Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:50 (GMT +7)
Xèo Chu - 'thần đồng' làm từ thiện
Chủ nhật, 15/08/2021 | 07:33:07 [GMT +7] A A
10 tuổi đã có triển lãm tranh ở Singapore, bán được 20 bức. 12 tuổi có triển lãm cá nhân ở New York, Hoa Kỳ… Gọi Xèo Chu là “thần đồng hội họa” cũng không sai. Nhưng Chu chỉ muốn là “Heo nhỏ”. Những ngày Sài Gòn đau thương, “Heo nhỏ” ủng hộ gần 3 tỷ đồng (bằng tiền bán tranh) để mua máy thở, thiết bị y tế ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID.
Xèo Chu với tác phẩm của mình |
Mẹ Chu, bà Sương là chủ gallery Bến Thành, một địa chỉ quen thuộc của giới hội họa và sưu tập Việt Nam. Năm 2007, năm Heo vàng, bà hạ sinh một cậu bé khôi ngô đặt tên Phó Vạn An. Bà chủ gallery vốn mê dòng phim cổ Trung Quốc. Sinh cậu con trai đầu, bà coi “Hoàn Châu cách cách”, sinh con trai thứ ba, bà coi “Tôn Ngộ Không”, một bộ phim sống trong ký ức tuổi thơ của bà. Nickname Xèo Chu ra đời như thế: Chu tức là Chư. Xèo mang nghĩa nhỏ/bé. Xèo Chu là “Heo nhỏ”. Bà ngoại của Chu mới đầu nghe không ra nên gọi Chu là “thằng sữa chua”.
Nhà Chu không ai cầm cọ, độc nhất Chu. Chu chơi với cọ từ khi mới 4 tuổi. Bức tranh đầu tiên của Chu có giá 500 ngàn đồng. Sau đó, lên 50 USD/ bức. Dạo ấy Chu chỉ vẽ cỡ 30 cm x 40 cm. Mẹ ấn định chất liệu cho Chu: Acrylic, chứ không phải sơn dầu. Mẹ Chu giải thích: Dùng sơn dầu sợ hư tay “Heo nhỏ”. Đúng sinh nhật lần thứ 10 của Chu, mẹ đã giúp Chu có một triển lãm đầu tiên ở Singapore, nhân bà có chuyến công tác tại đảo quốc sư tử. Không ngờ triển lãm có sức hút.
Kết thúc triển lãm, Chu bán được 20 bức tranh, thu về khoảng 80.000 USD. Số tiền ấy được “quy hoạch” làm từ thiện. Mới đây, Chu ủng hộ gần 3 tỷ đồng bằng tiền bán tranh của em, để mua máy thở, trang thiết bị y tế phục vụ công cuộc chống COVID, cứu sống bệnh nhân trong đại dịch khủng khiếp này. Nhiều người ngạc nhiên về “Heo nhỏ” mới 14 tuổi đã góp một số tiền lớn cho hoạt động thiện nguyện. Nhưng những ai biết về Xèo Chu sẽ không ngạc nhiên, bởi “Heo nhỏ” đã làm từ thiện từ bé xíu.
Giúp đỡ người khác bằng mồ hôi của mình
Bà chủ gallery Bến Thành có cả một đàn con nuôi, là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Bà Sương sinh được 3 cậu con trai. Bà giao cho mỗi cậu con trai phải giúp mẹ “nuôi” một bạn nhỏ bằng tuổi mình. Chu sẽ “nuôi” một bạn cỡ tuổi của Chu. Để có tiền “nuôi” bạn, các con phải lao động. Anh Hai đi chơi đàn kiếm tiền và giúp mẹ làm việc nhà, mẹ sẽ trả công. Anh Hai lại thuê Xèo Chu làm mấy việc nhẹ nhàng, Xèo Chu lon ton đi làm và được anh Hai trả công. Khi ấy Chu chưa vào lớp 1.
Bà chủ gallery muốn dạy các con: Phải biết cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Và phải giúp đỡ người khác bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình. Có lần, nhân viên phòng tranh mách bà chủ: Chu đã ghi tên mình lên một bức tranh của một tác giả tên tuổi. Mẹ hỏi Chu: “Ủa, sao con ghi tên con lên tranh?”. Chu hồn nhiên đáp: “Con ghi tên lên tranh để con bán, vì nãy con thấy chị ấy bán tranh. Con bán tranh để có tiền, khỏi phải làm việc nhà”. Mẹ dạy Chu: “Không được làm vậy, mình phải tự vẽ tranh để bán”. Thế là “Heo nhỏ” đi học vẽ.
Bà Sương kể, từng cho hai anh trai của Chu học vẽ, nhưng sau 3 năm, hai anh bỏ cuộc. Bà kết luận: “Học vẽ mà không có đam mê thì dù mẹ có điều kiện như thế hoặc tốt hơn cũng chịu”. Song với Chu thì học vẽ là một đam mê thực sự. Ở đâu, Chu cũng vẽ. Khi ngồi trên xe, Chu vẽ lên tay, lên mặt. Buổi tối, nằm cùng mẹ, Chu vẽ lên lưng mẹ. Ngày nào Chu cũng đòi vẽ, đến nỗi mẹ phải “can”: “Con phải đi học tiếng Anh kìa, học còn chưa xong”.
