Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 12:39 (GMT +7)
Triệu phú nông dân
Thứ 3, 29/10/2013 | 18:34:52 [GMT +7] A A
Không được trang bị những kiến thức bài bản, làm giàu từ chính nghị lực, quyết tâm và sự cần cù, đó chính là những triệu phú nông dân không cam chịu số phận đi lên từ đôi bàn tay lao động ở quê hương Đông Triều.
Triệu phú thanh long
Đưa tôi đi thăm cánh đồng thanh long rộng ngút tầm mắt, anh Hoàng Đạo Hưng, thôn Thành Long (xã An Sinh) kể: “Trước kia, cũng giống như nhiều hộ khác, tôi khởi nghiệp bằng cây na, nhưng diện tích đất canh tác của gia đình khá trũng, cây na phát triển kém so với những chỗ khác. Hơn nữa, cây na cả năm mới thu một vụ, giá cả cũng năm được, năm mất. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, năm 2009 tôi quyết định chuyển gần 2ha diện tích trồng na sang trồng thanh long.” Vậy là, với kinh nghiệm góp nhặt từ những chuyến đi tận các tỉnh trong Nam, rồi tìm hiểu qua sách báo về cách trồng, chăm sóc loại cây này, anh cần mẫn khởi nghiệp với giống cây mới.
Anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Cổ Giản, xã Kim Sơn với mô hình nuôi thuỷ sản cho hiệu quả kinh tế cao. |
Trồng thanh long cũng lắm công, hai vợ chồng anh phải bắt tay vào cải tạo lại đất ruộng, tiến hành đào mương, be bờ, tự đổ lấy cọc bê tông rồi đào hố, chôn cọc… Vừa làm vừa học hỏi, dần dần anh cũng thuộc nằm lòng cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây và quả, diện tích thanh long của gia đình anh ngày càng phát triển tốt. Năm 2011, huyện triển khai dự án trồng thanh long ruột đỏ, gia đình anh tiên phong nhận trồng gần 1.000 gốc. Hiện nay, gia đình anh đang trồng trên 2.000 gốc thanh long trên diện tích 2,5ha. Hàng năm, diện tích này cho thu hoạch khoảng từ 15 đến 17 tấn quả chín trên mỗi ha, cho thu lợi hàng trăm triệu đồng, gia đình anh trở thành một trong những hộ làm ăn kinh tế khá nhất xã.
Làm giàu từ lợi thế đồng đất quê hương
Trước đây, chỉ có mấy sào ruộng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Cổ Giản, xã Kim Sơn vất vả cày cuốc cũng chỉ đủ ăn trong gia đình. Không cam lòng nhìn các con phải thiếu ăn, thiếu mặc, khi địa phương thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa của gia đình sang nuôi trồng thuỷ sản. Những thửa ruộng “chiêm khê, mùa thối” được anh đào đắp be bờ làm ao. Thiếu vốn đầu tư, anh phải vay ngân hàng, bà con họ hàng trong xã. Anh cải tạo hơn 1,5ha ruộng trũng để nuôi cá, đồng thời làm khu chuồng trại chăn nuôi theo mô hình VAC.
Anh Hưng cho biết: “Nuôi cá quan trọng nhất là phòng dịch bệnh, với lợi thế gần sông, sau mỗi vụ cá gia đình tôi lại tiến hành nạo vét ao, thay nước từ sông. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu và thực hiện các quy trình phòng bệnh, cho ăn hợp lý nên mỗi vụ nuôi, cá đều phát triển tốt…”. Nhờ cần kiệm làm ăn, anh dần trả được nợ ngân hàng. Đến nay, trung bình từ 4 ao đầm nuôi cá, gia đình anh thu được 12 tấn cá/năm, bên cạnh đó xuất bán được gần chục tấn lợn, chưa kể trồng lúa, nuôi vịt… Mỗi năm, gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng. Năm 2012, xã khuyến khích các hộ nuôi thử nghiệm giống cá lăng, gia đình anh mạnh dạn nhận thả 6.000 con giống. Giờ đây, cá lớn đều, dự kiến sau 2 năm chăm sóc số cá trên sẽ cho thu hoạch, với giá bán hiện tại từ 120.000-150.000 đồng/kg, số cá này sẽ đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập lớn hơn nhiều.
Từ làm thuê thành ông chủ trang trại
Về xã Bình Khê, khi được hỏi ai cũng biết trang trại của gia đình anh Nguyễn Đức Trường, thôn Quảng Mản, một trong những điển hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn nhất tại đây. Anh Trường kể: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trông vào cấy lúa và trồng màu. Tôi phải đi làm thuê, buôn bán khắp nơi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Sau tích cóp được chút vốn, tôi quyết định đầu tư mô hình kinh tế trang trại. Anh đầu tư vốn, cải tạo, xây dựng lại chuồng trại và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường thông qua việc sử dụng hệ thống biogas xử lý chất thải. Mới đầu, anh nuôi lợn thịt, về sau anh gây nái để đảm bảo chất lượng con giống. Đàn lợn của gia đình anh từ 10-20 con ban đầu, bây giờ đã lên tới 400 con lợn thịt và 50 con lợn nái.
Do thực hiện tốt khâu vệ sinh phòng dịch nên những năm qua, trại chăn nuôi của anh luôn an toàn, đàn lợn phát triển tốt. Năm vừa rồi, từ chăn nuôi lợn, gia đình anh đã có thu nhập gần 3 tỷ đồng. Không dừng lại đó, gia đình anh còn đầu tư thêm diện tích trồng cây cảnh dịp tết như đào, quất và mở rộng diện tích, nạo vét, xây lại ao đầm để thả cá rô phi đơn tính… Từ các mô hình kinh tế này mỗi năm cho gia đình anh thu nhập hàng tỷ đồng. Anh Trường cười tươi: “Đây là tâm huyết, mồ hôi, công sức của mình, ai bảo làm nông nghiệp nghèo chứ, chẳng phải có sức người sỏi đá cũng thành cơm sao...”
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()