Một thập kỷ Quảng Ninh xây nông thôn mới (NTM) với nguồn lực lớn gần 165.000 tỷ đồng dành cho khu vực nông thôn. Trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm trên 10%, vốn tín dụng chiếm trên 70%, 20% còn lại là vốn doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Điều này cho thấy, tỉnh Quảng Ninh dành sự quan tâm lớn và nhận được sự đồng thuận, chung sức đồng lòng cùng tham gia của toàn xã hội. Từ nguồn lực NTM, hàng ngàn tuyến đường liên xã, thôn, tuyến kênh mương thủy lợi được xây mới, nâng cấp. Hàng trăm phương án sản xuất nông nghiệp đã được triển khai và phát triển lớn mạnh. "Làn gió" NTM đang thổi bùng khát vọng đổi mới và làm giàu trên khắp các vùng quê Quảng Ninh.
Việt Dân (TX Đông Triều) - xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của toàn quốc. Đã không ít lần tôi đến vùng quê nông thôn này và lần nào cũng chung cảm nhận Việt Dân giàu, đẹp, thanh bình như một bức tranh thủy mặc. Việt Dân có đường giao thông dài rộng, hai bên đường đầy hoa nở; điểm tô các bức tranh tường đẹp đẽ; nhà dân được đánh số; xóm, thôn có biển chỉ dẫn. Trên những cánh đồng, thửa ruộng của Việt Dân có cam, bưởi sai trĩu quả... Tỷ lệ phủ cây xanh của Việt Dân chiếm đến 80% diện tích…
Đất đai màu mỡ, ruộng vườn trù phú, nông dân cần mẫn giỏi nghề canh nông… đã khiến Việt Dân có nền tảng tốt để phát triển. Thế nhưng, phải nhìn ngược dòng thời gian với hành trình 10 năm xây dựng NTM, vùng quê này mới thấy rõ những đột phá ngoạn mục. Thu nhập của nông dân Việt Dân tăng từ khoảng 20 triệu đồng/người/năm tiến đến gần 60 triệu đồng/người/năm. Việt Dân nằm trong ít xã đạt chuẩn NTM sớm nhất của tỉnh, từ năm 2013. Năm 2019, Việt Dân tự hào là xã đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Nhìn từ trên cao, vựa lúa Đông Triều - vùng quê NTM điển hình của Quảng Ninh đẹp tựa bức tranh. |
Thực tế có xây dựng NTM, Việt Dân mới có quy mô vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu nông sản, triển khai được giao dịch nông sản điện tử và thêm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật… Giờ đây lúa, na và cây có múi là nông sản đặc thù của Việt Dân, cũng là nguồn cung chủ lực 3 loại nông sản này ở Đông Triều. Riêng quả na Việt Dân lâu nay đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có thể lên sàn giao dịch điện tử hay xuất khẩu đều thuận.
Nông dân Việt Dân không để phí đất sản xuất, từng tấc đất ở đây đều sinh lời, hệ số sử dụng đất của Việt Dân gấp 2 lần nơi khác, giá trị trên ha diện tích canh tác của Việt Dân gấp 3 lần nơi khác. Thành quả xây dựng NTM thực sự đã đưa Việt Dân hiện diện như một “phố trong làng”, một vùng thôn quê giàu có, hiện đại, mở hướng cho Việt Dân phát triển nông nghiệp giá trị cao gắn với du lịch, dịch vụ.
Na dai của các hộ trong HTX Na dai Đông Triều (xã Việt Dân) đã có đầu ra tiêu thụ ổn định. |
Chuyển động của xã NTM kiểu mẫu Việt Dân góp thêm điểm nhấn trong thành công xây dựng NTM của TX Đông Triều. 10 năm qua, Đông Triều được gắn với danh hiệu địa phương đầu tiên trong toàn quốc có xã NTM kiểu mẫu; địa phương đầu tiên của miền Bắc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện Đông Triều có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Quan trọng hơn, Đông Triều đang tiến đến vùng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có, đánh dấu bước phát triển nông thôn ở tầm cao mới.
