4
18
/
833658
Về nơi ghi dấu tinh thần bất khuất của thợ mỏ
longform
Về nơi ghi dấu tinh thần bất khuất của thợ mỏ

 

Cuộc đình công đòi tăng lương - giảm giờ làm - không đánh đập người lao động của hơn 3 vạn thợ mỏ bắt đầu từ Cẩm Phả đêm 12 rạng sáng ngày 13/11/1936 đã mãi mãi đi vào lịch sử và trở thành Ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than. Cẩm Phả đã xây dựng Quảng trường 12-11, Khu di tích lịch sử Vũng Đục nhằm ghi dấu tinh thần bất khuất đó và để khắc sâu trong tâm trí thế hệ sau về vùng đất đầy truyền thống này.

Cách Quảng trường 12/11, nơi nổ ra cuộc tổng bãi công của hàng vạn thợ mỏ Cẩm Phả ngày 12/11/1936 không xa là ngôi nhà số 22, phố Quang Trung là nơi ra đời tờ Báo Than. Tờ báo cách mạng đầu tiên của Khu mỏ ra đời năm 1928, do Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội khu vực Cẩm Phả - Cửa Ông in ấn, phát hành. Tờ báo có nhiệm vụ vạch trần thủ đoạn đàn áp bóc lột của bọn chủ mỏ, nêu lên nỗi khổ cực hàng ngày của người công nhân mỏ, kêu gọi họ vùng dậy đấu tranh.

Cùng cán bộ phường Cẩm Đông, chúng tôi đến ngôi nhà nơi ra đời tờ Báo Than. Trước cửa nhà chỉ còn tấm bảng viết về tờ Báo Than của Thành ủy Cẩm Phả được lồng trong khung kính. Trong đó có đoạn nhấn mạnh “Tờ Báo Than là tiếng nói của tổ chức cách mạng, lên tiếng vạch trần thủ đoạn đàn áp bóc lột của bọn chủ mỏ, kêu gọi mọi người đoàn kết đấu tranh. Tờ Báo Than đã trở thành người bạn tin cậy của đội ngũ công nhân, là vũ khí sắc bén đấu tranh chống kẻ thù. Báo Than là tiền thân của báo chí cách mạng Vùng mỏ, là dấu ấn quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam”.

Trong cuốn “Cửa Ông miền đất thiêng” do tác giả Thi Sảnh biên soạn, Hội Khoa học lịch sử Quảng Ninh xuất bản năm 2002, có trích dẫn lời của bà Vũ Thị Mai, là cán bộ của Chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội Cẩm Phả - Cửa Ông, người được Chi bộ phân công in ấn tờ báo Than. Bà Mai kể về quá trình làm báo Than của mình: “Hàng ngày tôi thường chuẩn bị mực in, giấy bản in rồi in thử. Xong đâu đấy tôi giấu các thứ vào gốc cây si cạnh nhà. Bản in đá có khi cũng thả giấu xuống giếng nước gần đấy. Đến tối khi phố xá đã yên nghỉ, tôi lấy các thứ về cùng các anh Chu, Thái hì hục in, có số báo in đến sáng. Mỗi số báo ra nhiều cũng chỉ đến vài trăm bản. Báo in xong trước khi phát hành anh Tuệ (đồng chí Đặng Châu Tuệ là Bí thư Chi bộ Cộng sản Cẩm Phả năm 1928-1929) mang cất vào kho nhà máy cơ khí nơi anh làm việc. Báo phát cho thợ mỏ, trước hết là các đảng viên, cho các hội viên trong các tổ chức quần chúng, còn lại mới phát cho những người “cảm tình”, những quần chúng có thể giác ngộ được. Thợ được xem báo thì kinh ngạc không hiểu ở đâu ra, ai viết, ai in lại nói về đời sống khốn cùng và việc làm cực nhọc của họ, nói những điều họ đang suy nghĩ”.

Cây si mà bà Vũ Thị Mai nhắc đến trong thời làm Báo Than ở ngôi nhà số 22, phố Quang Trung giờ không còn, giếng nước không còn hình dáng cổ xưa và cả ngôi nhà cũng đã được chủ nhà làm lại cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Những dấu tích cũ, chỉ còn trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Hinh, 85 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Văn thể, Công ty Than Hòn Gai, là con rể của chủ nhân cũ ngôi nhà này. Ông Hinh bảo: “Cây si ở gần giếng nước rất to, mỗi lần bão cành cây rít lên rất sợ. Gia đình bố vợ tôi cũng đã giữ cây si đã nhiều năm, nhưng những ngày gió bão cành si quật vào nhà lên chặt bỏ...”.

