Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 12:21 (GMT +7)
Tuổi 50 thành đạt
Thứ 2, 28/10/2013 | 05:37:11 [GMT +7] A A
Họ đều sinh năm 1963 - cùng với “năm sinh” của tỉnh. Trong họ đều tràn đầy tình yêu, trách nhiệm và nhiệt huyết cống hiến, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, phát triển. Điều ấy cũng mang lại những thành công nhất định cho họ trong cuộc sống hôm nay... Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh 30-10 (1963-2013), Báo Quảng Ninh xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 4 trong số rất nhiều gương mặt tiêu biểu ấy.
“Cây sáng kiến”
Ở tuổi 50, ông Vũ Hữu Vinh (Quản đốc Công trường Khai thác 2, Công ty CP Than Cao Sơn - Vinacomin) đã có 25 năm gắn bó với nghề khai thác mỏ. Ông được gọi là “cây sáng kiến”, vì khoảng chục năm trở lại đây năm nào ông cũng có 2 - 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng rất linh hoạt trong việc khai thác than ở Cao Sơn.
Năm 2013, thêm nhiều khó khăn lớn ở công trường nơi ông Vinh đang làm quản đốc. Bởi lẽ, hiện nay việc khai thác càng xuống sâu, lượng đất đá đổ ra các bãi thải gần khai trường đã cao không đảm bảo độ an toàn, buộc phải đổ đất đá ra xa hơn nhiều lần trước đây. Điều đó dẫn đến việc tiêu hao nhiều năng lượng dầu chạy xe, thời gian chạy xe; máy xúc vừa làm vừa phải chờ xe, dẫn đến năng suất khai thác đất đá giảm, ảnh hưởng đến nhiều công đoạn khác. Việc khắc phục hiện trạng này không dễ, công ty sẽ phải chi một số tiền rất lớn để mua thêm khoảng 60 xe ô tô với trọng tải 50 tấn/xe mới đáp ứng được tiến độ sản xuất.
Ông Vinh đưa ra sáng kiến là thay vì mua xe thì sẽ thuê xe, chỉ có cái khó là quản lý lực lượng này ra sao? Từ trước đến nay, việc giảm âm bãi thải luôn là vấn đề đau đầu với lãnh đạo công ty. Đó là số lượng đất đá được đổ ở bãi thải, khi đo lại ít hơn số đất đá được đưa ra từ khai trường, do đất đá đổ lên xe không được nén chặt, rơi vãi trong quá trình tải. Xe chở đất đá ra bãi thải thường chỉ tính bằng số chuyến, nếu quản lý không tốt xe chở vơi dẫn đến lượng đất đá bị hụt. Con số hụt này mà quá 2% thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thu nhập của anh em. Ông Vinh lại đưa ra sáng kiến thành lập tổ quản lý 2 đầu ngay tại công trường sản xuất, do chính anh em của đơn vị làm để siết chặt khâu này. Kết quả cho thấy, việc chuyển tải đất đá đã nghiêm túc hơn hẳn, tỷ lệ âm đất đá bãi thải của đơn vị chỉ còn 1,49%, làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng.