Cùng với Đông Triều, TP Hạ Long sau sáp nhập mở rộng địa giới hành chính, nhiệm vụ tiếp tục là dồn lực cho những xã cuối cùng về đích NTM và xã Đồng Sơn nằm trong số đó. Đồng Sơn đang được đầu tư 14 công trình lớn nhỏ để hoàn thiện tiêu chí hạ tầng. Sự khẩn trương của TP Hạ Long khiến cho xã vùng cao vừa thoát diện 135 này có thêm động lực vươn lên. Người dân phấn khởi, tươi vui, tập trung vào sản xuất ruộng, rừng để nâng cao thu nhập, tích cực nâng cao nhận thức để đổi mới tư duy.
Cùng với cây na, cây có múi cũng là loại nông sản chủ lực của Việt Dân. |
Những năm gần đây, các tuyến đường nối xã, nối thôn, nối các vùng sản xuất đã khiến người dân Đồng Sơn trồng, chăm sóc, khai thác và tiêu thụ sản phẩm từ đồng ruộng, từ rừng núi dễ dàng hơn. Thu nhập của người dân Đồng Sơn tăng lên 53 triệu đồng/người/năm, gấp trên 4 lần so với thời điểm 2010.
Tuyến đường nối từ Đồng Sơn sang Kỳ Thượng (TP Hạ Long) hiện đang được các đơn vị tích cực triển khai thi công. |
Ngoài xã Đồng Sơn nói trên, hiện xã Đồng Lâm, Hoà Bình của TP Hạ Long cũng đang gấp rút bám chuẩn NTM. Như vậy TP Hạ Long sẽ hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra trước đó.
Có thể thấy "làn gió" xây dựng NTM tươi mát tràn về các vùng miền núi hải đảo, vùng sâu, vùng khó của Quảng Ninh, tạo nên sự đổi mới, tiến bộ trong cả nhận thức và hành động từ cán bộ đến người dân trên địa bàn.
Tại huyện miền núi Bình Liêu, những tuyến đường giao thông nối huyện, nối xã, nối xóm thôn, nối vùng sản xuất - thành quả của chương trình xây dựng NTM đã tạo điều kiện cho giao thương thuận lợi. Những tuyến kênh mương chứa đầy nước ngọt giải bài toán cho những vùng đất khát đã khiến cho diện tích canh tác rừng, vườn, ruộng của Bình Liêu trở lên có giá, mang lại thu nhập cho người dân.
Từ chỗ diện tích rừng núi trọc, ruộng vườn bỏ hoang nhiều năm gần như được phủ xanh bởi cây lâm sản, hoa màu. Người dân Bình Liêu giờ quý trọng đất rừng, đất ruộng, chủ động chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cây hồi, cây quế, cây dong riềng trở thành cây chủ lực của Bình Liêu. Nguồn thu từ 3 nông sản này đủ sức để xóa cái nghèo của Bình Liêu từ tỷ lệ trên 50% năm 2011 xuống 4% như hiện nay.
Trên địa bàn huyện Bình Liêu, các xã Húc Động, Đồng Văn trước đó không xa còn là xã nghèo khó, chia cách với vùng trung tâm. Nay đến với Đồng Văn, Húc Động là đến với những ngôi nhà hiện đại mới xây, đến với vùng trồng hồi, quế, dong riềng được quy hoạch tập trung, đến với vùng du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan và văn hóa bản địa. Húc Động, Đồng Văn trong tương lai không xa còn chính là 2 cực tăng trưởng kinh tế rừng và du lịch bản địa trong chiến lược phát triển kinh tế của Bình Liêu. Đó chính là những trái ngọt của chương trình xây dựng NTM mang lại.
Quảng Ninh trở thành điểm sáng của cả nước sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. |
10 năm xây dựng NTM, Quảng Ninh trở thành điểm sáng của cả nước khi lần lượt có huyện NTM đầu tiên khu vực phía bắc, có huyện đảo NTM đầu tiên của cả nước, có xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của quốc gia. Đến nay Quảng Ninh có 7/13 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt kế hoạch của tỉnh giao là 1 đơn vị và vượt kế hoạch của Trung ương giao là 4 đơn vị. Huyện Hải Hà và Đầm Hà đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương xét công nhận đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh có 91/98 xã đạt chuẩn NTM, vượt kế hoạch tỉnh giao 13%, trong đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thông qua chương trình xây dựng NTM, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2020 đạt 46,1 triệu đồng/người/năm, gấp 4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2020 khu vực nông thôn là 0,51%, giảm 7,45% so với năm 2010.