Báo Than tuy chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, nhưng nó là vũ khí sắc bén tuyên truyền cách mạng. Cũng từ đó mà các phong trào đấu tranh của công nhân mỏ đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng tạo nên sức mạnh đoàn kết chiến thắng ngày 12/11.

Sau thất bại của thực dân Pháp ngày 12/11, chúng bắt đầu cài cắm chỉ điểm vào hàng ngũ ta. Từ đó nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt, tra tấn, đánh đập mà vẫn không khuất phục được ý chí cách mạng của họ. Thời điểm cuối năm 1948 đầu năm 1949, thực dân Pháp khi không lay chuyển được ý chí của các chiến sĩ cách mạng, chúng đã hèn hạ thủ tiêu họ bằng cách dùng dây thép xâu tay, nhét họ vào bao tải buộc đá hộc rồi dìm xuống biển khu vực Vũng Đục. Để tưởng nhớ đến những chiến công oanh liệt của những người con đất mỏ đã hy sinh, Cẩm Phả xây dựng Tượng đài Vũng Đục, công trình được khánh thành ngày 3/2/1993. 

Năm 2010, Công ty TNHH Đức Ngọc (đơn vị đang hoạt động tại phường Cẩm Đông) tiến hành xây dựng Đền thờ liệt sĩ Vũng Đục ngay dưới chân tượng đài. Công trình được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, đa phần là vốn của Công ty TNHH Đức Ngọc và có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn. Công trình được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than.

Ông Vũ Xuân Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đức Ngọc, bảo rằng, việc ông xây dựng đền thờ hoàn toàn do cái tâm, bởi ngôi đền xây dựng gần chục năm nay gần như không có nguồn thu gì. Ông Đức đã từng công tác tại Cẩm Đông làm cán bộ công an ở khu vực này, rồi làm lãnh đạo phường. Ông đã có tâm huyết xây dựng ngôi đền cho các liệt sĩ Vũng Đục từ lâu, chỉ đến khi ông chuyển sang làm kinh tế mới có điều kiện hơn để thực hiện ý nguyện này.

Theo ông Đức, ngôi đền được làm dựa theo mẫu đền của cụ Trần Nguyên Đán tại Khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) do vị giáo sư có uy tín của Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Đền có 3 gian, 2 chái với thiết kế hình chữ Đinh và một số công trình phụ trợ diện tích 3.000m2 trên khuôn viên rộng 17.000m2. Cách Đền thờ Vũng Đục khoảng 400m là Khu du lịch hang động Vũng Đục là một trong 5 điểm du lịch được TP Cẩm Phả công nhận. Điểm du lịch này được Công ty CP Vũng Đục khai thác từ năm 1999 đến nay, gồm các động Thiên Đàng, Long Vân, Ngỡ Ngàng, hang Kim Quy, Hang Dơi.

Trong tương lai Vũng Đục sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn thế nữa. Đồng chí Vũ Đình Nhân, Bí thư Đảng ủy phường Cẩm Đông, cho biết: “Ngày 5/11/2018, TP Cẩm Phả đã có Văn bản số 3524/UND-QLĐT trả lời về việc đồng ý lắp đặt cổng chào đường Vũng Đục theo đề xuất của UBND phường Cẩm Đông. Dự kiến cổng chào sẽ được đặt tại ngã rẽ vào Vũng Đục nơi có bồn hoa lớn trên QL18A. Công trình tạo điểm nhấn cho phường Cẩm Đông và sẽ có thêm nhiều người biết hơn về khu di tích Vũng Đục”. Được biết ngày 14/9/2018, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Tập đoàn FLC để nghe báo cáo các dự án mà Tập đoàn đang triển khai trên địa bàn Quảng Ninh, trong đó có Khu đô thị FLC Vũng Đục. Như thế trong tương lai gần Vũng Đục sẽ trở thành mảnh đất đầy tiềm năng, góp phần vào sự phát triển của TP Cẩm Phả nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Bài: Công Thành

Ảnh: Tư liệu, PV-CTV

Trình bày: Hải Anh

 

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu