Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 02:17 (GMT +7)
Sáng kiến được tặng Bằng Lao động sáng tạo
Thứ 2, 14/03/2022 | 14:09:39 [GMT +7] A A
Có giá trị làm lợi 657 triệu đồng, sáng kiến “Tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí” của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cùng các đồng nghiệp, vừa được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Chất thải nhựa y tế lây nhiễm là những dụng cụ, phương tiện bằng nhựa có dính máu, dịch cơ thể phát sinh trong quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh... Ngày nay, với tiêu chuẩn kiểm soát nhiễm khuẩn ngày càng chặt chẽ, vật tư, dụng cụ y tế nhựa sử dụng một lần ngày càng áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế, đồng nghĩa với việc một lượng lớn chất thải thải y tế bằng nhựa phát sinh. Đây cũng là một trong những thách thức của ngành Y tế, bởi nguy cơ gây ô nhiễm chất thải nhựa, tác động xấu đối với môi trường.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có lượng chất thải nhựa khoảng trên 45.300kg, với giá xử lý 21.507 đồng/kg, tổng chi gần 1 tỷ đồng, rất lớn đối với Bệnh viện.
Để xử lý rác thải nhựa lây nhiễm, hằng năm Bệnh viện phải thuê các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý, mất nhiều chi phí, khó giám sát đánh giá được liệu các đơn vị đó có xử lý đúng cách, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường về xử lý chất thải hay không. Do vậy, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa cùng cộng sự đã nghiên cứu, đăng ký giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm để có thể giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường và tăng nguồn thu cho đơn vị.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa, phương pháp này sử dụng thiết bị hấp, đảm bảo chất thải sau khi xử lý không chứa vi sinh vật gây hại, có thể sử dụng như các chất thải nhựa thông thường. Cùng với thiết bị này, bệnh viện xây dựng quy trình xử lý chất thải nhựa lây nhiễm, từ khâu thu gom, phân loại, đến xét nghiệm kiểm tra vi sinh vật trên chất thải nhựa sau khi hấp sấy.
Trên cơ sở đó, Bệnh viện chế tạo thiết bị hấp chất thải nhựa với nguyên lý hoạt động của thiết bị hấp là phương pháp xử lý nhiệt ướt, dựa vào năng lượng nhiệt để tiêu diệt mầm bệnh trong chất thải. Tiệt trùng ướt hay hấp tiệt trùng là cơ chế tiệt trùng sử dụng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ trên 120oC và áp suất cao để nén. Ưu điểm là hiệu quả tiệt trùng cao, chi phí thấp, ít làm thay đổi chất liệu hình dạng chất thải, thời gian tiệt trùng ngắn do hơi nước có khả năng truyền nhiệt tốt hơn nhiều không khí nóng. Cấu tạo thiết bị hấp gồm: Buồng tiệt trùng inox; hệ thống ống dẫn khí áp lực; hệ thống an toàn; bộ phận gia nhiệt; hệ thống điện; công suất hoạt động 15-20kg/mẻ hấp.
Sáng kiến này không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế với giá trị làm lợi 657 triệu đồng/năm cho Bệnh viện, mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội. Giải pháp tái chế chất thải nhựa bằng phương pháp hấp không phát sinh khói bụi, các chất khí độc hại ra môi trường so với phương pháp lò đốt, sản phẩm đầu ra đảm bảo an toàn trong y tế, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí là đơn vị đầu tiên trong nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, bước đầu mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Giải pháp được Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đánh giá cao và giới thiệu mô hình điểm cho các cơ sở y tế trong nước đến tham quan, học tập. Bệnh viện đã được mời đến các hội nghị, hội thảo của Cục Quản lý môi trường y tế để chia sẻ kinh nghiệm cho các đơn vị bạn.
Thành công của sáng kiến này đang góp phần quan trọng cho các cơ quan chức năng xây dựng hướng dẫn, chính sách cụ thể để áp dụng trên phạm vi rộng.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()