Hai anh trai của Chu học trường quốc tế từ nhỏ nên mắc nhược điểm nói tiếng Anh như gió nhưng không biết nói tiếng Việt. Bây giờ, hai anh đã nói tiếng Việt trôi chảy. Bà Sương rút kinh nghiệm, những năm đầu tiên, cho Chu học trường Việt Nam. Khi tiếng Việt đã nhuần nhuyễn, Chu chuyển sang rèn tiếng Anh để học trường quốc tế. Xèo Chu được mẹ cân đối thời gian giữa học vẽ và học ngoại ngữ. 8 giờ sáng Chu học vẽ. Sau một tiếng, Chu lại chuyển sang lớp học tiếng Anh.
Từ ngày biết vẽ, Chu đã được ký tên mình trên tranh và có tiền từ việc bán tranh. Nhưng Chu không quan tâm tới giá tranh thế nào, việc ấy đã có mẹ lo. Việc của Chu là theo mẹ đi làm từ thiện. Từ nhỏ xíu, khi mẹ Chu nấu ăn ở bếp từ thiện, Chu đã phụ mẹ múc cháo, bưng bê thức ăn, chăm sóc các cụ già không nơi nương tựa ở trong chùa.
Một tháng Chu theo mẹ vào chùa 2 lần. Có khi sau một tháng trở lại, có cụ đã mất, Chu ngồi khóc vì thương cụ. Chu cùng các anh đã từng dọn giường, giặt chiếu cho các cụ. Không ít người sợ công việc này, vì các cụ nằm lâu trên giường, phát bệnh ngoài da, giường chiếu không thơm tho. Bà Sương bảo các con phải bịt khẩu trang mà làm, sau đó về nhà tắm rửa sạch sẽ là xong. Ngày qua ngày, ba con trai của bà Sương trở nên quen và thích hoạt động từ thiện. Chu còn đặc biệt thích cho tiền người có hoàn cảnh có khăn.
Mẹ của Chu kể một kỷ niệm: Lúc đi trốn dịch, hai mẹ con đi chợ dọc bờ biển. Mẹ không mang túi nên gửi một ít tiền trong túi của “Heo nhỏ”. Hai mẹ con trông thấy ở dưới biển có một người đàn ông dáng vẻ khá lạ, bèn tiến lại gần, mới phát hiện, ông ta chỉ có một cánh tay.
Mẹ của Chu bước nhanh hơn, về phía người đàn ông cụt tay. Chu hiểu, mẹ sẽ cho tiền người ta. Mang theo 500 ngàn, mới tiêu 100 ngàn đồng, Chu móc túi lấy 400 ngàn đồng, rồi hỏi mẹ: “Cho hết đúng không mẹ?”. Chưa cần mẹ đáp, “Heo con” đã đưa tiền cho người đàn ông khuyết tật. Cho tiền xong, cậu còn hỏi: Chú có biết bơi không? Sao một tay chú vẫn bơi được?...
Cây cà rem có giá bao nhiêu cũng không biết!
Xèo Chu mới có facebook vài tuần nay. Cậu cũng đã có instagram. Nhưng người lập và chịu trách nhiệm quản lý những ngôi nhà ảo ấy chính là anh Hai của Chu: “Những đợt bán tranh vừa rồi đều do anh Hai của Chu làm cả, từ bán “Hoa mai may mắn” dưới dạng kỹ thuật số hay livestream 2 tiếng đồng hồ đấu giá trực tuyến, thu về 140.000 USD”, mẹ Xèo Chu tiết lộ.
Anh Hai của Chu hơn Chu 8 tuổi, cưng Chu từ bé. Anh Hai du học tại Canada, do dịch bệnh nên trở về nước khoảng hơn 2 năm nay. Dịch bệnh, anh Hai ở nhà nhiều, hai anh em vì thế càng thương yêu, gần gũi với nhau. Anh Hai vào phòng Chu đàn, rồi coi em vẽ, dần nhận ra, tranh “Heo con” rất đẹp.
Nhưng bà Sương không để các con rảnh rỗi quá lâu. Sau khi con trai cả được tiêm 2 mũi vắc-xin, bà giao việc ngay: “Con được xã hội, cộng đồng cho tiêm 2 mũi thì bây giờ con phải làm việc có ích cho cộng đồng”. Thế là ngày nào anh Hai của Chu cũng đi làm từ thiện, đi phát thực phẩm, khẩu trang… khắp nơi.
Sau nhiều ngày đi từ thiện, anh Hai chứng kiến nhiều cảnh đời khốn khó, bèn nghĩ ra một cách: Đem tranh của Chu đi bán. Nhưng bà Sương bảo: “Dịch dã thì bán cái gì hở con?”. Anh Hai đáp, sẽ bán qua hình thức đấu giá trực tuyến, chia làm hai đêm, mỗi đêm chỉ bày 4 bức: “Xem người ta có mua không? Mua thì mang ra bán tiếp, không mua thì dẹp tuồng”.
Khác với Xèo Chu, anh Hai thừa hưởng sự sắc sảo trong kinh doanh của mẹ: “Đêm đầu tiên livestream ngược tới, ngược lui, giữa đoạn lộn phèo. Vui lắm”, bà Sương nhớ lại. Bà chủ gallery lâu nay không chơi facebook, lần đầu cầm máy điện thoại giúp con livestream. Không ngờ, đấu giá trực tuyến quá thành công, thu về một số tiền lớn. Chưa dừng lại, anh Hai tiếp tục bán tranh của Chu trên sàn NFT.
Bà chủ gallery dặn con trai cả: “Tranh của em, con không được bán dưới 5.000 USD đâu”. Vì thế, “Hoa mai may mắn” bản kỹ thuật số mới có giá khởi điểm 5.000 USD. Bà Sương vốn không lạ gì thị trường tranh cũng phải ngỡ ngàng vì “Hoa mai may mắn” cuối cùng đã có người mua với giá gần 23.000 USD: “Chỉ là bán cái bản kỷ thuật số, còn bức tranh vẫn ở đây”, bà giải thích. Số tiền này lại tiếp tục sẽ được mang đi từ thiện. Bà Sương cam kết: Trước 18 tuổi, tiền bán tranh của Xèo Chu sẽ chỉ để hỗ trợ cộng đồng vào thời khắc khó khăn. Bà cũng tiết lộ: Chính bà là người đặt tên cho các tác phẩm của con. Chu chỉ biết vẽ.
Liệu Xèo Chu có biết tranh của em có giá cao? Bà Sương đáp, con trai bà không biết tiền nong là gì: “Cây cà rem có giá bao nhiêu tiền Chu cũng không biết luôn. Buồn cười lắm, cứ như em bé ấy”. Song “Heo nhỏ” khi cần quyết thứ gì cũng ra dáng người lớn. Nói về việc ủng hộ 3 tỷ mua máy thở, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống COVID, bà Sương kể: “Trong bữa cơm, anh Hai bảo, mình từ thiện 95% thôi, còn để lại 5% mua bố, mua màu. Mình bỏ vốn ra mua rồi lại làm cực muốn chết, mà lỡ sau người ta không mua nữa thì sao?
Cần phải có nguồn tái đầu tư chứ! Mẹ gật gật, vì thấy thằng anh nói có lý. Mẹ quay sang hỏi Chu: Ý con sao? Thằng em ậm ừ rồi đáp: “Mình đã cho được 90-95% thì cho luôn đi, để lại 5-10% làm gì? Mua màu thì có hết bao nhiêu đâu, mẹ có tiền mà. Bố thì bên xưởng làm. Mẹ hỏi tiếp: Thế công của mình thì sao? Chu hồn nhiên trả lời: Người ta bỏ tiền thì mình bỏ công”. Bà Sương vừa kể về “Heo nhỏ” vừa cười vui vẻ.
Ngày 6 tháng 8 vừa qua, Chu lại thu về 23.000 USD cho bức “Hoa mai may mắn” (ảnh) dưới dạng kỹ thuật số trên sàn NFT. Đây là bức tranh có giá cao nhất đến từ Việt Nam trên sàn này.
Học toán cho vui
Xèo Chu chơi guitar, giỏi bóng bàn và mê toán học. Mẹ Chu tiết lộ, Chu từng giành huy chương vàng Olympic Đông Nam Á, ở bộ môn toán học. Khi dịch bùng phát, Chu tự mời một thày dạy toán cho em bằng một chương trình riêng. Mẹ tò mò hỏi Chu học gì thế? Chu bảo: “Con học cho vui”. Chu không để ý thành tích và rất ngại làm “ngôi sao”.
Mẹ Chu nói: “Bữa trước làm từ thiện bên bệnh viện. Chu chưa chích ngừa nên mẹ chỉ muốn Chu vào 5 phút. Chu mặc đồ bảo hộ đi vô. Em thấy đông quá, cả giám đốc bệnh viện, cả phó giám đốc bệnh viện… ê kíp hùng hậu. Có lẽ do Chu còn nhỏ nên mọi người tò mò muốn gặp. Các bác thấy tranh Xèo Chu đẹp cũng muốn lấy 8 bức tranh đó in ra để treo ở bệnh viện. Khi ra về, Chu ghé tai mẹ: Sau này mình cho ai đó, mình không cần chụp hình thế này có được không? Vì con không muốn”.
Rất may, ở trường, Chu không bị đối xử như “ngôi sao”. Mẹ Chu giải thích: “Trường quốc tế không liên quan mảng hội họa nên bạn bè không biết Xèo Chu là ai đâu! Khi đi học Xèo Chu lấy tên khác, không gây sự chú ý”.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()