Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 23:11 (GMT +7)
Người góp phần hồi sinh những trái tim
Thứ 2, 21/03/2022 | 10:22:28 [GMT +7] A A
Là Trưởng Khoa Nội tim mạch, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh - đơn vị có tỷ lệ nữ chiếm 60%, với bộn bề công việc, song bác sĩ Nguyễn Thị Thoa luôn gánh vác vẹn toàn cả hai vai.
Ai đã tiếp xúc với bác sĩ Nguyễn Thị Thoa đều cảm nhận ở người phụ nữ ấy khí chất nhiệt huyết trong công việc và sự nhẹ nhàng, ân cần, điều vô cùng cần thiết của một lương y. Bác sĩ Thoa chia sẻ, đã 30 năm trong nghề, chị rất hiếm nghỉ phép, trừ trường hợp gia đình có việc trọng đại như hiếu, hỉ. Chị đã cống hiến cho ngành Y nhiều giải pháp, sáng kiến "hồi sinh“ những trái tim cho người bệnh.
Đã có nhiều nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật đặc biệt khó được chị và các đồng nghiệp triển khai, duy trì hoạt động tốt tại khoa, như: Chụp, nong và đặt sten mạch vành, chụp và đặt sten mạch chi, mạch cảnh, chụp động mạch thận, thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp bằng sóng cao tần (RF), đặt máy tạo nhịp cấp cứu ngoài lồng ngực, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, điều trị laser nội tĩnh mạch..., điều mà có lẽ trước đây chỉ thực hiện được ở tuyến trung ương.
Bác sĩ Thoa trực tiếp tham gia công tác trực, khám cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, tiên phong đưa các kỹ thuật mới triển khai và áp dụng trong Khoa; trực tiếp thực hiện nhiều kỹ thuật cao trong thăm dò, chẩn đoán và điều trị bệnh, như ghi và đọc các kết quả hệ thống holter huyết áp, holter điện tim, điện tim gắng sức thảm chạy, siêu âm tim, trực tiếp làm xạ hình tưới máu cơ tim (Spect tim).
Đặc biệt với giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội tĩnh mạch bằng Laser hoặc sóng cao tần (RF) trong điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính”, bác sĩ Thoa cùng các đồng nghiệp đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2021.
Giải pháp được thực hiện sau một thời gian nghiên cứu, khi đưa vào áp dụng đã triệt bỏ vĩnh viễn các tĩnh mạch bị suy. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn, ít tai biến và có tính thẩm mỹ cao. Bác sĩ Thoa cho biết: Trước đây, việc điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới chủ yếu là nội khoa (dùng thuốc và đeo tất áp lực), tuy nhiên chỉ làm giảm triệu chứng của bệnh, không thể điều trị khỏi triệt để. Phẫu thuật có thể điều trị triệt để suy tĩnh mạch, nhưng phương pháp này vẫn có hạn chế, như bệnh nhân phải gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân, thời gian hậu phẫu dài (7-10 ngày), thời gian hồi phục lâu, tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ, triệu chứng đau và dị cảm sau mổ còn cao.
Với “bàn tay vàng”, bác sĩ Thoa đã thực hiện thành công nhiều ca cấp cứu bệnh nhồi máu cơ tim cấp, lóc tách động mạch chủ, tai biến mạch não, suy tim nặng, phù phổi cấp.
Những năm qua, phong trào thi đua của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung, của nữ cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện nói riêng, luôn nằm trong tốp đầu ngành Y tỉnh. Kết quả đó có vai trò lớn của Ban Nữ công Công đoàn Bệnh viện trong việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, vận động nữ CBCCVC-LĐ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, tay nghề, phát huy sáng kiến; triển khai phong trào thi đua.
CBVC nữ của Bệnh viện tham gia cấp ủy có 6/11 đồng chí, chiếm 54,5%; tham gia BCH Công đoàn có 5/9 đồng chí, chiếm 55,6%; nữ giữ vị trí trưởng/phó các khoa, phòng có 29/62 đồng chí, chiếm 44,6%.
Bác sĩ Thoa chia sẻ: Tôi luôn luôn động viên chị em nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, lao động sáng tạo; thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao, làm việc bằng cả tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của người thầy thuốc, luôn nêu cao tinh thần đó và "truyền lửa" cho các chị em trong công việc.
Với những cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2021 bác sĩ Nguyễn Thị Thoa đã vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()