Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 20:23 (GMT +7)
Xây dựng vùng sản xuất thực phẩm an toàn
Thứ 3, 15/02/2022 | 07:39:13 [GMT +7] A A
Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, cũng như đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường xây dựng vùng sản xuất thực phẩm an toàn trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Trước hết, tỉnh và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; chú trọng vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; thường xuyên hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn. Đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào cuộc như: Công ty TNHH Đầu tư sản xuất nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup), Tập đoàn BIM, Công ty CP Thủy sản Việt Úc, Công ty Thủy sản N.G Việt Nam, Công ty CP Xây dựng Việt Long, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường... qua đó giúp tỉnh từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với việc phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chủ lực có lợi thế của tỉnh.
Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn. Sở NN&PTNT đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ xây phần mềm nội bộ “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy suất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh”, cập nhật, biên tập đưa dữ liệu 157 sản phẩm lên hệ thống...
Các địa phương phát huy thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng để tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, chuyên canh, gắn với thương hiệu sản phẩm, như vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn, vùng trồng chè tập trung, vùng trồng cây ăn quả, vùng nuôi tôm, nuôi nhuyễn thể, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung...
Đồng thời, các ngành, địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, như: Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp... Năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT) đã thực hiện giám sát chất lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật, thủy sản nuôi tại vùng nuôi ở Quảng Yên, Tiên Yên, Hạ Long, Móng Cái, với tổng số 60 mẫu tôm thẻ và tôm chân trắng, để phân tích các chỉ tiêu hóa chất, chất cấm. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, có 58 mẫu đạt yêu cầu, 2 mẫu phát hiện chất cấm Enrofloxacin.
Việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cũng được chú trọng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 30.927 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Trong năm 2021, các đơn vị, địa phương đã thẩm định xếp loại định kỳ cho 901 cơ sở, trong đó 16 cơ sở xếp loại A (tốt), 852 cơ sở xếp loại B (đạt) và 33 cơ sở loại C (không đạt); số còn lại chưa có kết quả xếp loại. Trong 1.050 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận an toàn thực thực phẩm, có 941 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận, số khác đang được thẩm định điều kiện; hơn 29.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy, có gần 27.900 cơ sở đã ký cam kết sản xuất kinh danh thực phẩm an toàn.
Với các biện pháp trên, nhận thức của người dân và danh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã thay đổi, chú trọng hơn đến công tác an toàn thực phẩm. Nhờ đó, toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung với gần 1.085ha vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP (gồm 331ha na, 32,77ha chè, 195,01ha lúa, 79,7ha rau, củ, 446,5ha khác); 45ha đất trồng trọt hữu cơ tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho 162 tấn rươi - lúa hữu cơ; 28 cơ sở chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả; 7 công ty sản xuất thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Toàn tỉnh cũng duy trì 15 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Bên cạnh đó, các ban, ngành của tỉnh còn thường xuyên kiểm ra, rà soát các sản phẩm thuộc chương trình OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố; giám sát điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tham gia chương trình OCOP... Hiện toàn tỉnh có 368 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp nằm trong chương trình OCOP, trong đó 110 sản phẩm đạt 3 sao; 37 sản phẩm đạt 4 sao; 3 sản phẩm đạt 5 sao.
Sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ATTP; liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi; ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản trên thị trường... để mang đến sự an toàn nhất cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và du khách.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()