Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 09:47 (GMT +7)
Vai trò của những lễ hội
Chủ nhật, 12/05/2024 | 13:22:42 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đang bước vào mùa du lịch hè như mọi năm. Từ lâu, Quảng Ninh được biết đến là điểm đến hấp dẫn của du lịch biển với những thế mạnh về biển đảo. Làm thế nào để du khách đến Quảng Ninh không nhàm chán chỉ biết có biển? Ấy là lúc những lễ hội văn hoá phát huy vai trò, giá trị.
Giống như các tỉnh, thành phố ven biển, Quảng Ninh có lợi thế về du lịch biển, đó là những bãi tắm tuyệt đẹp từ Trà Cổ (Móng Cái) tới Cái Chiên (Hải Hà), Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn), Vàn Chảy, Hồng Vàn (Cô Tô); có Vườn Quốc gia Bái Tử Long là một trong 38 Vườn Di sản của ASEAN. Đặc biệt, Quảng Ninh có Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã 2 lần được thế giới vinh danh. Du lịch tham quan nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, tắm biển, khám phá, trải nghiệm gắn với biển đã và đang được khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế.
Cũng từ biển, Quảng Ninh có lợi thế về du lịch ẩm thực. Do những điều kiện tự nhiên ưu đãi, hải sản của Quảng Ninh từ lâu đã nức tiếng ngon như chả mực, tôm, cua, sứa, cá, ngán, sá sùng, hải sâm… Điều kiện kinh tế và mức sống của người dân không ngừng được nâng cao nên ngày nay không ít du khách từ ngoài tỉnh tới Quảng Ninh dịp cuối tuần cùng gia đình, bạn bè chỉ với mục đích chính là thưởng thức hải sản ngon.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào khai thác du lịch biển sẽ không tránh khỏi sự đơn điệu và nhất là không khai thác, phát huy được những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống của vùng đất, con người Quảng Ninh.
Thật mừng. Một sự ngẫu nhiên là ngoài đa phần các lễ hội của Quảng Ninh diễn ra vào mùa xuân thì còn có nhiều lễ hội văn hoá diễn ra vào dịp hè. Do đó là điều kiện thuận lợi để khai thác, phát huy giá trị, giới thiệu với du khách. Vào ngày 11/5, tại huyện Bình Liêu sẽ diễn ra hội Kiêng gió - lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng người Dao Thanh Phán.
Cùng ngày, tại huyện Đầm Hà cũng diễn ra Ngày hội văn hoá dân tộc Dao, lễ hội Kiêng gió của cộng đồng người Dao ở xã Quảng An với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao như biểu diễn hát sán cố, múa, dân vũ, trích đoạn biểu diễn nghi lễ cấp sắc truyền thống; thi các món ăn đặc trưng, truyền thống của các địa phương, giao lưu bóng đá nữ và các trò chơi dân gian đẩy gậy, đánh quay… Mục đích của các địa phương đều nhằm quảng bá nét đẹp văn hoá đồng bào các dân tộc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm gắn với chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn.
Vào ngày 5 và 6/7 (tức 30/5 và 1/6 âm lịch), tại Di tích Quốc gia đặc biệt đình Trà Cổ (Móng Cái) sẽ diễn ra lễ hội truyền thống đình Trà Cổ với tục thi “ông voi” độc đáo. Cùng ngày này, diễn ra lễ hội đình Bình Ngọc, lễ hội đình Tràng Vĩ với những nghi lễ và hoạt động văn hoá vô cùng hấp dẫn. Ngoài giao thông, một điều hết sức thuận lợi đó là cụm di tích này nằm ngay bên “bãi biển trữ tình nhất Việt Nam” nên du khách có thể kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, trải nghiệm với tìm hiểu những giá trị văn hoá Việt nơi địa đầu Tổ quốc.
Sau lễ hội đình Trà Cổ, vào ngày 20 và 21/8 (tức 17 và 18/6 âm lịch) sẽ diễn ra một lễ hội văn hoá quy mô nữa đó là lễ hội truyền thống Vân Đồn (hay còn gọi là lễ hội chèo bơi) tại xã Quan Lạn nhằm tưởng nhớ chiến công oai hùng của quân dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông năm 1288. Lễ hội có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao hấp dẫn, mà trọng tâm là cuộc đua thuyền chải truyền thống giữa hai giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ trong làng.
Với việc khai thác, phát huy giá trị các lễ hội văn hoá, du lịch Quảng Ninh sẽ đạt được mấy mục đích, vừa làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, đa dạng điểm đến, vừa quảng bá được vẻ đẹp vùng đất, con người Quảng Ninh. Văn hoá, ấy chính là nguồn tài nguyên vô giá để du lịch phát triển bền vững.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()