Có người nói rằng nếu coi 10 năm xây dựng NTM của Quảng Ninh là một hành trình thì đây chính là hành trình Quảng Ninh chiến thắng cái nghèo, tiến lên làm giàu trên mỗi vùng quê nông thôn, miền núi, hải đảo. Là hành trình Quảng Ninh nhân lên những vùng thôn quê giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nhân lên những nông dân năng động, tự tin, làm chủ và những cực tăng trưởng trong kinh tế nông nghiệp toàn tỉnh. Hành trình xây dựng NTM của Quảng Ninh là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
Xuất phát điểm của NTM Quảng Ninh thấp. Ở mốc khởi điểm xây dựng NTM năm 2010, so với bộ tiêu chí NTM quốc gia, Quảng Ninh chỉ có 21% số xã đạt trên 75% tiêu chí, 33% số xã đạt dưới 75% tiêu chí, số còn lại là các xã đạt dưới 50% tiêu chí. Toàn tỉnh năm 2010 còn 50 xã khó khăn, trong đó 25 xã đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân của người dân các xã Quảng Ninh năm 2010 là 10,98 triệu đồng/người/năm, tính ra chưa tới 1 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ninh năm 2010 là gần 7,7%.
Quyết tâm đổi mới nông thôn, ngày 27/10/2010, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII ra nghị quyết Chuyên đề đầu tiên, Nghị quyết 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Nghị quyết đã định vị rõ mối quan hệ của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong tương quan phát trển chung; tầm nhìn dài hạn và cách thức tiến hành chương trình NTM cũng rất rõ nét. Đây là Nghị quyết hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng, tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong 10 năm, tổng nguồn lực dành cho các vùng nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh là 165.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ là 10%. |
Từ chủ trương của Tỉnh ủy, ngay sau đó, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 39/2010/NQ-HĐND về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020. Trong đó, xác định lộ trình, nguồn lực thực hiện, thông qua những đề án xây dựng NTM. UBND tỉnh cũng kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch hành động để hiện thực hóa nhiệm vụ xây dựng NTM…
Quá trình xây dựng NTM, Quảng Ninh xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tinh thần thực hiện xây dựng NTM một cách toàn diện, đồng bộ, đồng loạt trên 100% xã trên địa bàn. Mỗi xã sẽ đạt 19 chỉ tiêu và 39 tiêu chí ở giai đoạn đầu, sau này nâng lên 20 chỉ tiêu, 53 tiêu chí. Quan điểm xây dựng NTM của Quảng Ninh là tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu, người dân làm chủ thể, biết, bàn, làm, kiểm tra và thụ hưởng. Phương châm xây dựng NTM của Quảng Ninh là làm đâu chắc đó, làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, từ huyện đến tỉnh. Giải pháp thực hiện xây dựng NTM là gắn xây dựng NTM với thực hiện đồng bộ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng NTM gắn với đề án, sau này là chương trình kinh tế mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP; xây dựng NTM gắn với thực hiện chương trình 135, đề án 196 để đưa các xã, thôn thoát diện ĐBKK...
Tuyến đường nông thôn tại xã Đông Ngũ (Tiên Yên). |
Chương trình xây dựng NTM được triển khai, mục tiêu cuối cùng chính là người dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống nông hộ được nâng lên, kinh tế nông thôn phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới, tiệm cận dần với vùng thành thị. Và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình OCOP; đề án 196 chính là những giải pháp Quảng Ninh làm để đáp ứng tiêu chí về thu nhập, phát triển sản xuất trong xây dựng NTM. Trong đó với OCOP, Quảng Ninh tiên phong cả nước. Với đề án 196 là sản phẩm mang tính riêng có, đặc thù của Quảng Ninh.
