Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:06 (GMT +7)
Sở NN&PTNT: Sơ kết kết quả sản xuất tôm 6 tháng đầu năm 2023
Thứ 5, 06/07/2023 | 16:11:03 [GMT +7] A A
Sáng 6/7, tại Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Đầm Hà tổ chức hội nghị sơ kết kết quả sản xuất tôm 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3.017 cơ sở nuôi thả tôm với diện tích 7.500ha. Trong đó tập trung vào 2 đối tượng chủ lực quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Các cơ sở sản xuất giống tôm trên địa bàn tỉnh đã tập trung sản xuất, ương dưỡng và cung cấp ra thị trường trên 500 triệu con giống, đạt 60% kế hoạch, trong đó cung ứng trong tỉnh khoảng 300 triệu con, ngoài tỉnh 200 triệu con.
Đặc biệt, Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất tôm giống trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã sản xuất, cung ứng cho thị trường 494 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, trong đó cung ứng cho thị trường Quảng Ninh 284 triệu con…
Đối với chế biến, tiêu thụ tôm thương phẩm, các nhà máy đã thu mua, chế biến trên 2.000 tấn, xuất bán dưới dạng tươi sống, ướp đá trên 16.000 tấn tôm thương phẩm.
Thời gian qua các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào nuôi tôm; đầu tư nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, theo quy trình nhiều giai đoạn, áp dụng công nghệ về sinh học để nuôi tôm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi vẫn xảy ra. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm đã có 91ha của 161 cơ sở nuôi tại 6 địa phương bị thiệt hại do dịch bệnh, mức thiệt hại ước khoảng 15 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân dẫn đến sản xuất, nuôi tôm hiệu quả chưa cao; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng suất, giá trị tôm nuôi thương phẩm và sản xuất tôm giống.
Để vụ nuôi năm 2023 đạt kết quả cao, thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển nuôi tôm. Các doanh nghiệp, hộ nuôi đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT, quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm nuôi, tôm giống; nghiên cứu ứng dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi trong nhà kính. Các địa phương cần tiếp tục quản lý hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi trồng thủy sản; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, trong đó làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn và địa phương; khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất theo đúng mùa vụ, tuân thủ quy trình nuôi; sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác... qua đó, góp phần hạn chế dịch bệnh ở tôm, tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp và hộ nuôi.
Quốc Nghị (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()