Đại dịch Covid-19 khiến tất cả mọi hoạt động bị đảo lộn, nhưng tình người, truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt không thay đổi, mà ngược lại, càng trong khó khăn càng lan tỏa rộng khắp và nhân lên mạnh mẽ. Hơn 2 năm chống lại đại dịch, hai tiếng “đồng bào” đã thôi thúc mỗi người làm nhiều việc tốt, có ý nghĩa hơn để đùm bọc, sẻ chia, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bắc Giang, tốt nghiệp y khoa loại giỏi, Ngô Văn Tuấn chọn tỉnh Quảng Ninh làm nơi lập nghiệp, chắp cánh cho những ước mơ. Anh hiện là Phó trưởng Khoa Nội - Tim mạch, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Tổng Thư ký Hội Tim mạch Quảng Ninh.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn thăm khám, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân.
Mỗi ngày, nhu cầu sử dụng máu cho điều trị ở các bệnh viện tăng cao, trong khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến lượng người hiến máu trong cộng đồng giảm, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Với trách nhiệm là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Ngô Văn Tuấn đã cùng tập thể đoàn viên Bệnh viện nỗ lực phát động, duy trì phong trào hiến máu tình nguyện, qua đó khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa cử cao đẹp của người cán bộ y tế với cộng đồng.
Bác sĩ Tuấn đã nhiều lần hiến tiểu cầu, hiến máu cứu bệnh nhân trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. “Đó cũng là một trong những công việc của nhân viên y tế. Khi có ca cấp cứu thiếu máu hay cần gấp tiểu cầu là Bệnh viện huy động tinh thần tình nguyện của tất cả các nhân viên trong viện” - Bác sĩ Tuấn nói.
Trò chuyện cùng bác sĩ Tuấn, chúng tôi cảm nhận trong anh tấm lòng nhân ái, trắc ẩn. Lúc nguy hiểm, lúc ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, hơn ai hết, sự nhân ái trong anh lại được nhân lên gấp bội phần. Chỉ cần thông tin có bệnh nhân cần máu là bác sĩ Tuấn chủ động tìm mọi cách giúp bệnh nhân vượt qua được giai đoạn khó khăn.
“Có lần một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, sốc do mất máu nặng, nhưng nhóm máu của bệnh nhân rất hiếm. Chúng tôi đã liên hệ với ngân hàng máu sống của các bệnh viện, tìm trong mấy nghìn người mới có một người có nhóm máu phù hợp. Mỗi người bệnh được cứu sống mang đến niềm vui không chỉ cho gia đình họ, mà còn cho tất cả những người góp sức phía sau..." - Bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn hiến tiểu cầu cấp cứu bệnh nhân.
Công việc hằng ngày của bác sĩ Tuấn rất bận rộn. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, anh còn hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới trong tỉnh về vấn đề tim mạch; tham gia thực hiện các kỹ thuật can thiệp mạch vành, can thiệp mạch máu ngoại biên, tham gia kíp phẫu thuật tim hở, siêu âm tim và mạch máu. Bác sĩ Tuấn đã tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh; là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; tham gia đoàn khám, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân đồng bào miền núi, vùng cao, hải đảo...
Bên cạnh việc làm tốt công tác khám, chữa bệnh hằng ngày, bác sĩ Tuấn còn hỗ trợ khám sàng lọc và phân luồng bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện; hỗ trợ y tế phường truy vết những trường hợp F1 trong giai đoạn đầu của dịch; hỗ trợ khám sàng lọc và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một số trung tâm y tế trong tỉnh.
Từ khi có dịch Covid-19, công việc bận hơn rất nhiều, nhưng bác sĩ Tuấn không ngừng cố gắng, cống hiến, vượt qua khó khăn để đạt được những thành quả ngọt ngào là niềm vui, nụ cười của người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết tham gia tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà.
Trước khi nghỉ hưu năm 2012, bà Nguyễn Thị Tuyết (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) là y sĩ, có hơn 34 năm công tác tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh. Mang trong mình căn bệnh ung thư vú đã 12 năm, nhưng khi dịch Covid-19 xuất hiện, khi nhân dân cần, bà Nguyễn Thị Tuyết vẫn quyết tâm "xung trận": Vừa tham gia là thành viên các điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, vừa là thành viên của Tổ tư vấn sức khỏe cho các F0 điều trị tại nhà.
Phường Hồng Hà địa bàn rộng, mật độ dân cư đông. Khi triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, người dân lúc ấy ai cũng muốn được tiêm càng sớm càng tốt, nên khâu tổ chức các điểm tiêm rất khó khăn do thiếu nhân lực.