Nếu như đề án 196 là đặc cách dành riêng cho các xã ĐBKK để có hạ tầng, có vốn hỗ trợ sản xuất, giúp người dân xóa nhanh đói nghèo, tăng thu nhập để tiến lên khấm khá, qua đó bám sát tiến trình xây dựng NTM toàn tỉnh nói chung… thì OCOP là chương trình kinh tế của mọi nhà nông và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là lực đẩy cho nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có liên kết và phát triển bền vững.
Sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã khẳng định vị thế trên thị trường. |
Riêng đối với OCOP cho thấy rõ tính đúng đắn trong cách làm của Quảng Ninh. Trong thời gian ngắn, OCOP chuyển từ một đề án lên chương trình kinh tế. Sản phẩm OCOP chuyển từ sản phẩm truyền thống có mặt ở chợ làng, chợ cóc lên sản phẩm hàng hóa có mặt ở các trung tâm thương mại lớn, sàn giao dịch thương mại điện tử và cả xuất khẩu. Đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chuyển từ cá thể, nông hộ sang mô hình HTX, Công ty.
Đến thời điểm này, số lượng sảm phẩm OCOP của Quảng Ninh là 464, trong đó 236 sản phẩm đã được gắn sao, chiếm 51%. Số đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP của Quảng Ninh là 180, trong đó 114 đơn vị có quy mô doanh nghiệp, chiếm 63%. Doanh thu của sản phẩm OCOP những năm gần đây đạt 300 - 400 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 25%, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 4.500 lao động trực tiếp. Lợi ích mà OCOP mang lại không chỉ là doanh thu, lợi nhuận mà chính là sự chuyên nghiệp, sáng tạo trong tư duy và hành động, đây là nền tảng để người nông dân thành công. Tự hào hơn, từ tinh thần OCOP Quảng Ninh, đã lan tỏa ra cả nước một phong trào OCOP lớn mạnh, sôi động và rộng khắp như hiện nay.
Cánh đồng rau theo mô hình vườn kiểu mẫu của người dân xã Quảng Minh, huyện Hải Hà. |
Thực tế Nghị quyết 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã đi vào cuộc sống. Nghị quyết số 39/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020 và các chương trình, kế hoạch hành động để hiện thực hóa nhiệm vụ xây dựng NTM… của UBND tỉnh đã phát huy tác dụng.
Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, bài học quý mà Quảng Ninh đúc rút chính là việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình. Chủ trương đúng, cách thức triển khai tốt, thu hút được nhân dân vào cuộc chính là nguyên nhân của thành công của NTM Quảng Ninh. Không thể phủ nhận chương trình xây dựng NTM đã hội tụ đầy đủ trách nhiệm, khát vọng thay đổi của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ý Đảng và lòng dân hòa hợp, sức dân được huy động… đã tạo nên nguồn lực to lớn chuyển mình mạnh mẽ.
Nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. |
Từ đây hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của Quảng Ninh đã khoác lên mình hình ảnh mới. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa khang trang; giao thông nông thôn được bê tông hóa và kết nối đồng bộ; thủy lợi nội đồng được cải tạo nâng cấp đáp ứng sản xuất tưới tiêu… Hàng trăm mô hình sản xuất mới, phù hợp với từng vùng miền, từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, từng hộ dân đã được các ngành chức năng triển khai tới người dân. Mùa nối mùa, vụ nối vụ năng suất canh tác, nuôi trồng của nông nghiệp Quảng Ninh đã cho trái ngọt. Thu nhập của người nông dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Giá trị niềm tin của người dân vào công cuộc xây dựng NTM tăng lên, góp phần thổi bùng khát vọng đổi mới và làm giàu trên khắp các vùng quê Quảng Ninh từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, từ vùng thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đảo xa. Nông thôn Quảng Ninh đang mang trong mình sức sống mới làm tiền đề để hiện thực hóa một tương lai giàu đẹp, văn minh…
Thành tựu của NTM hôm nay là nền tảng để Quảng Ninh đạt mục tiêu trở thành địa phương hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2023, trong đó 50% xã là xã NTM nâng cao, 25% số xã là xã NTM kiểu mẫu. Nông thôn Quảng Ninh cùng với thành thị tạo nên những cực tăng trưởng vững mạnh của tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Thực hiện: Việt Hoa
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()