Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:12 (GMT +7)
Tất cả vì người dân
Chủ nhật, 05/06/2022 | 13:40:01 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, toàn diện nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở tất cả các vùng, miền trong tỉnh.
Chú trọng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, tỉnh đã dành các nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng khu vực nông thôn. Trong đó, hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh ưu tiên hàng đầu.
Bằng nhiều nguồn vốn, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều công trình động lực như: Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường nối từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); đường nối từ QL18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) giai đoạn 2; đường từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (thôn Trại Me, xã Sơn Dương) đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm (TP Hạ Long).
Hiện, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh khởi công các dự án, như: Cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); nâng cấp đường từ thôn Khe Lặc, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) đi xã Húc Động (huyện Bình Liêu); đường từ trung tâm huyện đi xã Quảng An và đường nối QL18 đi qua xã Quảng Lâm vào bản Sán Cáy Coọc, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu và Ba Chẽ…
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng văn hóa, xã hội, thông tin… Trong đó, một số công trình đã và đang được triển khai như: Xây dựng 11 trạm phát sóng BTS để phủ sóng di động cho 11 thôn vùng khó, xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao xã Tiên Lãng, Hải Lạng, Hà Lâu... (huyện Tiên Yên), tuyến kênh mương sau đập Chăn Cái đến đê rừng xanh thôn 7, xã Quảng Phong (huyện Hải Hà); Trường THCS&THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà); nhà văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ (huyện Tiên Yên); Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ…
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XIV, ngày 31/5, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh. Theo đó, năm 2022, tỉnh sẽ bố trí vốn ngân sách đầu tư 3 trường gồm THPT Bình Liêu, THCS&THPT Hoành Mô, THPT Ba Chẽ… Các dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thành các tiêu chí cứng trong xây dựng NTM, mà còn nâng cao đời sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Trao "cần câu" cho người dân
Quảng Ninh đã xác định sản xuất là nền tảng quan trọng để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, nguồn vốn phục vụ sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thay vì “cho không” bằng các mô hình, dự án, hỗ trợ như trước đây, trong những năm gần đây, tỉnh tập trung thực hiện phương thức “cho vay” ưu đãi. Theo đó, tỉnh sẽ bố trí vốn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Ninh để triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Với lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài, địa phương giám sát chặt chẽ, nguồn vốn cho vay này đã thực sự là đòn bẩy loại bỏ tư tưởng trông chờ, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Ngoài cơ chế, chính sách, chương trình của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù như: Cho vay hỗ trợ phát triển hợp tác xã, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề chấm dứt hoạt động sản xuất vôi thủ công, cho vay khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững… Trên cơ sở đó, tỉnh bố trí vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh thực hiện cho vay.
Thêm vào đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 và Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 về Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Riêng năm 2022, tỉnh đã bố trí vốn từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh 80 tỷ đồng (gồm 50 tỷ đồng theo Nghị quyết 50 của HĐND tỉnh và 30 tỷ đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm) để cho vay. Từ đó, toàn tỉnh đã có 1.225 hộ được vay vốn. Nguồn vốn đã hỗ trợ kịp thời cho người dân tiếp tục phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Do thiếu vốn sản xuất, nhiều năm qua, anh Phùn Văn Hải (thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) chỉ chăn nuôi hình thức nhỏ lẻ. Năm 2022, anh Hải được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Tiên Yên.
Anh Phùn Văn Hải chia sẻ: Trong gia đình đang thiếu vốn sản xuất, tôi may mắn được xã và Ngân hàng CSXH huyện Tiên Yên tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài, giải ngân nhanh chóng. Bằng số vốn vay được, tôi đã đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên theo hình thức trang trại. Hiện, trang trại của tôi duy trì thường xuyên gần 5.000 con gà Tiên Yên, đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 3-5 lao động.
Xác định vai trò quan trọng của vốn tín dụng trong phát triển sản xuất, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIV đã nhất trí điều chỉnh tăng vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh năm 2022 từ 50 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.
Với sự quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện, đời sống của người dân khu vực nông thôn sẽ tiếp tục được nâng cao, góp phần đưa Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2022, thúc đẩy toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()