"Hôm ấy chị Phạm Thị Minh Nguyệt, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường, gọi điện thoại hỏi tôi có thể tham gia hỗ trợ phường không, tôi nghĩ mình còn làm được thì nên góp phần chống dịch, nên không hề do dự mà đồng ý luôn" - Bà Tuyết chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết chủ động tìm, in tài liệu để tư vấn cho người dân.
Thời điểm tham gia điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, có những ngày bà Tuyết làm việc từ sáng sớm đến hơn 19h giờ mới về nhà. Công việc của bà là khám sàng lọc, đo huyết áp, tim mạch cho người dân trước khi tiêm. Trong cảnh thời tiết nóng nực, với sức khỏe của một y sĩ về hưu đang mang bệnh trong người, bà vẫn làm được, làm tốt những công việc ấy. Tấm lòng muốn được sẻ chia, muốn được cống hiến chút sức nhỏ vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch đã giúp bà vượt qua tất cả.
Sau các đợt tiêm chủng, bà Tuyết hiện tham gia tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà. Công việc tư vấn về sức khỏe cho những người đang mắc Covid-19 không đơn giản chút nào. Để làm tốt, làm đúng, bà Tuyết tự in những tập tài liệu của Bộ Y tế, những kênh sức khỏe tin cậy, rồi nghiên cứu, tìm hiểu, cùng kinh nghiệm bao năm công tác trong ngành Y. Sau khi người dân được bà hỗ trợ thông tin, bà chủ động gọi điện lại để hỏi tình trạng sức khỏe cũng như sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh.
“Dù biết vai trò của mình rất nhỏ, tôi vẫn muốn đóng góp một chút công sức cùng mọi người vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này" - Bà Tuyết trải lòng.
Hơn 2 năm chiến đấu với "giặc Covid-19", lực lượng y tế vất vả, khó khăn không kể xiết. Trong bối cảnh này, những y, bác sĩ nghỉ hưu tình nguyện hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng như bà Tuyết thật là đáng quý, đáng trân trọng.
Giấy khen của UBND phường Hồng Hà là sự khích lệ rất lớn với những người đã về hưu như bà Nguyễn Thị Tuyết.
Câu chuyện ông tổ trưởng đã thuyết phục được cụ bà 83 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khiến nhiều người dân phường Hồng Hải (TP Hạ Long) khâm phục. Đó là ông Trương Ngọc Mai (SN 1961), Tổ trưởng kiêm bảo vệ dân phố tổ 3, khu 10, phường Hồng Hải.
Khi TP Hạ Long triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong toàn dân, đối tượng người già trên 65 tuổi và người có bệnh nền luôn được ưu tiên. Thế nhưng những thông tin truyền tai về những điều không tích cực khi tiêm đã ảnh hưởng tới không ít người dân. Trách nhiệm của người tổ trưởng như ông Trương Ngọc Mai là phải đi rà soát từng hộ dân, thông tin ngày giờ, địa điểm tiêm cũng như thủ tục khai báo. Trong tổ có cụ Lê Thị Nga, 83 tuổi, có bệnh nền, nhất định không đi tiêm. Con cháu trong gia đình không thuyết phục được nên đành nghe theo cụ.
Khi biết thông tin, ông Mai đã sang gặp cụ Nga giải thích. Những lý lẽ hợp lý và khoa học, bằng tình cảm cũng như trách nhiệm, quyền lợi của công dân, cuối cùng cụ Nga vui vẻ chấp thuận tiêm phòng. Điều đặc biệt và đáng quý, ông Mai đã chở cụ đến điểm tiêm. Nếu không bằng sự tận tâm, hết mình với bà con trong tổ, có lẽ nhiều người ở cương vị tổ trưởng như ông Mai đã “chùn bước”.
Những hoạt động của tổ dân phố luôn được ông Trương Ngọc Mai cập nhật, ghi chép đầy đủ.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông cùng mọi người trong tổ dân đi kiểm tra tình hình an ninh, nhân khẩu từng nhà, đảm bảo tốt công tác khai báo tạm trú, tạm vắng. Các đợt triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, ông tham gia điều phối, hướng dẫn người dân làm thủ tục và nhắc nhở giãn cách cũng như thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, góp phần vào thành công của các đợt tiêm phòng trên địa bàn phường.
Ông Trương Ngọc Mai cùng Tổ bảo vệ dân phố đi kiểm tra tình hình an ninh trên địa bàn.
