược, xây dựng, bất động sản…) tích hợp ngay trong bước tiếp nhận hồ sơ TTHC…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()