Làm giàu từ cây dược liệu
Vốn là bộ đội xuất ngũ, quê gốc ở tỉnh Vĩnh Phúc, năm 28 tuổi, ông Phạm Văn Trung ra Cẩm Phả để lập nghiệp. Vốn sinh ra, lớn lên ở vùng nông thôn nên khi tích luỹ được chút vốn, ông Trung đã quyết định mua 15ha rừng ở xã Cộng Hoà và đầu tư trồng cây dược liệu. Năm 2010, ông thành lập Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc. Hiện nay, các loại dược liệu chủ lực được ông ưu tiên trồng tại vườn rừng của gia đình là giảo cổ lam, hoài sơn, diệp hạ châu, cà gai leo, ba kích, rồi cỏ ngọt, đinh lăng... Ông Trung cũng đã nhập dây chuyền để chế biến sản phẩm trà nhúng giảo cổ lam và diệp hạ châu. Tới đây, ông sẽ tiếp tục cho ra đời sản phẩm thực phẩm chức năng viên nén. Ông Trung cho biết: “Tôi chỉ dám tham vọng làm lại những thứ mà người khác đã làm, nghĩa là sản xuất, chế biến ra những sản phẩm từ dược liệu trên thị trường đã có. Nhưng nét khác biệt là sản phẩm của tôi phải được khẳng định hơn hẳn về mặt chất lượng bằng loại thảo dược do chính công ty trồng theo tiêu chuẩn GAP. Để tìm ra sản phẩm riêng có, đặc trưng có lẽ cần thêm thời gian…” Với hướng đi hiện tại, ông Trung đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Yêu người - yêu nghề
24 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Hạ Long luôn được học trò và đồng nghiệp yêu mến, cảm phục. Cô Hương từng là giảng viên của Đại học Sư phạm II Hà Nội, năm 1989, vì theo chồng cô đã quyết định về Quảng Ninh giảng dạy.
Điều mà cô đã để lại trong lòng giáo viên và học sinh nhà trường không chỉ là tình yêu thương học trò mà còn là ý thức trau dồi, rèn luyện trong chuyên môn. Bền bỉ nhiều năm qua, cô Minh Hương cùng các đồng nghiệp trong tổ ngữ văn đã rèn luyện, giúp hàng trăm em học trò đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi môn ngữ văn cấp tỉnh, cấp quốc gia. Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, cô Hương còn đóng góp không nhỏ nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn ngữ văn trong nhà trường. Vì vậy, nhiều năm liền cô được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đặc biệt, năm học 2010-2011, cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là kết quả hoàn toàn xứng đáng đối với cô, người giáo viên đã dành cả đời cống hiến cho bộ môn ngữ văn.
Bác sĩ tận tâm với nghề
Quê gốc ở Quảng Ninh, bác sĩ Mai Thanh Hằng, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn tự hào khi sinh ra đúng vào năm thành lập tỉnh (1963). Năm 1988, tốt nghiệp Đại học Y khoa Bắc Thái, chị về công tác tại Trường Trung cấp Y tế Quảng Ninh (nay là Cao đẳng Y tế Quảng Ninh). Trong suốt 8 năm là giáo viên, chị luôn tận tâm truyền đạt kiến thức của mình cho học sinh và luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Sau khi chuyển về công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị đã đi học sau đại học chuyên ngành phụ sản và nhiều lớp đào tạo chuyên sâu về phụ sản, hồi sức sơ sinh khác. Đồng thời, chị còn thường xuyên nghiên cứu các đề tài khoa học, ứng dụng vào thực tế điều trị. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, chị đã có 5 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở với ứng dụng thực tiễn cao; tham gia nhóm làm 1 đề tài cấp nhà nước, 1 đề tài cấp bộ, như: Áp dụng điều trị chửa ngoài tử cung bằng Methotrexat; nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong điều trị vô sinh tại Việt Nam… Nhờ vậy, từ năm 2007 đến nay, khoảng 100 cặp vợ chồng hiếm muộn ở Quảng Ninh đã được Khoa Sản của Bệnh viện tỉnh chữa trị thành công.
Với cương vị Trưởng Khoa Sản, bác sĩ Mai Thanh Hằng luôn đổi mới công tác quản lý, khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế trong khoa áp dụng các kỹ thuật mới trong khám, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Từ năm 2005 đến nay, khoa đã phát triển 33 kỹ thuật mới, 29 đề tài khoa học áp dụng trong điều trị. Hiện khoa có thể thực hiện được các kỹ thuật chuyên môn cơ bản trong sản phụ khoa, các kỹ thuật mới của bệnh viện hạng I, bệnh viện tuyến trung ương, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Trong suốt quá trình công tác, chị được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, Bộ Y tế, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam. Từ năm 2005-2012, chị luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2012 chị được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2012, chị đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.
Công Thành - Cẩm Nang - Lan Anh - Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()