Khi đêm xuống, ông cùng Tổ bảo vệ dân phố chia các ca đi tuần tra an ninh, đảm bảo an toàn cho người dân. Tất bật với việc làng việc xóm, dù hỗ trợ không đáng là bao, nhưng chính tấm lòng vì cộng đồng nên ông Mai đã gắn bó và làm tròn trách nhiệm một người tổ trưởng tổ dân tận tụy, gương mẫu.
Cũng giống như ông Mai, bà Bùi Thị Hiền (SN 1965), Tổ trưởng tổ 9, khu 1, phường Hà Trung (TP Hạ Long), có nhiều năm tham gia các hoạt động của tổ dân phố. Kể lại câu chuyện may khẩu trang khi bắt đầu có dịch Covid-19, bà Hiền cho biết: Thời điểm ấy khẩu trang khan hiếm, chị em phụ nữ trong tổ, khu đã trích tiền quỹ được gây dựng qua các hoạt động như biến rác thành tiền, nuôi heo đất…, để mua vải may khẩu trang, phát cho các gia đình. Giá trị của chiếc khẩu trang không lớn nhưng thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa những người hàng xóm, là sự sẻ chia kịp thời trong lúc dịch bệnh.
Bà Bùi Thị Hiền ghi chép số lượng thực phẩm để đi chợ hộ các gia đình có người F0.
Dịch bệnh mỗi ngày thêm phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng ngày một tăng, những hoàn cảnh khó khăn mỗi ngày lại nhiều lên và tấm lòng nhân ái cũng tự nhiên lan tỏa. Hoạt động đi chợ giúp các gia đình có F0 đã được triển khai từ năm trước trên địa bàn phường Hà Trung, được các chị, các bà, các cô trong Hội LHPN phường làm rất tốt, hiệu quả. Thông qua các hội nhóm zalo trong tổ, gia đình nào cần hỗ trợ mua thực phẩm, đồ ăn, thuốc men… chủ động đăng ký cụ thể số lượng để được giúp đỡ.
“Tôi gom đơn của các gia đình cần mua, trực tiếp đi chợ rồi mang về để ở cửa nhà. Tôi cũng bảo các gia đình không nên ngại ngần gì, bao giờ khỏi bệnh thì thanh toán tiền, miễn là đủ đồ ăn, sức khỏe tốt lên, thế là mừng rồi” - Bà Hiền chia sẻ.
Chị Đào Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN phường Hà Trung, đánh giá cao việc làm thiết thực mà các hội viên phụ nữ đã làm để giúp đỡ các hộ dân. “Hội luôn khuyến khích những việc làm đầy trách nhiệm và có ý nghĩa san sẻ với cộng đồng, qua đó góp phần giúp các hộ dân có F0 vượt qua được khó khăn vì dịch bệnh. Hội đang tiếp tục thực hiện mô hình mua hộ nhu yếu phẩm theo nhu cầu cho gia đình bị cách ly phòng dịch trên địa bàn phường" - Chị Huyền cho biết.
Đi chợ giúp nhau trong đại dịch trở thành phong trào được triển khai ở khắp các tổ dân phố phường Hà Trung (TP Hạ Long).
Không chỉ đi chợ hộ, hiện phường còn hỗ trợ các gia đình có F0 lĩnh lương hưu. Các tổ trưởng tổ dân phố tập hợp danh sách và chi trả tận nhà cho gia đình có F0.
Một điểm chung chúng tôi nhận thấy, bác sĩ Tuấn, bà Tuyết, ông Mai, bà Hiền… đều không muốn nói về những việc ý nghĩa họ đã, đang làm. Với họ, sự đóng góp của bản thân cũng bình thường và nhỏ bé, chưa phải là điều vĩ đại để ngợi ca. Nhưng chính những điều nhỏ bé ấy được nhân lên, lan toả thành những điều đẹp đẽ trong cuộc sống hàng ngày.
Các ca F0 vẫn xuất hiện mỗi ngày. Chặng đường chống dịch thời gian qua cho thấy càng trong khó khăn, tinh thần tương thân, tương ái càng được khơi dậy. Dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng sự tử tế, tình yêu thương được kết nối, lan tỏa từ những tấm lòng vàng vẫn còn đọng lại mãi, người trao và người được nhận đều cùng nhau nở nụ cười hạnh phúc. Tình người trong đại dịch lan toả góp phần tăng thêm sự quyết tâm để Quảng Ninh đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19.
Ý kiến ()